Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 27-09-2021 10:36pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS. Nguyễn Thị Thu Hường – IVFMD TB

Viêm gan siêu vi B (VGSV B) là một bệnh truyền nhiễm thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Khoảng 10% phụ nữ hiếm muộn điều trị IVF có nhiễm virus viêm gan B (HBV). Một số nghiên cứu trước đây từng ghi nhận tải lượng HBV tăng trong quá trình hỗ trợ sinh sản. Điều này làm tăng thêm mối lo ngại rằng tình trạng nhiễm HBV ở phụ nữ thực hiện IVF có thể làm ảnh hưởng đến kết cục thai kỳ ở mẹ và bé. Nghiên cứu gần đây của Wang và cộng sự (2019) góp phần trả lời câu hỏi trên.
 
Đây là một nghiên cứu hồi cứu, thực hiện trên nhóm phụ nữ hiếm muộn điều trị IVF tại bệnh viện Shenzhen Zhongshan Urology Hospital (SZUH) – Trung Quốc trong 8 năm (từ tháng 01/2010 đến tháng 04/2018). 8550 đối tượng được chọn vào nghiên cứu, bao gồm 714 phụ nữ có HBsAg dương tính và HBeAg âm tính (HBsAg+ HBeAg-, nhóm 1); 180 phụ nữ có HBsAg dương tính và HBeAg dương tính (HBsAg+ HBeAg+, nhóm 2); 7656 phụ nữ không nhiễm HBV (HBsAg-, nhóm 3/nhóm chứng). Tỷ lệ trẻ sinh sống, tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ sẩy thai được ghi nhận và so sánh giữa 3 nhóm đối tượng.
 
Kết quả của nghiên cứu ghi nhận, phụ nữ nhiễm HBV tăng thời gian vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát, tăng tỷ lệ rối loạn phóng noãn. Tỷ lệ thai làm tổ ở nhóm 1 thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm 3 (nhóm chứng) nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh với nhóm 2. Kết quả của nghiên cứu cũng ghi nhận nhóm 2 (nhóm nhiễm HBV ở trạng thái hoạt động) có tỷ lệ sinh non cao hơn và tỷ lệ trẻ sinh sống thấp hơn hai nhóm còn lại, mặc dù sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Cụ thể, tỷ lệ sinh non là 29,0%, 22,5% và 22,3% và tỷ lệ trẻ sinh sống là 53,1%, 51,1% và 52,3% lần lượt ở nhóm 2, nhóm 1 và nhóm chứng. Các kết cục khác như tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ sẩy thai, kết cục sơ sinh và biến chứng thai kỳ không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm.
 
Như vậy, nghiên cứu cho thấy tình trạng nhiễm HBV không ảnh hưởng đến tỷ lệ thai lâm sàng, sẩy thai hoặc sinh sống, không giống như tuổi mẹ, độ dày nội mạc tử cung hay chất lượng phôi. Nhiễm HBV không phải là yếu tố độc lập ảnh hưởng đến kết cục thai kỳ, mặc dù có liên quan đến thời gian vô sinh kéo dài, tần suất vô sinh thứ phát cao và rối loạn phóng noãn cũng như giảm tỷ lệ làm tổ của phôi. Một số nghiên cứu của các tác giả Lee và cộng sự (2010), Chen và cộng sự (2014) cũng cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ phôi làm tổ, tỷ lệ thai sinh sống giữa phụ nữ nhiễm HBV và nhóm khác. Nghiên cứu của Shi và cộng sự (2014) cho thấy phụ nữ nhiễm HBV không giảm tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ phôi chất lượng tốt, tỷ lệ mang thai lâm sàng, tỷ lệ thai sinh sống khi so sánh với nhóm phụ nữ không nhiễm HBV. Một nghiên cứu khác của Lam PM và cộng sự (2010) thậm chí còn cho thấy phụ nữ nhiễm HBV B tăng tỷ lệ thai diễn tiến và tỷ lệ làm tổ của phôi.
 
Do vậy, có thể kết luận nhiễm HBV không ảnh hưởng đến tỷ lệ thai sinh sống, tỷ lệ mang thai lâm sàng hoặc sẩy thai ở phụ nữ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm nhưng có liên quan đến kéo dài thời gian hiếm muộn, loại hiếm muộn thứ phát và rối loạn phóng noãn. Vì vậy tầm soát xét nghiệm HBV trước khi điều trị hỗ trợ sinh sản vẫn đóng một vai trò quan trọng nhằm phát hiện nhóm phụ nữ có huyết thanh dương tính, phục vụ quá trình tư vấn và điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đây chỉ là một nghiên cứu hồi cứu với cỡ mẫu hạn chế, không có sự chọn lựa ngẫu nhiên để đối chứng và không bao gồm chu kỳ chuyển phôi trữ. Tỷ lệ thai sinh sống cộng dồn nên được xem xét để xác minh ảnh hưởng lâu dài của việc điều trị HBV đối với kết quả mang thai.
 
 
Tài liệu tham khảo:
Wang L, Li L, Huang C, Diao L, Lian R, Li Y, Xiao S, Hu X, Mo M, Zeng Y. Maternal chronic hepatitis B virus infection does not affect pregnancy outcomes in infertile patients receiving first in vitro fertilization treatment. Fertil Steril. 2019 Aug;112(2):250-257.e1. doi: 10.1016/j.fertnstert.2019.03.039. Epub 2019 May 15. PMID: 31103286.
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK