Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 23-04-2021 3:27pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận

Việc xác định số lượng phôi giai đoạn phân chia tối ưu để chuyển là một thách thức để đảm bảo hiệu quả đạt trẻ sinh sống và an toàn (giảm đa thai) trong điều trị. Các khuyến nghị của Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ đã đề xuất giới hạn số phôi chuyển dựa trên tuổi mẹ, giai đoạn phôi và chất lượng phôi.

Việc xác định tỷ lệ sinh sống đối với các phôi giai đoạn phân chia dựa trên hình thái gặp phải ba thách thức đặc biệt nên hạn chế nghiên cứu về chủ đề này. Thứ nhất, vì phôi giai đoạn phân chia thường được chuyển nhiều hơn 1 phôi, nên rất khó để xác định các đặc điểm riêng lẻ của phôi ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ sinh sống. Các nghiên cứu được công bố trước đây đã giải quyết vấn đề này bằng cách phân tầng phân tích bằng cách chuyển phôi đơn hoặc hai phôi và bỏ qua việc chuyển từ ba phôi trở lên. Thứ hai, phải phân tích nhiều dữ liệu cho mỗi giai đoạn phân chia phôi (như tuổi mẹ lúc chọc hút, số lượng tế bào, sự phân mảnh và tính đồng đều của tế bào). Thứ ba, tính toán sự suy giảm khả năng sinh sản theo độ tuổi là một thách thức. Nhiều phân tích sử dụng các nhóm tuổi cố định <35 tuổi, 35–37 tuổi, 38–40 tuổi, 41–42 tuổi và> 42 tuổi. Với các nhóm tuổi cố định, thì dữ liệu của bệnh nhân ở độ tuổi cuối nhóm kém chính xác hơn vì nó bị ảnh hưởng bởi dữ liệu từ nhóm kế tiếp. Vì hầu hết sự suy giảm khả năng sinh sản liên quan đến tuổi xảy ra ở độ tuổi từ 35 đến 40, bệnh nhân 37 tuổi bị giảm mạnh kết quả dự đoán khi họ bước sang tuổi 38 khi sử dụng các nhóm tuổi này.

Hồi quy logistic thường được sử dụng để lập mô hình chuyển phôi nhưng có một số hạn chế. Trước hết, chỉ những biến nhị phân (biến phụ thuộc) mới có thể được đưa vào mô hình. Kết quả nhị phân thường được sử dụng nhất là trẻ sinh sống hoặc không có trẻ sinh sống. Trong hầu hết các mô hình, không thể thực hiện được sự khác biệt giữa kết quả sinh đơn, sinh đôi và sinh >3 thai. Hồi quy logistic cũng hạn chế việc sử dụng các biến độc lập trong mô hình. Ví dụ, một phân tích đã bỏ qua việc chuyển hai phôi dẫn đến một trẻ sinh sống vì trong những tình huống này, không thể biết chính xác phôi nào dẫn đến trẻ sinh sống. Do đó, thông tin chuyển phôi (như số phôi chuyển) không thể được đưa vào mô hình. Một mô hình hồi quy logistic khác lại chỉ tính đến việc chuyển một hoặc hai phôi. Trong mô hình này, khi chuyển hai phôi, thì hình thái của phôi có điểm chất lượng tốt hơn được sử dụng; chứ hình thái riêng biệt của từng phôi không được đưa vào mô hình [3].

Mặc dù chuyển đơn phôi nang là một lựa chọn tốt cho nhiều bệnh nhân, nhưng chuyển một hoặc nhiều phôi giai đoạn phân chia có thể phù hợp hơn với những bệnh nhân tiên lượng xấu (không có phôi nang để chuyển trong các chu kỳ trước). Theo các dữ liệu thống kê đến hiện tại cho thấy nguy cơ đa thai tăng lên khi chuyển nhiều hơn một phôi giai đoạn phân chia (30–50%) so với chỉ chuyển một phôi phân chia (2%). Vì thế, việc tiên lượng chính xác về tỷ lệ sinh sống cho một phôi giai đoạn phân chia với hình thái cụ thể có thể giúp đưa ra quyết định chiến lược chuyển phôi thích hợp cho từng cặp vợ chồng.

Chính vì thế, nghiên cứu được thực hiện để xác định tỷ lệ trẻ sinh sống trên mỗi phôi giai đoạn phân chia dựa vào hình thái và tuổi mẹ lúc chọc hút nhằm hạn chế đa thai một cách an toàn sau khi chuyển phôi giai đoạn phân chia. Đồng thời, sử dụng các tỷ lệ này để ấn định các loại phôi tổng thể là tốt, khá và kém.

Nghiên cứu phân tích tính toán tỉ lệ trẻ sinh sống và xây dựng mô hình của chuyển phôi ngày 3. Tổng cộng có 357 phôi được chuyển, trong đó 274 phôi tươi và 83 phôi trữ. Các phôi được chia theo hình thái phôi thành 4 nhóm dựa vào số phôi bào và độ phân mảnh: (1) 8 tế bào phân mảnh ≤ 5%, (2) 8 tế bào phân mảnh > 5%, (3) 9-12 tế bào, (4) 6-7 tế bào. Tuổi mẹ lúc chọc hút từ 35 đến 42 tuổi.
  • Tỉ lệ trẻ sinh sống trung bình trên phôi chuyển (không xét theo tuổi mẹ) lần lượt theo 5 nhóm hình thái phôi 2-5 tế bào, 6-7 tế bào, 8 tế bào phân mảnh ≤ 5%, 8 tế bào phân mảnh > 5%, 9-12 tế bào là -1%, 3%, 15%, 8%, 4%.
  • Tuổi mẹ càng tăng (35-42 tuổi) thì tỉ lệ trẻ sinh sống càng giảm, cụ thể là tỉ lệ trẻ sinh sống trên phôi chuyển ở phụ nữ 35 tuổi theo các nhóm phôi lần lượt là 29%, 13%, 10% và 9%; còn ở phụ nữ 40 tuổi 12%, 6%, 5% và 4%; còn 42 tuổi thì tỉ lệ trẻ sinh sống đều < 10%. Tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm phôi 2-5 tế bào gần như là 0%.
  • Thiết lập một bảng logic tiên lượng tỉ lệ trẻ sinh sống, đa thai (sinh đôi, sinh ba hoặc > 3) cho bất kỳ sự kết hợp giữa số phôi chuyển (1,2,3,4,5,6,7 phôi) và tỷ lệ trẻ sinh sống trung bình trên mỗi phôi. Khi dò vào bảng cho trường hợp chuyển 2 phôi với tỉ lệ trẻ sinh sống trên mỗi phôi là 18%, thì tiên lượng tỉ lệ trẻ sinh sống là 31% và tỉ lệ sinh đôi là 15%.
Kết luận, tuổi mẹ và hình thái phôi có thể được sử dụng để tiên lượng tỉ lệ trẻ sinh sống và nguy cơ đa thai sau khi chuyển phôi giai đoạn phân chia. Hạn chế của nghiên cứu là cỡ mẫu nhỏ, cũng như chỉ dựa vào 3 yếu tố (tuổi nữ giới, số phôi bào và độ phân mảnh của phôi ngày 3) để tiên lượng trẻ sinh sống. Cần các nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn và sử dụng nhiều yếu tố hơn để xây dựng mô hình tiên lượng trẻ sinh sống sau khi chuyển phôi ngày 3 đạt hiệu quả chính xác cao hơn.

Nguồn: Effect of Age and Morphology on Live Birth Rate After Cleavage Stage Embryo Transfer, Reproductive Sciences (2021) 28:43–51, https://doi.org/10.1007/s43032-020-00249-9

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK