Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 06-07-2020 11:03am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Nguyễn Hữu Duy – IVF Vạn Hạnh
  
Thiểu tinh nặng (cryptozoospermia) theo định nghĩa của WHO là các trường hợp không tìm thấy tinh trùng trong mẫu xuất tinh nhưng có thể tìm thấy được một vài tinh trùng trong mẫu sau ly tâm. Micro-TESE thường được lựa chọn thực hiện trong những trường hợp này. Khi số lượng tinh trùng di động có hình dạng bình thường được tìm thấy trong mẫu xuất tinh hoặc sau micro-TESE ít hơn 3 tinh trùng, trữ lạnh tinh trùng bằng phương pháp thủy tinh hóa thường được lựa chọn thực hiện. Các kết quả lâm sàng của ICSI khi sử dụng các mẫu tinh trùng trữ lạnh từ tinh dịch của những người đàn ông thiểu tinh nặng thường kém hơn so với sử dụng tinh trùng trữ từ micro-TESE, nguyên nhân có thể do tỷ lệ phân mảnh DNA của tinh trùng trong tinh dịch cao hơn so với tinh trùng từ micro-TESE. Endo và cộng sự (2011, 2012) đã trữ lạnh thành công tinh trùng từ các mẫu thiểu tinh nặng và micro-TESE nhưng tỷ lệ sống sau rã chỉ khoảng 40%. Do đó, Ohno và cộng sự (2020) đã đề xuất một phương pháp thủy tinh hóa tinh trùng giúp cải thiện tỷ lệ sống sau rã đông trên cơ sở cải tiến kỹ thuật trữ lạnh của Endo và cộng sự cho các mẫu tinh trùng thiểu tinh nặng (≤3 tinh trùng) từ mẫu xuất tinh nhằm giảm gánh nặng tâm lý và chi phí khi phải làm micro-TESE. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng theo dõi sự phát triển khả năng nhận thức và thể chất của 14 trẻ sinh ra sau khi áp dụng phương pháp này (từ năm 2011 đến năm 2018) nhằm đánh giá các nguy cơ liên quan đến di truyền và thượng di truyền.



Phương pháp thủy tinh hóa và rã đông trong nghiên cứu này cho các mẫu ≤3 tinh trùng dựa trên một quy trình trữ lạnh tinh trùng đã được công bố trước đó (Endo và cs., 2011, 2012) nhưng thay vì sử dụng glycerol, nghiên cứu này chỉ sử dụng sucrose – một chất bảo quản lạnh không xuyên màng. Nghiên cứu này cũng sửa đổi phương pháp hút tinh trùng bằng cách hút đuôi tinh trùng vào trước.

Đây là một nghiên cứu hồi cứu, bao gồm 28 người đàn ông thiểu tinh nặng có từ 3 tinh trùng trở xuống có hình dạng và độ di động bình thường trong mẫu xuất tinh sau ly tâm và đồng ý trữ lại các mẫu xuất tinh này thay vì làm micro-TESE. Nhóm chứng là 31 bệnh nhân thiểu tinh nặng sử dụng tinh trùng tươi từ mẫu xuất tinh của họ và 20 bệnh nhân vô tinh không tắc nghẽn với ít hơn 10 tinh trùng thu nhận bằng kỹ thuật TESE và được thủy tinh hóa. Kết quả lâm sàng giữa ba nhóm (tinh trùng được thủy tinh hóa từ mẫu xuất tinh, tinh trùng tươi từ mẫu xuất tinh và tinh trùng thủy tinh hóa từ tinh hoàn) được tiến hành phân tích thống kê. Trong nghiên cứu theo dõi 7 năm của 14 trẻ được sinh ra bằng kỹ thuật ICSI sử dụng tinh trùng thủy tinh hóa từ mẫu xuất tinh, tiêu chuẩn Boshi Kenko Techo (Cẩm nang dành cho mẹ và bé) và Thang đo phát triển trẻ sơ sinh và mẫu giáo (thang đo KIDS) do chính phủ Nhật Bản ban hành được sử dụng để xác định xem sự phát triển về thể chất và nhận thức của các em bé này có tương đương với sự phát triển của các em bé được sinh tự nhiên hay không.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thu nhận và tỷ lệ tinh trùng sống sau rã đông là 97,8% (510/521) và 87,1% (444/510) đối với tinh trùng thủy tinh hóa từ mẫu xuất tinh và 92,7% (152/164) và 60,5% (92/52) đối với tinh trùng thủy tinh hóa từ tinh hoàn. Tỷ lệ thai lâm sàng (%), sẩy thai (%) và tỷ lệ trẻ sinh sống (%) trong ba nhóm tương ứng như sau: Tinh trùng thủy tinh hóa từ mẫu xuất tinh: 15 (25.0), 2 (13.3), 13 (21.7); tinh trùng tươi từ mẫu xuất tinh: 26 (24.3), 5 (19.2), 20 (18.7); và tinh trùng thủy tinh hóa từ tinh hoàn: 3 (16,7), 0 (0,0), 3 (16,7). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 3 nhóm ngoại trừ tỷ lệ sống sau rã đông của tinh trùng và tỷ lệ thụ tinh với noãn: Tinh trùng thủy tinh hóa từ tinh hoàn cho kết quả thấp hơn so với tinh trùng thủy tinh hóa từ mẫu xuất tinh. Nghiên cứu theo dõi 7 năm cho thấy sự phát triển về thể chất và nhận thức của 14 trẻ sinh ra bằng kỹ thuật ICSI sử dụng tinh trùng thủy tinh hóa từ mẫu xuất tinh không có sự khác biệt so với các trẻ được sinh tự nhiên.

Như vậy, kỹ thuật này rất hữu ích trong việc bảo quản lạnh các mẫu tinh dịch với số lượng tinh trùng rất ít (dưới 10 tinh trùng) để tránh hoặc giảm khả năng phải thực hiện micro-TESE. Tuy nhiên, độ dài trong nghiên cứu này chỉ là 7 năm nên nhóm nghiên cứu đề xuất cần tiến hành các nghiên cứu với thời gian theo dõi trẻ sinh ra lâu hơn nữa để đảm bảo kỹ thuật này là an toàn.
 
Nguồn: Ohno M, Tanaka A, Nagayoshi M, et al. Modified permeable cryoprotectant-free vitrification method for three or fewer ejaculated spermatozoa from cryptozoospermic men and 7-year follow-up study of 14 children born from this method. Hum Reprod. 2020;35(5):1019-1028. doi:10.1093/humrep/deaa072
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK