Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 12-11-2021 9:54am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Duy Tùng

Trước đây, tiềm năng phát triển của phôi vẫn được cho là phụ thuộc nhiều vào chất lượng của noãn và có rất ít nghiên cứu tìm hiểu về tác động của yếu tố tinh trùng. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy tinh trùng cũng là yếu tố quyết định kết qủa thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF) và kết quả sản khoa. Nhờ đó, nhiều công trình bắt đầu tập trung vào nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của tinh trùng đến chất lượng của phôi. Đặc biệt là trong giai đoạn phát triển đầu tiên của phôi có thể cho thấy những bất thường về di truyền và thượng di truyền của phôi, chẳng hạn như sự giải nén vật chất di truyền ở tinh trùng hay tinh trùng chưa trưởng thành, tỷ lệ P1:P2 bất thường, chuỗi DNA đứt gãy, tinh trùng bất thường về di truyền đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi.
 
Tuy vậy, những ảnh hưởng từ bố và mẹ đến tiềm năng phát triển của phôi qua hệ thống timelapse vẫn còn nhiều tranh cãi, chẳng hạn như tuổi mẹ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của phôi hay chất lượng tinh trùng có thể ảnh hưởng đến động học phôi. Những tranh cãi này hoàn toàn dễ hiểu khi có quá nhiều thông số và mô hình được sử dụng để thực hiện những nghiên cứu này. Tuy vậy, nhiều thông số đã được xác định là ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của phôi như phác đồ kích thích buồng trứng, kỹ thuật thụ tinh noãn, môi trường nuôi cấy và nồng độ oxy. Đa số các tác giả chỉ tập trung vào một tham số của bố hoặc mẹ, sau đó thực hiện phân tích hồi quy đơn biến và loại bỏ các yếu tố đến từ phía còn lại. Hơn nữa, các nghiên cứu này phân tích phôi từ những bệnh nhân một cách đơn lẻ khiến số liệu có thể bị thổi phồng quá mức về ý nghĩa thống kê.
 
Nghiên cứu của nhóm (2021) tập trung vào việc đánh giá ảnh hưởng của bố và mẹ đến quá trình phát triển của phôi. Để làm được điều đó, nhóm phát triển mô hình gồm 2 nghiên cứu độc lập: nghiên cứu đầu tiên sử dụng noãn từ người hiến (TL-DO: timelapse – donor oocyte) để đánh giá ảnh hưởng từ người bố, và nhóm thứ hai sử dụng tinh trùng hiến (TL-DS: timelapse – donor sperm) để đánh giá ảnh hưởng từ mẹ. Nhóm chứng bao gồm những người hiến noãn và tinh trùng trẻ và có chất lượng tốt đồng ý sử dụng giao tử của họ cho ít nhất hai cặp vợ chồng trở lên, từ đó tìm ra mức độ ảnh hưởng của bố và mẹ lên động học của phôi thông qua phân tích đơn biến và đa biến để xác định những yếu tố đồng tác động.
 
Nghiên cứu thực hiện trên 572 noãn từ 115 chu kỳ, có 429 noãn thụ tinh và 402 phôi được nuôi trong tủ timelapse. Trong nhóm TL-DO có 293 noãn trữ lạnh từ 31 phụ nữ hiến noãn được sử dụng để thụ tinh với 67 mẫu tinh trùng bằng kỹ thuật ICSI và tạo được 199 phôi. Nhóm TL-DS thực hiện trên 279 noãn tươi từ 27 phụ nữ được thụ tinh từ 10 mẫu tinh trùng hiến và tạo được 203 phôi. Các dữ liệu về động học được thu nhận để phân tích bao gồm:
  • tPB2: thời điểm xuất hiện thể cực thứ hai
  • tPNa: thời điểm xuất hiện tiền nhân
  • tPNf: thời điểm tiền nhân biến mất
  • t2, t3, t4: thời điểm xuất hiện các phôi bào thứ 2, 3 và 4
  • s2: sự đồng bộ giữa chu trình tế bào được xác định bằng khoảng thời gian xuất hiện của phôi bào thứ 3 và thứ 4 (s2=t4-t3)
  • cc2: thời gian của lần phân chia thứ hai xác định bằng khoảng thời gian xuất hiện phôi bào thứ 2 và thứ 3 (cc2=t3-t2)
 
Kết quả được tính bằng sự khác biệt về thời gian (tính bằng giờ) trong 48 giờ đầu tiên sau ICSI. Nhóm nghiên cứu ghi nhận được các kết quả như sau:
  • Sự tương đồng về thời gian giữa các sự kiện khác nhau có liên hệ mật thiết với các yếu tố của người phụ nữ và hầu hết đều có mức độ tương đồng cao với hệ số tương quan nội bộ (intraclass correlation coefficient – ICC) ở nhóm DO và DS lần lượt ở các thời điểm tPB2: 9–18%; tPNa: 16–21%; tPNf: 40–26%; t2: 38–24%; t3: 15–20%; t4: 21–32%. Do đó, sự tương quan trong lần phân chia đầu tiên của phôi từ noãn của một người phụ nữ sử dụng hai mẫu tinh trùng khác nhau là từ 9% đến 40%.
  • Ngược lại, sự tương đồng về thời gian với các yếu tố của nam giới yếu hơn so với phụ nữ, ngoại trừ t3 và cc2.
  • Không có sự tương đồng nào về tPB2 và tPNa trong cả 2 nghiên cứu.
  • Kết quả hồi quy đa biến cho thấy trong tất cả các đặc điểm của nữ giới (tuổi, BMI, sử dụng thuốc lá và phác đồ kích thích buồng trứng), chỉ có tuổi và BMI ảnh hưởng đến một số thông số phát triển của phôi. Cụ thể, phụ nữ càng lớn tuổi thì tPB2 càng trễ (+0,10 giờ mỗi tuổi (95%CI [+ 0,03; + 0,17]; p = 0,009)). Phụ nữ có BMI ≥ 30kg/m2 có tPNa trễ hơn so với phụ nữ có BMI < 20kg/m2 (+ 1,50 giờ, 95%CI [+ 0,20; + 2.79]; p = 0,025).
  •  Đối với nam giới chỉ có số lượng tinh trùng có mối tương quan đến động học của phôi. Khi số lượng tinh trùng ít hơn 15 triệu tinh trùng/ml, tPB2 xảy ra trễ hơn so với nam giới có số lượng bình thường (+ 0,66 giờ, 95%CI [+ 0,08; + 1,25]; p = 0,026).
 
Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá được tác động riêng lẻ của bố và mẹ trong động học phát triển của phôi. Từ những kết quả trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy noãn có vai trò quan trọng trong động học phát triển của phôi. Yếu tố tinh trùng ảnh hưởng đến lần phân chia đầu tiên của phôi nhưng không ảnh hưởng đến giai đoạn thụ tinh ban đầu. Nhóm cũng nhận thấy không có đặc điểm cụ thể nào của người mẹ ảnh hưởng đến động học của phôi, dù kết quả cho thấy BMI có thể là một đặc điểm tiềm năng nhưng số lượng phụ nữ có BMI ≥ 30kg/m2 trong nghiên cứu quá ít để có thể khẳng định. Tuổi mẹ cũng là một yếu tố tiên lượng đã được sử dụng trong hỗ trợ sinh sản từ lâu, phản ánh qua sự suy giảm số lượng và chất lượng noãn dẫn đến giảm hiệu quả điều trị IVF. Trong nghiên cứu này, nhóm không nhận thấy sự ảnh hưởng của tuổi mẹ đến động học phát triển của phôi nhưng lại có sự ảnh hưởng của số lượng tinh trùng đến một số thông số động học của phôi. Qua đó, nhóm nhận thấy noãn và tinh trùng đóng góp không tương đương nhau trong quá trình phát triển của phôi và mỗi yếu tố ảnh hưởng đến những giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển của phôi.

Nguồn: Bruno C, Bourredjem A, Barry F, et al. Analysis and quantification of female and male contributions to the first stages of embryonic kinetics: study from a time-lapse system [published online ahead of print, 2021 Oct 21]. J Assist Reprod Genet. 2021;10.1007/s10815-021-02336-5.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK