Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 19-04-2021 4:47pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Nguyễn Thị Minh Phượng, Chuyên viên phôi học – IVFMD Tân Bình

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phụ nữ hiện nay có rất nhiều kiến thức và cơ hội để phát triển bản thân, điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kết hôn và sinh con muộn. Tuy nhiên, sau 35 tuổi khả năng sinh sản ở người phụ nữ giảm dần, nhiều trường hợp phải hủy chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản vì không phôi. Nguyên nhân được đề xuất có thể đến từ sự gia tăng tỷ lệ lệch bội ở những bệnh nhân này (Franasiak và cs., 2014). Hiện nay, để đánh giá chất lượng phôi người ta dựa vào hai phương pháp chủ yếu: hình thái và động học phát triển của phôi (Desai và cs, 2014).

Sự thụ tinh được đánh dấu bằng sự hình thành hai tiền nhân (2PN), các hợp tử không phải 2PN thường được coi là thụ tinh bất thường và bị loại bỏ vì nguy cơ khiếm khuyết nhiễm sắc thể (NST) cao (ALPHA Scientists In Reproductive Medicine, and ESHRE Special Interest Group Embryology, 2011). Việc đánh giá thụ tinh có vẻ đơn giản, nhưng vẫn còn một số vấn đề đáng lưu tâm. Đầu tiên, thời điểm đánh giá thụ tinh của kỹ thuật IVF cổ điển và ICSI là khác nhau, điều này đã được chứng minh trong một số nghiên cứu trước đây. Thứ hai, thời gian xuất hiện tiền nhân là khác nhau giữa các noãn, nghiên cứu của Staessen và cộng sự (1993) thấy rằng có khoảng 25% hợp tử 1PN biểu hiện tiền nhân thứ hai sau 4-6 giờ kiểm tra thụ tinh. Ngoài ra, các thể cực có thể phân mảnh và biến mất trước thời điểm kiểm tra thụ tinh. Những yếu tố này có thể cung cấp thông tin để giải thích về các trường hợp thụ tinh bất thường. Hơn nữa, các trường hợp mang thai bình thường từ phôi chuyển có nguồn gốc 1PN đã được báo cáo tuy nhiên số lượng và kết quả vẫn còn hạn chế.

Việc đánh giá tiềm năng làm tổ của phôi được thực hiện bắt đầu từ giai đoạn ngày 3, tuy nhiên những phôi có chất lượng tốt không phải khi nào cũng làm tổ thành công. Hơn thế nữa, một số tác giả cũng báo cáo việc tiếp tục nuôi phôi kém ngày hai giúp cải thiện kết quả của một chu kỳ hỗ trợ sinh sản ((Poulain và cs., 2014; Kaartinen và cs., 2015).
Từ các dữ liệu y văn, nhóm tác giả nhận thấy có rất ít nghiên cứu đánh giá đồng thời sự phát triển của các phôi 0PN, 1PN và phôi kém ngày 3. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là khảo sát tiềm năng phát triển lên phôi nang của các phôi bất thường kể trên và các kết quả lâm sàng liên quan.

Đây là một nghiên cứu hồi cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 5 năm 2018 tại Bệnh viện Nhân dân Jinhua. Những phôi phát triển bình thường và những phôi 0PN, 1PN bất thường và những phôi kém chất lượng ngày 3 được nuôi cấy đến ngày 5 hoặc ngày 6 để chuyển phôi. Có 588 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia vào nghiên cứu, được chia thành hai nhóm:
  • Nhóm A (n=243): chuyển phôi bất thường
  • Nhóm B (n=350): nhóm chứng chuyển phôi phát triển bình thường.
Một số kết quả thu nhận được:
  • Tổng 6466 phôi (1542 0PN, 852 1PN và 4072 phôi kém ngày 3) từ 831 chu kỳ được nuôi cấy tới giai đoạn phôi nang. 17,3% (1121/6466) phát triển tới giai đoạn phôi nang (18,2% từ 0PN, 26,1% từ 1PN và 15,2% từ phôi kém ngày 3). Phôi nang có chất lượng tốt chiếm 9,5% (11,2% từ nhóm 0PN, 14,8% từ nhóm 1PN và 7,8% từ phôi kém ngày 3).
  • Nhóm A: 243 chu kỳ đủ điều kiện để chuyển phôi nang, kết quả có 109 (44,9%) trường hợp mang thai lâm sàng và 19 (17.4%) trường hợp sẩy thai.
  • Nhóm B: 350 chu kỳ chuyển phôi, thai lâm sàng chiếm 61,1% và 8,4% trường hợp sẩy thai.
  • Tỷ lệ trẻ sinh sống ở nhóm chuyển phôi bất thường thấp hơn đáng kể so với nhóm chứng (p<0,001).
Tóm lại, đối với các trường hợp thụ tinh bất thường 0PN, 1PN hay phôi ngày 3 kém chất lượng vẫn có khả năng phát triển tới giai đoạn phôi nang và tăng khả năng mang thai ở bệnh nhân điều trị hỗ trợ sinh sản.

Nguồn: Chen, Xiao, et al. "Developmental potential of abnormal fertilized oocytes and the associated clinical outcomes." Frontiers in physiology 11 (2020): 1287.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK