Hồ Mạnh Tường
Năm 1997: Khởi đầu
Cuối tháng 7/1997, những trường hợp IVF đầu tiên ở Việt nam được kích thích buồng trứng. Việt Nam bắt đầu phát triển kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (KTHTSS) trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:
- Chi phí đầu tư cao, thu nhập người dân thấp
- Các chuyên ngành học thuật có liên quan kém phát triển: nội tiết học, sinh học sinh sản, nuôi cấy tế bào…
- Các phòng thí nghiệm chuyên sâu về y học và sinh học còn sơ khai
- Sự phối hợp giữa các y học và các chuyên ngành khác còn kém
- Chính sách dân số tập trung vào kế hoạch hóa gia đình, giảm sinh
- Thông tin, học thuật và hiểu biết về lãnh vực Y học sinh sản ở Việt nam rất hạn chế
- Thiếu phương tiện khoa học, kỹ thuật: máy móc thiết bị, thuốc chuyên dụng, dụng cụ tiêu hao chuyên dụng, môi trường hóa chất…
Vào thời điểm này, Việt nam vẫn còn lạc hậu về trình độ y học. Riêng trong lãnh vực KTHTSS, chúng ta đi sau các nước trong khu vực như Singapore, Thái lan, Malyasia, Indonesia từ 5-10 năm; đi sau thế giới 15-20 năm.
1997 – 2000: Nền tảng
Trong giai đoạn này việc triển khai các kỹ thuật cơ bản của TTTON được thực hiện, dựa trên áp dụng các kinh nghiệm và kiến thức học được từ nước ngoài, nghiên cứu ứng dụng vào điều kiện cụ thể Việt nam. Trong giai đoạn này, hầu hết các kỹ thuật cơ bản của KTHTSS đã được áp dụng thành công.
2000 – 2007: Phát triển, chuyển giao công nghệ
Sau 10 năm phát triển, hàng loạt trung tâm HTSS ra đời ở các thành phố lớn và các bệnh việc lớn, đáp ứng cơ bản nhu cầu điều trị của người dân. Hầu hết các kỹ thuật thường qui được triển khai thành công và từng bước hoàn chỉnh. Số chu kỳ IVF hàng năm tăng nhanh.
Các trung tâm lớn có khả năng làm chủ kỹ thuật và tự đào tạo được nhân sự. Bắt đầu hình thành một trường phái riêng về IVF của Việt nam và được biết đến trong khu vực. Bắt đầu thu hút được các đồng nghiệp trong khu vực đến học tập và trao đổi kinh nghiệm.
Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM (HOSREM) được thành lập năm 2005 và bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung các nguồn lực cho sự phát triển của chuyên ngành HTSS ở Việt nam.
2007 – 2012: Lớn mạnh và khẳng định
Các trung tâm lớn tiến đến hoàn chỉnh các qui trình và từng bước tiếp cận và xây dựng các hoạt động quản lý chất lượng. Kết quả thành công của các kỹ thuật điều trị không ngừng được nâng cao và ổn định.Một số trung tâm đi đầu bắt đầu phát triển các kỹ thuật mới trên thế giới, hình thành bản sắc riêng và thế mạnh của KTHTSS Việt nam.
Việt nam áp dụng thành công hầu hết các phác đồ mới trong HTSS trong thời gian ngắn và theo kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới. Cũng trong giai đoạn này, Việt nam bắt đầu trở thành nước thực hiện IVF nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Các hoạt động đào tạo được tổ chức có hệ thống từ chương trình giảng dạy, tài liệu học thuật, sách tham khảo, sách giáo khoa bằng tiếng Việt được biên soạn. Các khóa đào tạo cho học viên nước ngoài được tổ chức có hệ thống và bài bản hơn, thu hút được đồng nghiệp từ các nước đến học tập kinh nghiệm và kỹ thuật mới.
Các diễn đàn khoa học, hội thảo, hội nghị, khóa học, tập huấn thường xuyên được tổ chức bởi HOSREM và các trung tâm lớn đã góp phần quan trọng trong việc trao đổi kinh nghiệm giữa các trung tâm, cập nhật thông tin và kỹ thuật mới. Trên nền tảng đó, chi hội Y học sinh sản Việt nam (VSRM) đã được thành lập 2011, đánh dấu một bước tiến mới của cộng đồng y học và khoa học trong lãnh vực này.VSRM bắt đầu tổ chức biên soạn và phổ biến các hướng dẫn lâm sàng.
Các nhà khoa học Việt nam xuất hiện và được mời tham gia thường xuyên tại các diễn đàn khoa học trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á-Thái bình dương và thế giới. Các chuyên viên Việt nam liên tục được mời tham gia các khóa đào tạo của trường đại học và hội nghị thường niên của các nước trong khu vực.
Các đề tài nghiên cứu khoa học của Việt nam xuất hiện ngày càng nhiều tại các hội nghị khu vực và thế giới. Các báo cáo khoa học của Việt nam bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế quan trọng trong lãnh vực này.
Đơn vị đào tạo về Y học sinh sản (CREST) cho khu vực Đông Nam Á và Châu Á được thành lập tại Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản, Khoa Y Đại học Quốc gia TPHCM, góp phần đánh dấu sự lớn mạnh của chuyên ngành HTSS tại Việt nam và sự công nhận của đồng nghiệp trong khu vực.
Số trường hợp thực hiện IVF tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2011
(theo số liệu ước tính do các đồng nghiệp trong khu vực cung cấp)
Việt nam 7.000
Thailand 5.000
Malaysia 4.000
Singapore 3.000
Indonesia 2.000
Philippines 500
Myanmar <100
Các cột mốc phát triển của IVF Việt nam
1997 Thực hiện IVF đầu tiên
1998 Em bé IVF đầu tiên
1999 Các khóa đào tạo đầu tiên về IVF
1999 Em bé ICSI đầu tiên
1999 Em bé IVF-cho trứng đầu tiên
2000 Em bé đầu tiên từ nuôi cấy phôi nang
2000 Em bé mang thai hộ đầu tiên (*)
2001 Kỹ thuật giảm thai
2002 Kỹ thuật trích tinh trùng cho bệnh nhân vô sinh nam
2002 Em bé đầu tiên từ MESA-ICSI
2003 Em bé đầu tiên từ phôi đông lạnh
2004 Em bé đầu tiên từ noãn đông lạnh
2006 Em bé đầu tiên từ phôi đông lạnh với kỹ thuật thủy tinh hóa
2007 Em bé đầu tiên từ kỹ thuật IVM
2008 Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng
2009 Kỹ thuật đông lạnh mô tinh hoàn
2009 Kỹ thuật chẩn đoán di truyền phôi
2010 Kỹ thuật hỗ trợ hoạt hóa noãn
2012 Đơn vị đào tạo Y học sinh sảnquốc tế (CREST)
(*) từ năm 2003, kỹ thuật này bị cấm thực hiện ở Việt nam
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...