Trong hội nghị thường niên của hội y khoa bà mẹ và thai nhi (Society for Maternal-Fetal Medicine) lần thứ 28, người ta đã đề nghị một phương pháp làm giảm nguy cơ sinh non rẻ tiền và dễ thực hiện. Theo 1 nghiên cứu phân tích mới trên 38.000 phụ nữ, bổ sung acid folic trong vòng 1 năm trước khi thụ thai có thể làm giảm có ý nghĩa nguy cơ sinh non. Hiệu quả của phương pháp này thấy rõ nhất ở các trường hợp sinh non tháng nhất, giảm đến 70%.
Thực hiện một nghiên cứu đoàn hệ quan sát, bác sĩ Bukowski MD, PhD, Đại học y khoa của Texas tại Galveston và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu của những phụ nữ tham gia vào thử nghiệm đánh giá nguy cơ vào tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai (the First And Second Trimester Evaluation of Risk-FASTER), được tổ chức National Institutes of Health tài trợ. Ban đầu, nghiên cứu này đã nhận vào những phụ nữ đơn thai để phát hiện sớm hội chứng Down. Khi vào nghiên cứu, những phụ nữ này đã cho biết họ đã sử dụng acid folic trước khi thụ thai.
Có khoảng 20%, tức 6777 phụ nữ đã sử dụng acid folic ít nhất 1 năm trước khi có thai, 36% dùng ít hơn 1 năm và 44% không dùng acid folic trước đó. Nghiên cứu đã khảo sát tuổi, chủng tộc, chỉ số khối cơ thể, tiền sử sinh non và các biến khác được biết là có khả năng gây nguy cơ sinh non.
Nguy cơ sinh cực non – từ 20 đến 28 tuần tuổi thai – trong số những phụ nữ đã dùng acid folic 1 năm giảm đi 70% so với những người không hề dùng. Tỉ lệ sinh con từ 28 đến 32 tuần tuổi thai giảm đi 50%. Tỉ lệ sinh sau 32 tuần tuổi thai tương tự nhau ở cả 2 nhóm. Giá trị p của các phát hiện này là 0.01.
Phát hiện này mang tính “khiêu khích” do acid folic là 1 cách can thiệp đơn giản, dễ dàng với độ an toàn cao. Mặc dù nghiên cứu không xác định được lượng acid folic đã dùng, nhưng nên theo khuyến cáo hiện tại là 400 μg mỗi ngày. Các kết quả này phù hợp với các nghiên cứu quan sát trước đó đã phát hiện ra mối tương quan giữa nồng độ acid folic huyết thanh với nguy cơ sinh non. Tuy nhiên, cơ chế phòng ngừa sinh non của acid folic vẫn chưa được hiểu rõ. Bác sĩ Bukowski giả định rằng có thể acid folic đã thúc đẩy hệ miễn dịch, bảo vệ phụ nữ chống lại sự nhiễm khuẩn. Ông nói rằng ông không tin việc sử dụng lâu dài acid folic đơn giản chỉ là 1 biểu hiện của các thói quen tốt cho sức khỏe, do các phân tích của ông đã cố gắng phân tích các ảnh hưởng này.
Để nghiên cứu sâu hơn các vấn đề này, bác sĩ Bukowski sẽ tiến hành đánh giá mẫu huyết thanh của các đối tượng nghiên cứu, tìm mối tương quan với nồng độ của acid folic với các vi chất khác. Trong khi đó, vẫn có rất ít dữ liệu để đưa ra 1 khuyến cáo cho toàn thế giới. “Điều này thật thú vị và mang lại nhiều hứa hẹn”, Radek Bukowski, MD, PhD, Đại học y khoa của Texas tại Galveston nói. Tuy nhiên, ông và những nhà nghiên cứu khác cho rằng kết quả này cần được khẳng định lại nhiều lần và nghiên cứu sâu hơn”.
Theo Medscape
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...