Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Wednesday 12-07-2023 8:23am
Viết bởi: Khoa Pham
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức Tân Bình

Xu hướng trì hoãn có con khiến độ tuổi trung bình của những người lần đầu làm cha mẹ tiếp tục tăng trên toàn cầu. Ở Anh, độ tuổi trung bình của những người lần đầu làm mẹ đã tăng từ 27,7 tuổi vào năm 2010 lên 29,1 tuổi vào năm 2020[1]. Việc trì hoãn có con ở các cặp đôi xuất phát từ áp lực kinh tế, thay đổi quan điểm về hôn nhân, giáo dục và sự phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với kết quả khả quan và chi phí phù hợp cũng là một nguyên nhân cần lưu tâm.
 
Mặc dù xu hướng trì hoãn việc làm cha mẹ ngày càng phổ biến, các nghiên cứu đánh giá tâm lý và mối quan hệ tình cảm của các gia đình này còn rất ít. Một số nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa việc làm cha mẹ lớn tuổi hơn và các kết quả về thể chất và tâm thần kinh của trẻ, ít nghiên cứu xem xét các khía cạnh của hoạt động gia đình như chất lượng của mối quan hệ cha mẹ - con cái và sự điều chỉnh cảm xúc xã hội của trẻ.
 
Bài tổng quan nhằm tóm tắt các tài liệu hiện có về các cặp bố mẹ có con khi lớn tuổi và các yếu tố về tâm lý, mối quan hệ gia đình và sự phát triển của trẻ.
 
Sức khoẻ tâm lý ở các cặp bố mẹ lớn tuổi
Một vài nghiên cứu điều tra sức khỏe tâm lý của cha mẹ lớn tuổi khi con cái còn nhỏ đến giữa thời thơ ấu mang lại nhiều kết quả khác nhau. Nghiên cứu của Boivin và cộng sự (2009)[2] về những người lần đầu làm cha mẹ có con ở độ tuổi đi học được thụ thai thông IVF/IUI đã phát hiện ra rằng những ông bố bà mẹ lớn tuổi (≥38 tuổi) ít thể hiện sự ấm áp hơn và cảm nhận ít sự ấm áp hơn từ người khác, so với các cặp cha mẹ trẻ hơn (<38 tuổi). Phát hiện này được lặp lại trong một nghiên cứu gần đây của Jadva và cộng sự về 72 gia đình có trẻ 5 tuổi thực hiện IVF với noãn hiến tặng [3]. Trong đó, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các bậc cha mẹ ở độ tuổi lớn nhất (45 tuổi khi sinh đứa trẻ) có mối quan hệ vợ chồng kém mặn nồng hơn so với nhóm tuổi trẻ hơn (<36, 36–40 và 41–44 tuổi khi sinh con), đồng thời nhóm lớn tuổi nhất có mức độ căng thẳng trong vấn đề nuôi dạy con cái cao hơn đáng kể[3].
 
Nghiên cứu của Chen và Landau (2015)[4] đối với 20 người lần đầu làm mẹ (tuổi trung bình khi sinh là 45 tuổi) cho thấy các bà mẹ cảm thấy tuổi tác ảnh hưởng tiêu cực đến cách nuôi dạy con cái và sau đó là mối quan hệ giữa họ với con cái. Hơn nữa, những người tự nhận mình là lo lắng, bảo vệ con cái quá mức và thường chỉ trích con cho rằng những đặc điểm này là do ở độ tuổi khá cao khi lần đầu làm mẹ. Đồng thời, các người mẹ cho biết con cái thường lo lắng tới cái chết của cha mẹ bởi tuổi tác của họ đã cao. Tương tự, một số ít cha mẹ ở nhóm nghiên cứu Jadva[3] cũng báo cáo tương tự rằng cha mẹ tuổi cao cảm thấy “mệt mỏi và chậm chạp”, hoài nghi về kỹ năng làm cha mẹ của chính mình vì lớn tuổi.
 
Một số nghiên cứu đã xem xét chất lượng mối quan hệ giữa cha và con và trải nghiệm của người cha khi làm cha ở độ tuổi lớn. Năm 1993, Cooney và cộng sự cho thấy rằng những người đàn ông trở thành cha ở độ tuổi lớn hơn được cho là tham gia nhiều hơn vào việc nuôi dạy con cái so với những người cha trẻ tuổi hơn[5]. Tương tự, Jadva và cộng sự phát hiện ra rằng một số ông bố cảm thấy họ trở thành người cha tận tâm hơn, tham dự nhiều vào nhiệm vụ chăm sóc nuôi dạy con và họ đã phát triển các cách thức nuôi dạy con tốt hơn do kinh nghiệm sống đã tích luỹ dần theo thời gian[2].
 
Điều quan trọng cần lưu ý là những nghiên cứu này không thể rút ra kết luận nào về việc liệu nhận thức của cha mẹ về việc nuôi dạy con cái có tương ứng với cái thực tế của họ và chất lượng mối quan hệ của họ với con cái hay không. Tuy nhiên, lần đầu làm cha mẹ khi lớn tuổi hơn có thể ảnh hưởng đến tâm lý và suy nghĩ, cách thức nuôi dạy con cái và có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Dường như người cha có tâm lý thoải mái hơn so với người mẹ.
 
Các hành vi của trẻ
Trong nghiên cứu đoàn hệ quốc gia trên hơn 2000 bà mẹ người Úc, Tearne và cộng sự (2015) đã báo cáo một mối quan hệ tỉ lệ nghịch giữa tuổi của mẹ và các vấn đề về hành vi của con cái, chẳng hạn như việc tăng tuổi của mẹ có liên quan đến việc giảm các vấn đề bất thường về hành vi của con cái[6]. Những phát hiện từ nghiên cứu đặc biệt mạnh mẽ, vì mối liên quan được quan sát thấy giữa tuổi mẹ lớn hơn và các vấn đề về hành vi của con cái ít hơn vẫn còn đáng kể sau khi kiểm soát một loạt các yếu tố như sinh lý và xã hội học bao gồm tuổi và giới tính của trẻ, cân nặng khi sinh, số lần sinh, tình trạng tài chính của người mẹ, tuổi người cha và cấu trúc gia đình. Tương tự, Zondervan-Zwijnenburg và cộng sự (2020) phát hiện ra rằng việc tuổi mẹ lớn khi sinh con có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các vấn đề bất thường về hành vi trong hơn 30.000 trẻ Hà Lan từ 10 đến 12 tuổi[7].
 
Khả năng nhận thức của trẻ
Các nghiên cứu kiểm tra mối liên hệ giữa tuổi của cha mẹ và khả năng nhận thức của trẻ còn nhiều tranh cãi. Trong khi các tài liệu nói chung đồng ý rằng tuổi mẹ lớn hơn có liên quan đến kết quả nhận thức tốt hơn của trẻ, trong khi những nghiên cứu khác cho rằng khả năng nhận thức kém hơn liên quan đến tuổi mẹ quá cao. Trong nghiên cứu đoàn hệ lớn, Fergusson và Lynskey (1993) đã tìm thấy mối liên hệ tuyến tính nhất quán giữa việc tăng tuổi của người mẹ và khả năng nhận thức vượt trội của con cái khi trẻ 8 tuổi [8]. Gần đây hơn, Duncan và cộng sự (2018) đã phân tích dữ liệu từ Nghiên cứu theo chiều dọc quốc gia của Hoa Kỳ về Thanh niên và tìm thấy mối liên hệ tuyến tính tương tự giữa tuổi mẹ cao và kết quả nhận thức của trẻ, với mỗi năm người mẹ trì hoãn sinh con đầu lòng có liên quan đến sự gia tăng độ lệch chuẩn 0,02–0,04 trong thành tích học tập[9]. Các phân tích trung gian cho thấy mối liên hệ giữa tuổi mẹ cao khi sinh con đầu lòng và kết quả có lợi cho đứa trẻ thường xảy ra bởi các bà mẹ tận dụng thời gian chưa có con thực hiện nâng cao trình độ học vấn bản thân, họ sẽ có cách tiếp cận giáo dục trẻ tốt hơn nhờ kiến thức tiếp thu trong thời gian này.
 
Falster và cộng sự (2018) đã sử dụng mô hình rủi ro hồi quy để ước tính nguy cơ dễ bị tổn thương về phát triển của trẻ em (n=99.530) trên một số lĩnh vực nhận thức và cảm xúc xã hội, theo độ tuổi của các bà mẹ khi sinh[10]. Liên quan đến kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức và giao tiếp của trẻ em, tuổi mẹ càng cao thì tăng nguy cơ phát triển càng kém hơn so với trẻ em được sinh ra khi người mẹ trong độ tuổi từ khoảng 15–30 tuổi.
 
Do đó, những phát hiện đương thời vẫn chưa có kết luận, với kết quả còn nhiều tranh cãi giữa tuổi mẹ khi sinh trẻ và khả năng nhận thức của trẻ.
 
Việc ghi nhận thông tin còn nhiều khó khăn, đầu tiên là sự chưa thống nhất về khái niệm người mẹ lớn tuổi, giữa độ tuổi từ 30 tuổi, 35 tuổi đến 40 tuổi hoặc lớn hơn. Thậm chí còn có ít sự đồng thuận hơn về độ tuổi của người cha. Thứ hai, tuổi cha mẹ cao có liên quan đến các yếu tố xã hội học được biết là có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và hoạt động của gia đình. Ví dụ, các người mẹ lớn tuổi hiện nay thường có trình độ học vấn cao hơn, an toàn hơn về tài chính, sinh ít con hơn và kết hôn muộn hơn so với những người cùng tuổi với họ. Nhưng không phải tất cả các nghiên cứu đều kiểm soát các biến có khả năng gây nhiễu này. Một điều phức tạp cuối cùng là các cặp bố mẹ lớn tuổi thường có tỉ lệ đã thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, việc bản thân từng có trải nghiệm này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của cha mẹ. Hơn nữa, việc chuyển hai phôi trong thụ tinh trong ống nghiệm có thể dẫn đến tăng tỷ lệ sinh đa thai, điều này đã được chứng minh ảnh hưởng đến tâm lý của cha mẹ và chất lượng mối quan hệ cha mẹ - con trong giai đoạn sơ sinh và thời thơ ấu. Ngoài ra, vẫn còn rất ít các nghiên cứu quan tâm đến nhóm phụ huynh thuộc cộng đồng LGBTQIA+ khi lớn tuổi mới bắt đầu có con.
 
Kết luận
Các tài liệu liên quan đến sức khỏe tâm lý xã hội của cha mẹ lớn tuổi trong thời kỳ thơ ấu của trẻ còn hạn chế. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động của gia đình trong các gia đình có cha mẹ lớn tuổi cũng đã được xác định, bao gồm tâm lý cha mẹ, mức độ hỗ trợ xã hội sẵn có và mối lo ngại về tử vong khi lớn tuổi. Một vài nghiên cứu đã kiểm tra trực tiếp chất lượng mối quan hệ cha mẹ-con cái trong các gia đình cha mẹ lớn tuổi cho thấy tuổi mẹ cao và khả năng nhận thức của trẻ có phần chưa thống nhất, tuổi mẹ cao dường như có liên quan đến kết quả nhận thức tốt của trẻ, ít nhất là ở một mức độ nhất định.
 
Hơn nữa, không phải tất cả các nghiên cứu đều tính đến các yếu tố khác mà cha mẹ lớn tuổi có thể được hưởng lợi, chẳng hạn như sự trưởng thành hơn về tâm lý, đảm bảo tài chính, trình độ học vấn và sự ổn định nghề nghiệp. Với xu hướng làm cha mẹ lớn tuổi tiếp tục gia tăng, việc những người liên quan hiểu được kết quả này sẽ càng quan trọng hơn. Một lỗ hổng lớn trong hiểu biết của chúng ta cho đến nay là cách trẻ em cảm nhận về việc được cha mẹ lớn tuổi nuôi dưỡng; hiểu quan điểm của họ sẽ rất quan trọng trong việc đánh giá kết quả của việc nuôi dạy con cái khi lớn tuổi.
 
Tài liệu tham khảo:
1. ONS. Birth Characteristics in England and Wales: 2019. Statistical . Bulletin/Office for National Statistics, 2021, 1–14. https://www.ons. . gov.uk/peoplepopulationandcommunity/birthsdeathsandmarriages/ . livebirths/bulletins/birthcharacteristicsinenglandandwales/2017 (10 . February 2022, date last accessed).
2. Boivin J, Rice F, Hay D, Harold G, Lewis A, van den Bree MM, Thapar A. Associations between maternal older age, family envi- ronment and parent and child wellbeing in families using assisted reproductive techniques to conceive. Soc Sci Med 2009;68: 1948–1955.
3. Jadva V, Lysons J, Imrie S, Golombok S. An exploration of parental age in relation to parents’ psychological health, child adjustment and experiences of being an older parent in families formed through egg donation. Reprod Biomed Online 2022;45: 401–409. ­
4.Chen W, Land­­au R. First childbirth and motherhood at post natural ferile age: a persistent and intergenerational experience of personal and social anomaly? Soc Work Health Care 2015;54:16-32
5. Cooney TM, Pedersen FA, Indelicato S, Palkovitz R. Timing of fatherhood: is “on-time” optimal? JMF 1993;55:205-215
6. Tearne JE, Robinson M, Jacoby P, Li J, Newnham J, McLean N. Does late childbearing increase the risk for behavioural problems in chil- dren? A longitudinal cohort study. Paediatr Perinat Epidemiol 2015; 29:41–49.
7. Zondervan-Zwijnenburg MAJ, Veldkamp SAM, Neumann A, Barzeva SA, Nelemans SA, van Beijsterveldt CEM, Branje SJT, Hillegers MHJ, Meeus WHJ, Tiemeier H et al. Parental age and offspring childhood mental health: a multi-cohort, population-based investi- gation. Child Dev 2020;91:964–982.
8. Fergusson DM, Lynskey MT. Maternal age and cognitive and behaviroural outcomes in middle childhood. Paediatr Perinat Epidemiol 1993;7:77–91.
9. Ducan GJ, Lee KTH, Rosales-Rueda M, Kalil A. Maternal age and child development. Demography 2018;55:2229-2255
10. Falster K, Hanly M, Banks E, Lynch J, Chambers G, Brownell M, . Eades S, Jorm L. Maternal age and offspring developmental vulner- . ability at age five: a population-based cohort study of Australian . children. PLoS Med 2018;15:e1002558.


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK