Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 04-12-2021 8:56am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVF Vạn Hạnh

Biến đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu của thế giới trong thế kỉ 21. Tác động trực tiếp và ngay lập tức của hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu là sự tăng nhanh nhiệt độ trung bình hay sự gia tăng tần suất xuất hiện và cường độ của các đợt nắng nóng. Dự đoán đến năm 2070, nguy cơ tiếp xúc với các đợt nhiệt nghiêm trọng ở Hoa Kì tăng lên khoảng 4 – 6 lần so với cuối thế kỉ 21. Đã có bằng chứng cho thấy nhiệt độ cơ thể mẹ có liên quan đến những bất thường sinh sản như thai chết lưu, sinh non, trẻ nhẹ cân hay khuyết tật bẩm sinh. Tuy nhiên, cơ chế chính xác dẫn đến kết quả này vẫn chưa được làm sáng tỏ và chưa thống nhất giữa các nghiên cứu. Tiếp xúc nhiệt làm tăng quá trình tuần hoàn của các marker tiền viêm hoặc stress oxy hóa, điều này gây khiếm khuyết quá trình hình thành mạch máu của thai nhi, giảm lượng máu trao đổi giữa tử cung và nhau thai-bào thai. Ngoài ra, tiếp xúc nhiệt cũng làm tăng sản xuất các protein sốc nhiệt (heat-shock protein), phá vỡ sự cân bằng nội môi của protein và thay đổi sự phát triển của thai nhi.
 
Kiến thức về mối quan hệ giữa nhiệt độ môi trường xung quanh và khả năng sinh sản vẫn còn hạn chế. Các nghiên cứu về nhân khẩu học cho thấy thời tiết nắng nóng gây giảm tỉ lệ trẻ sinh sống trong 8 – 10 tháng sau đó. Những ghi nhận trên động vật cho thấy nhiệt độ môi trường tăng cao làm tăng thân nhiệt và giảm khả năng sinh sản thông qua sự ảnh hưởng đến quá trình phát triển của noãn. Ở bò sữa, tỉ lệ noãn phát triển thành phôi toàn vẹn giảm khi có sự tiếp xúc với nhiệt độ cao (kể cả mức độ in vitroin vivo). Xét ở mức độ phân tử, sốc nhiệt ảnh hưởng tới sự phát triển của noãn thông qua việc làm gián đoạn quá trình tổng hợp hormone steroid hay làm tăng tình trạng stress oxy hóa. Tuy nhiên, cơ chế này mới được nghiên cứu trên động vật và chưa chắc chắn liệu rằng sự trưởng thành noãn người có chịu những tác động tương tự hay không.
Mục tiêu của nhóm tác giả trong nghiên cứu này là đánh giá mối liên hệ giữa nhiệt độ môi trường xung quanh và số lượng nang noãn thứ cấp (antral follicle count – AFC, thước đo đánh giá dự trữ buồng trứng). Ngoài ra, do nhiệt độ môi trường còn phụ thuộc vào từng khoảng thời gian, nên nghiên cứu cũng phân tích xem số lượng AFC có thực sự thay đổi theo từng tháng trong năm.  
 
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu, khảo sát 631 nữ giới trong độ tuổi 18 – 45 tuổi thỏa các điều kiện nghiên cứu. Nhiệt độ môi trường của từng khu vực nơi đối tượng sinh sống được khảo sát trong vòng 3 tháng trước khi ghi nhận số lượng nang noãn thứ cấp. Khung thời gian này tương ứng với các giai đoạn phát triển của nang noãn.
 
Các thông tin liên quan đến bệnh nhân như ngày tháng năm sinh, chiều cao và cân nặng đều được ghi nhận lại. Ngoài ra, các đối tượng nghiên cứu trả lời thêm các câu hỏi chi tiết liên quan đến lối sống, nơi ở, sức khỏe sinh sản và tiền sử sử dụng thuốc. Để đo lường nhiệt độ ở khu vực sinh sống, bệnh nhân được hỏi: “Nhiệt độ điển hình trong khu vực sinh sống là bao nhiêu?” với 4 đáp án trả lời là i) dưới nhiệt độ phòng (68oF (20oC) – 73oF (22,78oC)), ii) nhiệt độ phòng, iii) trên nhiệt độ phòng iv) kết hợp các mức nhiệt độ. Những ghi nhận liên quan đến nhiệt độ được mô tả bằng 4 chỉ số: nhiệt độ thấp nhất (Tmin), nhiệt độ cao nhất (Tmax), nhiệt độ trung bình (Tavg) và nhiệt độ biểu kiến (Tapp).
 
Kết quả
Số lượng nang noãn trung bình của 631 đối tượng trong nghiên cứu là 12 (mức độ dao động từ 1 – 30). AFC trung bình thay đổi theo độ tuổi, chẩn đoán vô sinh và thời gian đánh giá AFC. Kết quả ghi nhận cho thấy, nhiệt độ cao nhất vào tháng 7 (trung bình 28,2oC), thấp nhất vào tháng 1 (trung bình 3,5 oC). Nhiệt độ môi trường ấm hơn có liên quan đến dự trữ buồng trứng thấp hơn. Mối liên hệ giữa nhiệt độ môi trường và AFC thể hiện rõ nhất qua chỉ số Tmax, theo sau là các chỉ số Tavg, Tapp và Tmin. Ví dụ nhiệt độ Tmax trung bình cao hơn 1oC trong hơn 3 tháng trước khi đánh giá AFC thì AFC sẽ thấp hơn, khoảng 1,6 lần. Mối quan hệ giữa Tmax và AFC tương tự giữa các nhóm tuổi (< 35 tuổi và ≥ 35 tuổi), BMI (< 25 kg/m2 và ≥ 25 kg/m2) và thói quen hút thuốc lá (có hút hoặc không hút thuốc lá). Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ Tmax lên AFC thể hiện rõ ràng hơn ở các trường hợp có chẩn đoán vô sinh liên quan đến nữ giới (vô sinh do bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung, bất thường ống dẫn trứng, bất thường phóng noãn, giảm dự trữ buồng trứng) so với các trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân hay vô sinh có liên quan đến nam giới. Phụ nữ làm việc trong điều kiện nóng bức hơn có AFC thấp hơn (nhưng không rõ ràng) so với những phụ nữ làm việc trong điều kiện nhiệt độ bình thường hoặc mát mẻ hơn.
 
Như vậy, nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng cho thấy sự ấm lên của nhiệt độ môi trường có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở người. Hiện tại, ở các nước phương Tây, phụ nữ có xu hướng mang thai muộn. Một thay đổi dù nhỏ về nhiệt độ môi trường cũng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực lên tỉ lệ thai hay xa hơn là kích thước và cấu trúc dân số.
 
Lược dịch từ: Gaskins, A.J., Mínguez-Alarcón, L., VoPham, T., Hart, J.E., Chavarro, J.E., Schwartz, J., Souter, I. and Laden, F., 2021. Impact of ambient temperature on ovarian reserve. Fertility and Sterility.

Kính mời quý hội viên tham khảo thêm 1 bài dịch đầy đủ của tài liệu tham khảo này ở đây.
Đây là trường hợp đặc biệt khi cùng 1 tài liệu tham khảo được duyệt 2 bài dịch.
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK