Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 17-09-2020 11:50am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Sau sự ra đời của kích thích buồng trứng có kiểm soát (COS), các chu kỳ kích thích đa nang đã thay thế chu kỳ tự nhiên trong thực hành lâm sàng. Trong chu kỳ điều trị IVF, bệnh nhân sẽ được chuyển phôi tươi và đông lạnh số phôi còn dư. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân được chỉ định trữ phôi toàn bộ và chuyển phôi trữ ở chu kỳ sau như có hội chứng quá kích buồng trứng, thực hiện tầm soát di truyền tiền làm tổ, bảo tồn khả năng sinh sản… Trong những năm gần đây, một số báo cáo cho thấy kết quả thai tốt hơn cũng như tỉ lệ bệnh sản khoa và chu sinh thấp hơn ở những trường hợp rã đông phôi trong chu kỳ chuyển phôi trữ đầu tiên với chiến lược trữ phôi toàn bộ. Bên cạnh đó, vài nghiên cứu chỉ ra rằng có mối tương quan giữa số lượng noãn thu nhận được và tỉ lệ sinh sống cộng dồn (CLBR) sau khi chuyển 1 chu kỳ phôi tươi và một vài chu kỳ chuyển phôi trữ. Tuy nhiên vẫn chưa có công bố nào về mối tương quan giữa số lượng noãn thu nhận và CLBR trên những trường hợp trữ phôi toàn bộ. Vì vậy Zhonghua Zhao và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá mối tương quan trên.

Nghiên cứu hồi cứu thực hiện trên 3276 bệnh nhân < 35 tuổi, thực hiện chu kỳ đầu tiên với chỉ định trữ phôi toàn bộ từ tháng 01/2009 đến tháng 12/2018. Bệnh nhân được chia thành 3 nhóm dựa trên số lượng noãn thu nhận được: 4-10 noãn (nhóm 1), 11-20 noãn (nhóm 2), 21-30 noãn (nhóm 3), 31-40 noãn (nhóm 4), >40 noãn.

Độ tuổi trung bình của dân số nghiên cứu là 28 tuổi với số noãn thu nhận trung bình là 20 noãn. Tỉ lệ sinh sống cộng dồn và tỉ lệ thai lâm sàng cộng dồn của cả nghiên cứu là 91,26% và 93,68%. Một số đặc điểm nền như tuổi, BMI, FSH nền… giữa bệnh nhân ở nhóm có và không có trẻ sinh sống là tương đương nhau. Tuy nhiên AFC, số lượng noãn thu nhận được và tỉ lệ thụ tinh ở nhóm có trẻ sinh sống cao hơn đáng kể nhóm không có trẻ sinh sống. CLBR của nhóm 1, 2 thấp hơn so với nhóm 3, 4 và 5 (p<0,001). Tuy nhiên không có sự khác biệt về tỉ lệ này ở nhóm 3, 5 và 5. Phân tích logistic đa biến cho thấy số lượng noãn thu nhận được là yếu tố dự đoán cho CLBR (p<0,001). Ngoài ra tỉ lệ thụ tinh và liều gonadotropin cũng ảnh hưởng đến CLBR (p<0,005).

Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng noãn thu nhận được có mối tương quan thuận với tỉ lệ sinh sống cộng dồn ở những bệnh nhân <35 tuổi được chỉ định trữ phôi toàn bộ. Nghiên cứu khuyến cáo rằng kích thích buồng trứng phải hợp lý để cân bằng giữa tính hiệu quả và an toàn của chu kỳ điều trị, số lượng noãn thu nhận không vượt quá 30 noãn là số lượng lý tưởng nhất.

Nguồn: Cumulative live birth rates according to the number of oocytes retrieved following the“freeze-all” strategy. Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-020-00574-3 2020.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK