Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 09-12-2020 4:08pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Võ Minh Tuấn - IVFMD Tân Bình

Trong các chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, phôi ở giai đoạn phân chia hoặc giai đoạn phôi nang đều có thể được sử dụng để chuyển cho bệnh nhân. Hiện nay, việc chuyển phôi giai đoạn phôi nang (blastocyst-stage embryo transfer – BET) đang được sử dụng phổ biến tại nhiều trung tâm vì có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, việc chuyển phôi nang được cho là tự nhiên hơn vì quá trình phát triển đến giai đoạn phôi nang và quá trình chuẩn bị nội mạc tử cung diễn ra đồng bộ với nhau. Lý do thứ hai, việc chuyển phôi ở giai đoạn phôi nang phù hợp cho việc chẩn đoán di truyền tiền làm tổ nhằm sàng lọc phôi có bộ nhiễm sắc thể bình thường để chuyển cho bệnh nhân. Những bằng chứng trước đây nhận định rằng phôi có thể phát triển đến giai đoạn phôi nang vào ngày thứ 5 hoặc ngày 6. Hiện nay, các nghiên cứu về BET cho rằng chuyển phôi ngày 5 cho tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn so với phôi ngày 6, có thể là do sự phát triển không đồng bộ của phôi và nội mạc tử cung (Poulsen và cộng sự, 2017). Để làm rõ hơn về mối liên hệ này, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm so sánh hiệu quả của việc chuyển phôi trữ ngày 5 so với ngày 6 nhưng kết quả còn chưa thống nhất. Chính vì vậy, Li và cộng sự (2020) đã tiến hành một phân tích gộp về kết cục thai lâm sàng của việc chuyển phôi trữ ngày 5 so với ngày 6 từ dữ liệu tại nhiều trung tâm trên thế giới.

Phân tích gộp này đã sàng lọc tổng cộng 1956 nghiên cứu so sánh hiệu quả của việc chuyển phôi trữ ngày 5 so với ngày 6 và chọn ra được 23 nghiên cứu có thiết kế phù hợp để phân tích. Kết quả cho thấy việc chuyển phôi nang ngày 6 cho tỷ lệ làm tổ thấp hơn so với phôi ngày 5 (RR 1,17, 95% CI 1,10 – 1,24). Ngoài ra, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ thai diễn tiến, tỷ lệ trẻ sinh sống ở nhóm chuyển phôi ngày 6 thấp hơn so với nhóm chuyển phôi ngày 5. Bên cạnh đó, các kết quả về di truyền cho rằng việc chuyển phôi nguyên bội ngày 5 cho tỷ lệ làm tổ cao hơn so với phôi nguyên bội ngày 6, trong khi đó không có sự khác biệt về tỷ lệ thai lâm sàng hay tỷ lệ thai diễn tiến giữa hai nhóm này.

Như vậy, các bằng chứng hiện tại cho thấy các kết cục lâm sàng của chuyển phôi trữ ngày 5 tốt hơn so với ngày 6. Tuy nhiên, chất lượng chung của các bằng chứng này vẫn còn rất thấp. Chính vì vậy, cần có nhiều nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn để so sánh kết quả thai lâm sàng giữa việc chuyển phôi ngày 5 và ngày 6 trước khi đưa ra kết luận rõ ràng.

Nguồn: Li, Yi‐xin, et al. "Pregnancy outcomes after day 5 versus day 6 blastocyst‐stage embryo transfer: A systematic review and meta‐analysis." Journal of Obstetrics and Gynaecology Research 46.4 (2020): 595-605.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK