Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 01-10-2021 10:33pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS: Lê Thị Loan - IVFMD Tân Bình

Hội chứng buồng chứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS) là một rối loạn nội tiết phổ biến nhất gây ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Dựa theo tiêu chuẩn đồng thuận Rotterdam, phụ nữ được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang khi có 2 trong 3 triệu chứng sau: rối loạn phóng noãn, cường androgen trên lâm sàng/cận lâm sàng, hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm, sau khi loại trừ các nguyên nhân gây triệu chứng tương tự.  
 
Hiện nay, hầu hết các nghiên cứu về mối liên quan giữa PCOS và các bệnh ký đi kèm khi chưa mang thai hoặc đang mang thai chủ yếu là nghiên cứu cắt ngang với cỡ mẫu nhỏ. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào về các biến chứng tim mạch, tâm thần giai đoạn sau sinh ở nhóm phụ nữ PCOS. Gần đây, Alur-Gupta và cộng sự (2021) công bố một nghiên cứu mới, với mục tiêu đánh giá sự khác biệt về tỷ lệ biến chứng tim mạch sau sinh và tỷ lệ trầm cảm chu sinh và sau sinh giữa nhóm phụ nữ PCOS và không PCOS trong một đoàn hệ lớn trên toàn quốc tại Hoa Kỳ.
 
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu yêu cầu bảo hiểm của Hoa Kỳ. Đối tượng là phụ nữ từ 18-50 tuổi, có hoặc không có mắc hội chứng buồng trứng đa nang, đăng ký liên tục trong một chương trình sức khỏe duy nhất trong thời kỳ trước mang thai, trước sinh và sau sinh từ năm 2000 đến năm 2016. Trong tổng số 29.233.013 phụ nữ có 837.871 phụ nữ đủ tiêu chuẩn được chia thành 2 nhóm:
  • Nhóm 1: 42.391 phụ nữ PCOS
  • Nhóm 2: 795.480 phụ nữ không PCOS
 
Cả hai nhóm đều được thu thập các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch và trầm cảm bằng việc sử dụng mã phân loại bệnh (International Classification of Diseases-ICD). Các biến được phân tích và điều chỉnh bằng hồi quy logistic đa biến bao gồm:
  •  Tuổi, chủng tộc, vị trí địa lý, trình độ học vấn, thu nhập.
  • Tiền căn trước mang thai (khoảng thời gian 6 tháng-1 năm trước khi có thai): trầm cảm, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc, sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản.
  • Trong quá trình mang thai: sinh non, đa thai, cao huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sản giật, trầm cảm.
  • Kết cục chính cần quan tâm là các biến chứng sau sinh bao gồm:
  • Tiền sản giật và sản giật: từ ngày sinh đến 6 tuần sau sinh
  • Bệnh cơ tim chu sinh: trước sinh 1 tháng đến sau sinh 1 tháng
  • Thuyên tắc mạch do huyết khối, suy tim sung huyết, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não: từ ngày sinh đến sau sinh 1 năm
  • Trầm cảm chu sinh: phát hiện trong khi mang thai đến 3 tháng sau sinh
  • Trầm cảm sau sinh: tính từ ngày phát hiện bệnh đến sau sinh 3 tháng.
 
Kết quả của nghiên cứu thu được như sau:
  • Trước mang thai, tỷ lệ béo phì, tăng lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường và trầm cảm ở nhóm phụ nữ PCOS (14,7%, 11,3%, 6,2%, 5,3%, 4,3% theo thứ tự) cao hơn nhóm không PCOS (4,7%, 5,3%, 2,5%, 1,2%, 3,1% theo thứ tự).
  • Thời kỳ mang thai: Tỷ lệ sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và tỷ lệ tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sản giật, đa thai, mổ lấy thai, thai lưu ở nhóm phụ nữ PCOS (5,2%, 13,7%, 24,3%, 5,0%, 16,9%, 6,6%, 45,1%, 1,33% theo thứ tự) cao hơn đáng kể so với nhóm không PCOS (1,0%, 7,3%, 13,3%, 2,6%, 12,2%, 2,5%, 32,8%, 0,69% theo thứ tự) (P<0,001).
  • Sau sinh: nhóm phụ nữ PCOS có tỷ lệ biến chứng tim mạnh sau sinh cao hơn đáng kể so với nhóm phụ nữ không PCOS cụ thể là: tiền sản giật sau sinh (aOR, 1,30; 95% CI, 1,17-1,45), sản giật (aOR, 1,45; 95% CI, 1,14-1,86), bệnh cơ tim (aOR, 1,26; 95% CI, 1,03-1,54), tăng huyết áp (aOR, 1,32; 95% CI, 1,07-1,64), bệnh huyết khối (aOR, 1,5; 95% CI, 1,2-1,87), suy tim sung huyết (aOR, 1,35; 95% CI, 1,13-1,61), tai biến mạch máu não (aOR, 1,21; 95% CI, 1,14-1,29). Tương tự, tỷ lệ trầm cảm chu sinh (aOR, 1,27; 95% CI, 1,22-1,33) và trầm cảm sau sinh (aOR, 1,46; 95% CI, 1,36-1,57) ở nhóm PCOS cũng cao hơn.
  • Đánh giá mối liên quan giữa tiền căn béo phì trước mang thai và biến chứng tim mạch sau sinh tác giả nhận thấy: nhóm phụ nữ không bị béo phì trước mang thai mà có PCOS thì có tỷ lệ sản giật sau sinh (aOR, 1,72; 95% CI, 1,31-2,26), bệnh cơ tim chu sinh (aOR, 1,43; 95% CI, 1,14-1,79), tai biến mạch máu não (aOR, 1,28; 95% CI, 1,19-1,38) cao hơn so với nhóm phụ nữ không béo phì và không PCOS.
  • Trong nhóm phụ nữ không bị trầm cảm trước khi mang thai, nhóm phụ nữ PCOS có tỷ lệ bị trầm cảm chu sinh (aOR, 1,32; 95% CI, 1,26-1,39) và trầm cảm sau sinh (aOR, 1,5; 95% CI, 1,39-1,62) cao hơn so với nhóm không PCOS.
 
Việc mang thai cơ bản đã là một yếu tố gây stress, các bệnh lý tim mạch và tâm thần khi mang thai lâu dài sẽ dẫn đến tăng huyết áp mạn tính, bệnh lý tim mạch, suy tim, đột quỵ trong khi chúng ta dễ dàng bị bỏ sót do quá trình theo dõi sau sinh không sát và không nhất quán. Việc không điều trị trầm cảm chu sinh và sau sinh sẽ tăng nguy cơ mẹ mắc bệnh tâm thần và tự tử, tỷ lệ cho con bú thấp và IQ của con cũng sẽ thấp hơn. Năm 2019, trung tâm y tế dự phòng tại Hoa Kỳ cũng khuyến cáo tầm soát bệnh trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh để điều trị sớm cho những người có nguy cơ cao.
 
Nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy nguy cơ rối loạn tâm thần và các biến chứng liên quan đến thai nghén tăng ở nhóm phụ nữ PCOS. Nghiên cứu của Qin và cộng sự (2013) thấy rằng các biến chứng sản khoa bao gồm đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật tăng ở nhóm phụ nữ PCOS. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch mạn tính ở nhóm đối tượng này.
 
Theo báo cáo của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention-CDC), gần 70% các ca tử vong liên quan đến thai trong dân số diễn ra lúc sinh hoặc trong năm đầu tiên sau sanh mà bệnh lý tim mạch và đột quỵ chiếm hơn 1/3 các nguyên nhân gây nên. Phụ nữ có tiền sản giật sau sinh tăng nguy cơ sản giật và đột quỵ sau sinh và 50% các cơn sản giật xảy ra sau sinh.
 
Nghiên cứu của Ko và cộng sự (2017) nhận thấy trầm cảm chu sinh và sau sinh là những tình trạng phổ biến liên quan đến các kết cục bất lợi đáng kể đối với trẻ sơ sinh và bà mẹ. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh trầm cảm sau sinh ở 27 tiểu bang ở Mỹ được báo cáo là cao tới 11,5%.
 
Đây là nghiên cứu đầu tiên và có cỡ mẫu lớn cho thấy phụ nữ PCOS tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch và tâm thần trong thời kỳ hậu sản. Vì vậy, phụ nữ PCOS cần được theo dõi chặt chẽ hơn, thăm khám toàn diện sớm trong 3 tuần đầu tiên sau sinh và không muộn hơn 12 tuần sau sinh nhằm can thiệp kịp thời để cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa các nguy cơ sức khỏe về lâu dài.
 
Tuy nhiên hiện nay, các hướng dẫn về việc đánh giá các biến chứng tim mạch sau sinh, trầm cảm chu sinh và sau sinh là nói chung, không xem nhóm phụ nữ PCOS là đối tượng nguy cơ cao. Đồng thời, phụ nữ PCOS cũng có nhiều kiểu hình nên chưa có nghiên cứu nào đánh giá nguy cơ biến chứng tim mạch sau sinh và trầm cảm ở từng kiểu hình. Tương lai, chúng ta cần nhiều hơn nữa các nghiên cứu về tỷ lệ biến chứng tim mạch sau sinh, trầm cảm chu sinh và sau sinh ở từng kiểu hình của PCOS và đánh giá tác động của các can thiệp điều trị sớm đối với các bệnh lý tim mạch mạn tính và trầm cảm đặc biệt ở nhóm phụ nữ PCOS.
 
Tài liệu tham khảo: Alur-Gupta S, Boland MR, Barnhart KT, Sammel MD, Dokras A. Postpartum complications increased in women with polycystic ovary syndrome. Am J Obstet Gynecol. 2021 Mar;224(3):280.e1-280.e13. doi: 10.1016/j.ajog.2020.08.048. Epub 2020 Aug 21. PMID: 32835722; PMCID: PMC7897332.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK