Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 22-09-2020 11:22am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận

Chuyển phôi vào tử cung của người vợ là bước cuối cùng và quan trọng trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Trong quy trình chuyển phôi có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự thành công, như phôi bị tống xuất ra ngoài, catheter chạm đáy tử cung, máu, nhầy trong catheter và nhiễm khuẩn (Schoolcraft 2016). Ngoài ra, thể tích và loại môi trường chuyển phôi cũng là một trong những yếu tố tác động. Mặc dù, môi trường chuyển phôi thương mại có bổ sung hyaluronan (HA) - là cơ chất hỗ trợ cho việc tương tác giữa phôi và nội mạc tử cung, nhiều trung tâm TTTON vẫn dùng môi trường nuôi cấy phôi phân chia hoặc phôi nang làm môi trường chuyển phôi do các môi trường này cũng giàu HA có thể cải thiện đáng kể tỉ lệ thai lâm sàng. Chuyển phôi luôn nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu và cần được tối ưu hóa liên tục.

Trong suốt quá trình phôi phát triển từ ngày 3 đến ngày 5, phôi đã tiết ra các yếu tố vào vi giọt môi trường như RNA, cell-free DNA, protein, các phân tử nhỏ, enzyme, và một số chất chuyển hoá, các yếu tố trên đều có thể được dùng để chẩn đoán di truyền và lựa chọn phôi (Wallace et al. 2014; Capalbo et al. 2016; Belandres et al. 2019). Hơn nữa, một số yếu tố tiết từ phôi giữ vai trò quan trọng trong sự làm tổ, tương tác mẹ với thai maternal-fetal dialogue (Minas et al. 2005; Haouzi et al. 2011). Ngoài ra, các túi ngoại bào (extracellular vesicles-EV) đóng gói các DNA, RNA, protein được tiết từ tế bào, cũng được phân lập trong môi trường nuôi cấy phôi (Giacomini et al. 2017; Kurian và Modi 2019). Nhiều loại miRNA trong các EV có thể được xem là yếu tố gắn kết và di chuyển, quyết định cho việc thay đổi bộ gen của nội mạc tử cung và giúp phôi tương tác chéo với nội mạc tử cung (Kurian và Modi 2019). Cũng có nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa số lượng EV trong môi trường nuôi cấy phôi với kết cục thai (Abu- Halima et al. 2017). Chính vì thế, vi giọt đã nuôi cấy phôi có giá trị nên được dùng để chuyển cùng với phôi vào tử cung có thể ích lợi cho sự làm tổ của phôi và sự phát triển của thai kỳ sau này. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho giả thuyết trên.

Trong nghiên cứu này, tiến hành so sánh giữa chuyển phôi với môi trường nuôi cấy phôi và môi trường thay mới trên kết quả mang thai lâm sàng. Tổng số 318 chu kỳ điều trị TTTON với kỹ thuật ICSI và chuyển phôi tươi được phân bố ngẫu nhiên thành hai nhóm dựa theo môi trường chuyển phôi: (1) sử dụng môi trường nuôi cấy phôi 3 ngày, (2) môi trường mới được cân bằng, và kết quả lâm sàng được so sánh giữa các nhóm.

Kết quả thu được là tỷ lệ làm tổ, thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống khi chuyển phôi bằng môi trường nuôi cấy phôi 3 ngày thay vì môi trường mới được cải thiện một chút nhưng không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, điều thú vị là tỷ lệ thai sinh hóa đã giảm đáng kể sau khi chuyển bằng môi trường nuôi cấy phôi 3 ngày so với môi trường nuôi cấy mới.

Tóm lại, việc chuyển phôi bằng môi trường đã từng nuôi cấy phôi đã cho thấy một số ưu điểm, và vẫn cần nghiên cứu cỡ mẫu lớn để xác nhận những quan sát này.

Nguồn: Comparison between embryos transferred with self-spent and fresh medium on reproductive outcomes: a prospective randomized trial, Systems Biology in Reproductive Medicine, 2020, https://doi.org/10.1080/19396368.2020.1764132
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Stress khi mang thai và thai chết lưu - Ngày đăng: 27-03-2021
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK