Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 19-07-2021 8:54am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Song thai cùng trứng (monozygotic twinning- MZT) chiếm khoảng 0,45% trong mang thai tự nhiên và gần 1,36% trong hỗ trợ sinh sản. Một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được cho rằng làm tăng tỉ lệ MZT như hỗ trợ phôi thoát màng (AH), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) đã được báo cáo trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong những năm gần đây, nuôi cấy phôi dài ngày từ phôi phân chia lên giai đoạn phôi nang để lựa chọn đơn phôi chuyển tiềm năng trở nên phổ biến ở hầu hết các trung tâm IVF trên thế giới. Tuy nhiên, một số bài phân tích tổng quan cho thấy rằng nuôi cấy phôi dài ngày làm tăng nguy cơ MZT. Tỉ lệ MZT ngày càng tăng trong chu kỳ hỗ trợ sinh sản tạo ra nhiều trở ngại cho cả bác sĩ và bệnh nhân vì tăng các nguy cơ tai biến sản khoa và sơ sinh. Cho đến nay, cơ chế gây ra MZT vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các nghiên cứu trên vấn đề này đã xác định được nuôi cấy phôi dài ngày là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến việc phân tách phôi. Một số giả thuyết được đặt ra cho rằng kéo dài thời gian nuôi cấy, môi trường nuôi cấy phôi hoặc các thông số về hình thái phôi nang có khả năng gây MZT nhưng chưa có giả thuyết nào là chắc chắn. Trên giả thuyết là hình thái phôi nang có liên quan đến chất lượng phôi và có thể đóng vai trò tiềm năng trong quá trình phân chia của phôi, Wenhao Shi và cộng sự (2021) đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá mối tương quan giữa các thông số hình thái phôi nang và MZT trong hỗ trợ sinh sản bao gồm thời gian nuôi cấy phôi kéo dài (phôi ngày 5 so với ngày 6), giai đoạn phôi nang (giai đoạn sớm, giai đoạn có khoang, giai đoạn mở rộng khoang phôi, giai đoạn thoát màng và giai đoạn thoát màng hoàn toàn), chất lượng ICM và TE. Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh giá các yếu tố nguy cơ gây MZT từ khía cạnh hình thái phôi nang.
 
Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên 26,254 chu kỳ chuyển đơn phôi nang thực hiện từ tháng 1/2014 đến tháng 2/2020. Hình thái phôi nang được đánh giá dựa trên hệ thống phân loại phôi của Gardner dựa trên độ nở rộng của khoang phôi, chất lượng ICM và TE. Song thai cùng trứng được định nghĩa là có  2 tim thai trong cùng một túi thai hoặc 2 túi thai có cùng giới tính khi sinh.
 
Trong 26,254 trường hợp có thai lâm sàng sau chuyển đơn phôi nang, có 25,948 thai phụ có một túi thai, 300 thai phụ có 2 túi thai, 5 thai phụ có 3 túi thai và 1 thai phụ có 4 túi thai. Sau khi đánh giá về tim thai trong các túi thai, có tổng cộng 402 trường hợp là MZT với tỉ lệ MZT là 1,53%. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 30,35 ± 4,20 tuổi. Không có sự khác biệt về tuổi tác ở nhóm MZT và nhóm đơn thai. Tuy nhiên tỉ lệ MZT khác nhau ở các nhóm tuổi (1,56%, 1,69%, 1,19%, và  0,57%, tương ứng trên nhóm < 30 tuổi, 30 – 34 tuổi, 35-39 tuổi và  40 tuổi; p= 0,034). Tỉ lệ MZT cũng khác nhau ở nhóm có và không có AH (1,26% với 1,88%; p<0,001), chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ (2,39% với 1,27%; p< 0,001), thời gian nuôi cấy đến ngày 5 và ngày 6 (1,63% với 1,07%; p <0,006); cũng như độ nở rộng của khoang phôi và chất lượng ICM.
 
Phân tích đa biến về mối tương quan giữa các thông số phôi nang và tỉ lệ MZT, nghiên cứu cho thấy không có tương quan giữa MZT với thời gian nuôi cấy (ngày 5 hoặc ngày 6), giai đoạn phôi nang (giai đoạn sớm, giai đoạn có khoang, giai đoạn mở rộng khoang phôi, giai đoạn thoát màng và giai đoạn thoát màng hoàn toàn). Tuy nhiên, MZT có tương quan với ICM chất lượng kém và TE chất lượng tốt. Đánh giá kết hợp về chất lượng ICM và TE cho thấy tỉ lệ MZT thấp hơn ở phôi nang có ICM loại A và TE loại B/C (0,82%; aRR 1,86, 95% CI 1,23- 3,04) và tỉ lệ MZT cao ở phôi nang có ICM loại B/C và TE loại A (2,4%; aRR 2,62, 95% CI 1,60 - 4,43).
 
Một số giả thuyết được đưa ra trước đó đã giúp giải thích cho kết quả của nghiên cứu này. Dựa trên giả thuyết của Otsuki, Wenhao Shi và cộng sự đã cho rằng hình thái phôi nang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành MZT mà cụ thể là sự sắp xếp lỏng lẻo của các tế bào ICM làm ICM dễ bị tách rời hơn trong quá trình nở rộng của phôi. Trong khi đó TE chất lượng tốt sẽ hỗ trợ thêm cho sự phát triển của hai ICM thành hai thai riêng lẻ. Nếu giả thuyết này đúng thì kết quả của nghiên cứu này sẽ cung cấp thêm chứng cứ y văn trong việc lựa chọn phôi nang ít có nguy cơ tạo thành MZT để chuyển cho bệnh nhân. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cho rằng phân tách ICM có liên quan đến quá trình apoptosis và phụ thuộc vào điều kiện nuôi cấy phôi. Nồng độ glucose cao trong quá trình nuôi phôi dài ngày có thể sản sinh ra nhiều gốc tự do và cảm ứng quá trình apoptosis ở một số tế bào ICM. Một số lượng lớn các tế bào bị apoptosis tạo thành những đoạn đứt gãy trong khối tế bào nội mô, từ đó tạo ra hai hoặc nhiều hơn hai cực ICM. Dưới áp lực ngày càng tăng của việc nở rộng khoang phôi, những ICM có tế bào liên kết không chặt sẽ dễ phân tách hơn khối ICM có tế bào nén chặt. Theo các nghiên cứu trước đó, tỉ lệ MZT cao ở những phôi có hỗ trợ thoát màng, với giả thuyết là phôi bào khi thoát màng sẽ bị kẹt lại do lỗ mở trên ZP quá hẹp dẫn đến tách khối bên trong phôi bào, tuy nhiên giả thuyết này vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi. Về giả thuyết chuyển phôi đông lạnh làm tăng tỉ lệ MZT, nhiều báo cáo đã giải thích do quy trình đông lạnh- rã đông làm thay đổi bản chất ZP cũng như phôi sau khi rã đông được hỗ trợ thoát màng thường quy tại nhiều trung tâm.
 
Như vậy nghiên cứu này cho thấy song thai cùng trứng có tương quan với hình thái phôi nang mà cụ thể là phôi nang có ICM với các tế bào liên kết không chặt (loại B/C) và TE với nhiều tế bào liên kết chặt chẽ (loại A).
 
Nguồn: Wenhao Shi và cộng sự (2021). Blastocyst morphology is associated with the incidence of monozygotic twinning in assisted reproductive technology. American Journal of Obstetrics and Gynecology 10.1016/j.ajog.2021.06.101

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK