Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 03-10-2021 9:26am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Nguyễn Thành Nam – IVFMD

Hội chứng buồng trứng đa nang (HC BTĐN) là rối loạn thần kinh-nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, trong đó, thừa cân-béo phì là một trong những rối loạn đi kèm phổ biến nhất với tỷ lệ hiện mắc ở nhóm phụ nữ này tăng cao gấp 2,8 lần so với nhóm phụ nữ khoẻ mạnh. Từ trước tới nay, khuyến cáo giảm cân ở phụ nữ có HC BTĐN được lựa chọn đầu tay là các biện pháp can thiệp thay đổi lối sống như tiết chế chế độ dinh dưỡng và tập thể dục nhằm cải thiện tình trạng trao đổi chất đồng thời giảm bớt hiện tường cường androgen trong cơ thể. Một cách tiếp cận khác cũng đã từng được đề cập tới trong y văn là sử dụng thực phẩm chức năng có bổ sung probiotics và/hoặc synbiotics. Probiotics, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO) là những vi sinh vật sống có tác dụng hữu ích đối với sức khỏe của vật chủ. Synbiotics đề cập đến các chất bổ sung vào chế độ ăn uống bao gồm cả probiotics và prebiotics (các hợp chất trong thực phẩm kích thích sự tăng trưởng và hoạt động của probiotics). Khái niệm probiotics và synbiotics có thể có lợi cho phụ nữ có HC BTĐN dựa trên lý thuyết “Dysbiosis of Gut Microbiota” do Tremellen và Pierce đề xuất vào năm 2012. Lý thuyết này cho rằng chế độ ăn uống nghèo nàn góp phần làm thay đổi hệ vi khuẩn trong đường ruột, dẫn đến tăng tính thấm của niêm mạc ruột và do đó làm tăng lipopolysaccharides (LPS) trong tuần hoàn của phụ nữ có HC BTĐN. Hơn nữa, lý thuyết “Dysbiosis of Gut Microbiota” đề xuất rằng việc kích hoạt hệ thống miễn dịch bởi LPS dẫn đến kháng insulin, tăng insulin máu bù trừ, và cuối cùng là tăng tổng hợp androgen từ buồng trứng. Như vậy, liệu rằng sự kết hợp cả hai phương án trên, thay đổi lối sống kết hợp với việc bổ sung synbiotics có thể cho hiệu quả giảm cân cao hơn cho nhóm phụ nữ có thừa cân-béo phì mắc HC BTĐN hay không? Câu trả lời đến từ nghiên cứu của Izabela và cộng sự, xuất bản trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism số tháng 09/2021 được trình bày dưới đây thật sự khiến nhiều bạn đọc bất ngờ.
 
Đây là một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có nhóm chứng, được thực hiện tại Trung tâm Dịch vụ Lâm sàng Nội tiết Sinh sản & Vô sinh tại Đại học Khoa học Sức khoẻ Poznan tại Ba Lan. 65 phụ nữ có HC BTĐN được nhận vào nghiên cứu, phân nhóm ngẫu nhiên thành hai nhóm can thiệp (1) thay đổi lối sống kết hợp với bổ sung synbiotic và (2) thay đổi lối sống kết hợp với dùng giả dược. Kết cục chính là sự thay đổi BMI và tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể và kết cục phụ là sự thay đổi nồng độ testosterone. Kết quả sau cùng cho thấy, ở nhóm dùng giả dược, chỉ số BMI giảm 5%, đi kèm với việc giảm đáng kể chu vi vòng eo, hông và đùi. Nhóm có bổ sung synbiotic ghi nhận BMI giảm 8%, cao hơn đáng kể so với nhóm chứng (P = 0,03) và đi kèm với việc giảm vòng bụng, hông và đùi. Testosterone không giảm đáng kể ở nhóm dùng giả dược (khoảng 6%), trong khi ở nhóm có bổ sung synbiotic, testosterone giảm 32% (P < 0,0001). Sự giảm testosterone ở nhóm có bổ sung synbiotic nhiều hơn đáng kể so với nhóm giả dược (P = 0,016). Nghiên cứu kết luận rằng việc bổ sung synbiotic làm tăng hiệu quả của các can thiệp thay đổi lối sống để giảm cân và dẫn đến giảm đáng kể testosterone trong huyết thanh.
 
Như vậy, phát hiện chính của nghiên cứu này là nhận xét rằng việc bổ sung synbiotic làm tăng đáng kể tác động của việc thay đổi lối sống đối với việc giảm cân và dẫn đến giảm gần 60% chỉ số BMI so với việc chỉ thay đổi lối sống đơn thuần. Phát hiện này rất quan trọng vì rất nhiều phụ nữ trẻ đặc biệt dễ bị tăng cân và thường gặp khó khăn lớn nhất trong việc giảm cân. Phụ nữ có HC BTĐN, khi so sánh với những phụ nữ không có HC BTĐN, có nguy cơ tăng cân nhanh hơn đáng kể. Hậu quả của béo phì ở phụ nữ trẻ có thể đặc biệt nghiêm trọng và không chỉ bao gồm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường típ 2 và rối loạn lipid máu, mà còn tăng các bệnh tim mạch và ung thư vú, đại tràng, tử cung và các cơ quan khác, cũng như HC BTĐN, hiếm muộn và các biến cố bất lợi trong thai kỳ. Ở phụ nữ từ 20 đến 39 tuổi (so với các đối tượng của nghiên cứu hiện tại), ước tính số năm sống giảm đi từ 2,6 năm (đối với BMI là 25 đến dưới 30) đến 6,1 năm (đối với BMI trên 35); đáng chú ý, số năm sống khỏe mạnh giảm đi còn lớn hơn rất nhiều: từ 5,5 năm (đối với BMI là 25 đến dưới 30) đến 13,7 năm (đối với BMI trên 35).
 
Một trong những khía cạnh thách thức nhất của chăm sóc lâm sàng cho bệnh nhân thừa cân-béo phì là việc giảm cân một cách có ý nghĩa. Các can thiệp vào lối sống như điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục thường được coi là phương pháp điều trị đầu tay; tuy nhiên, kết quả của những cách tiếp cận như vậy thường không khả quan. Một trong số các yếu tố dự báo nổi bật nhất cho sự thành công của việc giảm cân này là tốc độ giảm nhanh ngay trong giai đoạn đầu của lộ trình giảm cân. Do đó, việc giảm cân nhanh hơn đáng kể sau khi sử dụng kết hợp bổ sung synbiotic và điều chỉnh lối sống có khả năng cải thiện tiên lượng lâu dài.
 
Một phát hiện quan trọng khác của nghiên cứu này là quan sát thấy mức giảm đáng kể 32% testosterone ở phụ nữ dùng bổ sung synbiotic. Cường androgen (hyperandrogenism) là đặc điểm chính của HC BTĐN và ngoài tác dụng phụ về mặt thẩm mỹ, dư thừa androgen có thể đóng một vai trò quan trọng trong rối loạn chức năng trao đổi chất. Đặc biệt, nồng độ androgen cao có thể góp phần làm tăng tỷ lệ mỡ cơ thể, tế bào mỡ có kích thước lớn hơn và ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất adipokine và do đó thúc đẩy kháng insulin. Đáng chú ý, trong nghiên cứu này, việc bổ sung synbiotic có liên quan đến xu hướng giảm triệu chứng rậm lông và cải thiện độ nhạy cảm insulin; tuy nhiên, những tác động này không đạt được sự thay đổi có ý nghĩa thống kê.
 
Mặc dù việc xác định các cơ chế trung gian cho các tác dụng có lợi của probiotics và synbiotics đối với cân nặng và sản xuất testosterone nằm ngoài phạm vi của nghiên cứu này, nhưng có khả năng những tác động này là do sự thay đổi của hệ vi khuẩn đường ruột. Một trong những tác dụng quan trọng của vi khuẩn do probiotics đưa vào là phục hồi chức năng bình thường của niêm mạc đường tiêu hóa và do đó làm giảm tính thấm niêm mạc ruột. Cả béo phì và HC BTĐN đều được đặc trưng bởi sự rối loạn vi sinh vật trong hệ vi khuẩn đường ruột. Do đó, có khả năng bổ sung synbiotics có thể góp phần làm giảm cân nặng và testosterone thông qua việc phục hồi hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh hơn.
 
Nghiên cứu hiện tại, mặc dù đưa ra những phát hiện đầy hứa hẹn, nhưng cũng có những hạn chế đáng chú ý, bao gồm tỷ lệ không tuân thủ điều trị cao. Thật vậy, các can thiệp liên quan đến việc thay đổi lối sống nghiêm ngặt thường khó nghiên cứu vì tỷ lệ bệnh nhân đi khám và tuân thủ điều trị kém. Kết quả của nghiên cứu này về tỷ lệ bỏ điều trị lên đến 40% không may là phù hợp với kết quả của nhiều chương trình can thiệp lối sống cho bệnh nhân thừa cân-béo phì khác (có báo cáo lên đến 77%). Một hạn chế khác trong nghiên cứu này là thời gian theo dõi tương đối ngắn, trong vòng chỉ 3 tháng. Đánh giá một số kết quả, chẳng hạn như tác dụng đối với triệu chứng rậm lông và cải thiện tình trạng chuyển hoá lipid, có thể yêu cầu thời gian theo dõi lâu hơn. Các điểm mạnh trong nghiên cứu này bao gồm việc thiết kế nghiên cứu phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi, giám sát chặt chẽ những đối tượng tham gia và điều chỉnh lối sống bao gồm sự kết hợp giữa chế độ ăn uống và tập thể dục.
 
Tóm lại, nghiên cứu của Izabela và cộng sự ủng hộ quan điểm rằng việc bổ sung synbiotics làm tăng tác dụng của chế độ ăn kiêng và tập thể dục đối với việc giảm cân và làm giảm hiện tượng cường androgen ở phụ nữ có HC BTĐN có thừa cân-béo phì.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Chudzicka-Strugała I, Kubiak A, Banaszewska B, Zwozdziak B, Siakowska M, Pawelczyk L, Duleba AJ. Effects of Synbiotic Supplementation and Lifestyle Modifications on Women With Polycystic Ovary Syndrome. J Clin Endocrinol Metab. 2021 Aug 18;106(9):2566-2573. doi: 10.1210/clinem/dgab369. PMID: 34050763.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK