Tin tức
on Friday 25-09-2020 9:21am
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương
Kể từ khi em bé IVF đầu tiên ra đời vào năm 1978, một số phương pháp tiếp cận mới bao gồm đông lạnh phôi, chiến lược trữ phôi toàn bộ và chuyển phôi nang đã được áp dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng với mục đích cải thiện tỷ lệ sinh sống. Đông lạnh phôi là một quy trình thường quy trong công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) vì nó làm tăng tỷ lệ sinh sống tích lũy trên mỗi chu kỳ thông qua đông lạnh phôi dư để sử dụng cho các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh tiếp theo. Sự phổ biến của đông lạnh phôi đã dẫn đến sự ra đời của chiến lược trữ phôi toàn bộ - tất cả phôi được đông lạnh và sau đó được sử dụng vào các chu kì chuyển phôi trữ sau. Với chiến lược này, phôi được chuyển vào môi trường trong tử cung sinh lý hơn, tránh được sự không đồng bộ giữa nội mạc tử cung và phôi. Bên cạnh đó, việc kéo dài nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang được coi là một công cụ chọn lọc phôi, vì nó chỉ cho phép những phôi chất lượng tốt phát triển thành phôi nang. Tuy nhiên, quy trình này cũng làm tăng tỷ lệ hủy chuyển phôi và giảm số lượng phôi còn sống để đông lạnh và chuyển phôi đông lạnh-rã đông sau đó. Một nghiên cứu hồi cứu cho thấy tỷ lệ sinh sống cao hơn đáng kể sau khi chuyển phôi nang tươi so với phôi phân chia, nhưng không có sự khác biệt nào về tỷ lệ sinh sống khi đông lạnh bằng thủy tinh hóa (De Vos và cộng sự, 2016). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào phân tích tỷ lệ sinh sống sau khi chuyển phôi nang với chiến lược trữ phôi toàn bộ. Hơn nữa, so sánh các kết quả sơ sinh sau khi chuyển phôi nang và giai đoạn phân chia không cho kết quả nhất quán. Một phân tích tổng hợp bao gồm sáu nghiên cứu cho thấy nguy cơ sinh non và dị tật bẩm sinh tăng lên sau khi chuyển phôi nang so với chuyển phôi phân chia (Dar và cộng sự, 2014). Một phân tích tổng hợp khác cho thấy việc chuyển phôi nang có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh non, sinh non rất sớm và trẻ sơ sinh lớn so với tuổi thai (Martins và cộng sự, 2016). Tuy nhiên, một nghiên cứu hồi cứu dựa trên dân số ở Úc và New Zealand cho thấy chuyển phôi nang không liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân và trẻ sơ sinh nhỏ so với tuổi thai (Georgina M và cộng sự, 2015). Do đó, Qianqian Zhu và cộng sự tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tỷ lệ sinh sống và kết quả sơ sinh sau khi chuyển phôi nang so với chuyển phôi giai đoạn phân chia trong chiến lược trữ phôi toàn bộ.
Nghiên cứu hồi cứu thực hiện trên 12.810 bệnh nhân theo chiến lược trữ phôi toàn bộ trong chu kỳ điều trị đầu tiên, được chia thành 2 nhóm, trong đó 11.801 bệnh nhân đông lạnh phôi giai đoạn phân chia và 1009 bệnh nhân đông lạnh giai đoạn phôi nang. Các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh-rã đông được thực hiện cho đến khi có trẻ sinh sống hoặc không còn phôi đông lạnh. Trong nghiên cứu này, trẻ sinh sống được định nghĩa là trẻ sơ sinh được sinh ra sau 24 tuần tuổi thai và sống được hơn 28 ngày.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh sống ở chu kỳ chuyển phôi đông lạnh đầu tiên cao hơn khi chuyển phôi nang so với giai đoạn phân chia (69,1% so với 55,5%, P <0,01), nhưng không có sự khác biệt về tỷ lệ sinh sống ở chu kì chuyển phôi đông lạnh thứ hai (45,2% so với 52,7%, P> 0,05). Tương tự, không có sự khác biệt nào về tỷ lệ sinh sống tích lũy với chu kỳ IVF đầu tiên (71,1% so với 69,2%, P> 0,05). Tuy nhiên, chuyển phôi đông lạnh ở giai đoạn phôi nang dẫn đến tỷ lệ thai ngoài tử cung thấp hơn so với chuyển phôi giai đoạn phân chia, mặc dù sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Bên cạnh đó, chuyển phôi nang có nguy cơ sinh non đơn thai cao hơn so với chuyển phôi giai đoạn phân chia. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về nguy cơ sinh non, nhẹ cân, rất nhẹ cân và cân nặng lúc sinh rất cao giữa hai nhóm.
Nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng chứng minh tính ưu việt của chuyển phôi nang so với chuyển phôi giai đoạn phân chia trong chiến lược trữ phôi toàn bộ. Bên cạnh đó, có thể có nguy cơ sinh non đơn thai cao hơn khi chuyển phôi nang so với chuyển phôi giai đoạn phân chia nhưng cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác minh điều này.
Nguồn: Qianqian Zhu (2019), “Live birth rate and neonatal outcome following cleavage-stage embryo transfer versus blastocyst transfer using the freeze-all strategy”, RBMO, 38, 6, https://doi.org/10.1016/j.rbmo.2018.12.034 1472-6483/©.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Kết cục sơ sinh của thai giới hạn tăng trưởng khởi phát sớm và sinh cực non - Ngày đăng: 25-09-2020
Ảnh hưởng của kích thước khối lạc nội mạc tử cung buồng trứng đối với đáp ứng kích thích buồng trứng - Ngày đăng: 25-09-2020
Tư vấn cho phụ nữ trẻ bị ung thư vú giai đoạn đầu về phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản - Ngày đăng: 22-09-2020
Độ nở rộng khoang phôi nang: yếu tố quan trọng dự đoán sự thành công trong chu kỳ chuyển phôi đông lạnh - Ngày đăng: 22-09-2020
Đồng thuận về chẩn đoán và theo dõi hội chứng song thai thiếu máu – đa hồng cầu - Ngày đăng: 22-09-2020
Nguy cơ bất thường di truyền ở thế hệ tiếp theo sau khi điều trị hóa trị hoặc xạ trị - Ngày đăng: 22-09-2020
Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng PAP SMEAR - Ngày đăng: 22-09-2020
Giá trị tiên lượng của chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng với thụ tinh kém hoặc thất bại ở nam giới có tinh trùng dị dạng mức độ nhẹ và trung bình - Ngày đăng: 22-09-2020
So sánh tỉ lệ lệch bội giữa phôi thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (IVF) và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) trong các chu kỳ chia đôi IVF -ICSI - Ngày đăng: 22-09-2020
So sánh kết cục thai kỳ giữa chuyển phôi cùng với môi trường đã nuôi cấy phôi và môi trường mới: thử nghiệm tiến cứu ngẫu nhiên - Ngày đăng: 22-09-2020
Hội chứng buồng trứng đa nang và thai kỳ - Ngày đăng: 17-09-2020
Stress khi mang thai và thai chết lưu - Ngày đăng: 27-03-2021
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK