Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 17-09-2020 11:54am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Ths. Phan Thị Kim Anh_ IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức Tân Bình
 
Kích thích buồng trứng là một trong những bước quan trọng trong một chu kỳ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Kích thích buồng trứng nhằm gia tăng số lượng noãn thu nhận được sau khi chọc hút, từ đó làm gia tăng cơ hội có thai sau khi tạo phôi. Nang noãn khi đạt được kích thước phù hợp sẽ được lên lịch tiêm khởi động trưởng thành noãn trước khi chọc hút. Hiện nay, có thể sử dụng hCG hoặc GnRH đồng vận để khởi động trưởng thành noãn trong phác đồ kích thích buồng trứng sử dụng GnRH đối vận.

Quá kích buồng trứng trong hỗ trợ sinh sản là một biến chứng trong quá trình kích thích buồng trứng. Quá kích buồng trứng đa số khởi phát bởi hCG. Việc tiêm mũi trưởng thành noãn bằng hCG làm gia tăng nguy cơ quá kích buồng trứng, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân đáp ứng tốt hoặc bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang. Việc sử dụng GnRH đồng vận thay thế hCG trong trưởng thành noãn để dự phòng quá kích buồng trứng trên một số nhóm đối tượng bệnh nhân đã được sử dụng hơn 20 năm nay.

Mặc dù việc sử dụng GnRH đồng vận ngày càng tăng trong dự phòng quá kích buồng trứng, những ảnh hưởng của mũi tiêm trưởng thành noãn này lên chất lượng noãn, chất lượng phôi, tỷ lệ phôi nguyên bội vẫn còn nhiều tranh cãi. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là để so sánh tỷ lệ phôi nguyên bội và kết quả lâm sàng giữa việc sử dụng hCG và GnRH đồng vận trong khởi động trưởng thành noãn trên nhóm bệnh nhân có đáp ứng tốt.

Nghiên cứu hồi cứu này thực hiện từ tháng 1/2014 đến tháng 1/2017;  trên 333 trường hợp bệnh nhân thực hiện IVF/ICSI có đáp ứng tốt trong quá trình kích thích buồng trứng (được định nghĩa là chọc hút hơn 15 noãn). Phôi được tạo ra từ các bệnh nhân này được thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-A). Kết cục chính là tỷ lệ trẻ sinh sống (LBR). Tỷ lệ làm tổ (IR), tỷ lệ thai lâm sàng (CPR), và tỷ lệ phôi nguyên bội là những kết quả phụ.
Kết quả được ghi nhận như sau:

Khởi động trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận có liên quan đến việc cải thiện tỷ lệ làm tổ (70,5 so với 53,2%, p = 0,0475), tỷ lệ trẻ sinh sống (51,3 so với 33,8%, p = 0,0170) so với hCG. Với số lượng noãn thu nhận sau chọc hút nhiều hơn (21,9 so với 18,4%, p <0,001), tỷ lệ tạo phôi nguyên bội cao hơn (2,8 so với 2,1, p = 0,0109) ở nhóm sử dụng GnRH đồng vận.

Tỷ lệ phôi nguyên bội ở phụ nữ <35 tuổi cũng cao hơn (62,0 so với 51,7%, p = 0,0307) khi khởi động trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận. Tỷ lệ quá kích buồng trứng cao hơn ở nhóm hCG (10,6 so với 2,1%, p = 0,0009) so với nhóm GnRH đồng vận.

Như vậy, ở những nhóm bệnh nhân có đáp ứng cao trong kích thích buồng trứng, nên sử dụng GnRH đồng vận để khởi động trưởng thành noãn. Việc này giúp cải thiện kết cục lâm sàng bao gồm tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ trẻ sinh sống, và giảm tỷ lệ quá kích buồng trứng.
Tuy nhiên, tỷ lệ phôi nguyên bội tổng thể cao hơn chỉ được quan sát thấy ở phụ nữ <35 tuổi.

Tài liệu tham khảo:
Justin Tan et al, 2020. GnRH triggering may improve euploidy and live birth rate in hyper-responders: a retrospective cohort study. Journal of Assisted Reproduction and Genetics. https://doi.org/10.1007/s10815-020-01842-2


Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK