Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 14-11-2024 3:12am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trần Tiến Ninh, Ths. Lê Thị Bích Phượng – Olea Fertility Nha Trang - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang
 
Giới thiệu
Tỉ lệ đa thai tăng lên đáng kể trong vài thập kỷ qua do xu hướng ứng dụng rộng rãi công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology − ART). Hạn chế số lượng phôi chuyển giúp giảm tỉ lệ đa thai, tuy nhiên đa thai vẫn có thể xảy ra sau khi chuyển một hoặc hai phôi. Tùy thuộc vào thời điểm mà phôi phân chia, tam thai từ hai hợp tử có thể được chia thành tam thai với ba nhau thai – ba túi ối, tam thai với hai nhau thai – hai túi ối và tam thai với hai nhau thai – ba túi ối (Dichorionic triamniotic – DCTA). Tam thai DCTA bao gồm một thai có nhau thai riêng biệt và hai thai cùng kết nối với một nhau thai (Monochorionic diamniotic − MCDA), cả ba thai đều có túi ối riêng. Thai MCDA có thể mang các biến chứng như hội chứng thiếu máu – đa hồng cầu song thai, thai chậm tăng trưởng chọn lọc trong tử cung và hội chứng truyền máu song thai, làm tăng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh và mẹ.
 
Lý do của việc gia tăng tần suất tam thai DCTA sau khi điều trị ART vẫn chưa được biết đến. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng điều kiện nuôi cấy, tuổi mẹ, kỹ thuật vi thao tác với ZP (zona pellucida), chuyển phôi nang, quá kích buồng trứng và di truyền có thể là những yếu tố góp phần làm tăng tỉ lệ song thai đơn hợp tử. Tuy nhiên, không có kết luận cụ thể nào được trình bày. Nghiên cứu trước đây của nhóm tác giả cho thấy tuổi mẹ và chuyển phôi nang là những yếu tố nguy cơ độc lập làm tăng tỉ lệ song thai đơn hợp tử. Đồng thời, chuyển phôi nang trong chu kỳ chuyển phôi tươi và tuổi mẹ trong chu kỳ chuyển phôi trữ là những yếu tố chính gây song thai MCDA.
 
Nghiên cứu trước đây của nhóm tác giả cho thấy kết cục thai kỳ và sản khoa khá bất lợi đối với tam thai DCTA. Tuy nhiên, cơ chế làm gia tăng tần suất tam thai DCTA sau điều trị ART hiếm khi được báo cáo. Do đó, Li và cộng sự đã phân tích hồi cứu các đặc điểm phôi học và thai lâm sàng của quần thể bệnh nhân sau điều trị ART để mô tả tỉ lệ và các yếu tố nguy cơ của tam thai DCTA.
 
Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu trên các kết quả thai lâm sàng trong chu kỳ chuyển phôi tươi hoặc phôi trữ của bệnh nhân thực hiện từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 7 năm 2020, với tiêu chuẩn loại là những chu kỳ xin noãn.
 
Kết quả
Tổng cộng có 10.289 bệnh nhân thụ thai thành công, bao gồm 3.429 bệnh nhân từ chu kỳ chuyển phôi tươi và 6.860 bệnh nhân từ chu kỳ chuyển phôi trữ. Tỉ lệ tam thai DCTA là 1,24% (128/10289). Trong đó, tỉ lệ tam thai DCTA trong chu kỳ chuyển phôi tươi là 1,22% (42/3429) và chuyển phôi trữ là 1,25% (86/6860). Số lượng phôi chuyển không liên quan đến tỉ lệ tam thai DCTA (p = 0,987). ICSI có tỉ lệ tam thai DCTA cao hơn so với IVF (1,92%, so với 1,02%, p < 0,001). Chuyển phôi nang có tỉ lệ tam thai DCTA cao hơn so với chuyển phôi phân chia (1,66% so với 0,57%, P < 0,001). Tỉ lệ tam thai DCTA cao hơn khi tuổi mẹ <35 tuổi (P = 0,040).
 
Trong chu kỳ chuyển phôi tươi, số lượng phôi chuyển không phải là yếu tố làm tăng tỉ lệ tam thai DCTA (p = 0,992). Các yếu tố tuổi mẹ, phương pháp thụ tinh và tuổi phôi là những yếu tố làm tăng tỉ lệ tam thai DCTA. Tuổi mẹ <35 tuổi có tỉ lệ tam thai DCTA cao hơn so với tuổi mẹ ≥35 tuổi (1,35% so với 0,97%, P < 0,001). Chuyển phôi nang có tỉ lệ tam thai DCTA cao hơn so với chuyển phôi phân chia (1,47% so với 0,94%; P = 0,006).
 
Ở chu kỳ chuyển phôi trữ, tỉ lệ tam thai DCTA không liên quan đến tuổi mẹ, phương pháp thụ tinh, tuổi phôi và số lượng phôi chuyển. Chỉ có yếu tố chuyển phôi nang làm tăng tỉ lệ tam thai DCTA so với chuyển phôi phân chia (1,73% so với 0,30%, p < 0,001).
 
Thảo luận
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ dày của ZP giảm dần theo tuổi mẹ trong chu kỳ tự nhiên, điều này có thể khiến phôi dễ bị phân tách khối tế bào bên trong, do đó bệnh nhân lớn tuổi có nhiều khả năng song thai đơn hợp tử hơn. Tuy nhiên, nhóm tác giả tìm thấy tuổi mẹ <35 tuổi có nhiều khả năng phát triển tam thai DCTA hơn tuổi mẹ ≥ 35 tuổi trong chu kỳ chuyển phôi tươi, cho thấy cơ chế làm tăng tỉ lệ tam thai DCTA sau điều trị ART khác so với thai tự nhiên. Điều này có thể liên quan đến phôi chất lượng tốt của phụ nữ trẻ tuổi, có khối tế bào bên trong dễ bị phân tách hơn.
 
ICSI cũng là một yếu tố nguy cơ đối với tam thai DCTA trong chu kỳ chuyển phôi tươi. Điều này có thể liên quan đến thực tế là ZP cứng hơn đối với phôi trữ so với phôi tươi. Do đó, trong chu kỳ chuyển phôi tươi, ICSI có thể tạo ra phôi chất lượng tốt với ZP yếu nên dễ tam thai DCTA.
 
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng chuyển phôi nang dễ song thai đơn hợp tử hơn so với phôi phân chia. Tương tự, nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng chuyển phôi nang liên quan đến sự xuất hiện của tam thai DCTA, tỉ lệ tam thai DCTA sau khi chuyển phôi nang cao hơn đáng kể so với chuyển phôi phân chia (1,73% so với 0,30%, p < 0,001) trong chu kỳ chuyển phôi trữ. Hiện tại, các cơ chế giải thích về chuyển phôi nang ảnh hưởng đến tần suất song thai đơn hợp tử tập trung vào những thay đổi của ZP và quá trình thoát màng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng tần suất song thai đơn hợp tử tăng lên là do chất lượng của phôi và lớp tế bào lá nuôi. Cơ chế tam thai từ phôi chất lượng tốt có thể được hình thành thông qua sự bài tiết hormone hCG bởi sự phát triển của nhiều tế bào lá nuôi. Tăng tiết hCG có thể kéo dài cửa sổ làm tổ để hỗ trợ quá trình phân chia của phôi. Nhóm tác giả suy luận rằng phôi nang chất lượng tốt với tiềm năng phát triển cao có nhiều khả năng gây ra sự phân chia khối tế bào bên trong trong chu kỳ chuyển phôi trữ. Điều này cho thấy ICSI và trữ lạnh phôi không hẳn là yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ tam thai DCTA.
 
Kết luận
Tần suất tam thai DCTA cao hơn đáng kể trong ART so với tự nhiên. Tuổi mẹ <35 tuổi, chuyển phôi nang và ICSI là những yếu tố nguy cơ của tam thai DCTA trong chu kỳ chuyển phôi tươi. Tuy nhiên, chuyển phôi nang là một yếu tố nguy cơ độc lập làm tăng tỉ lệ tam thai DCTA. Do các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tam thai DCTA, cần xem xét và thông báo cho bệnh nhân về các yếu tố nguy cơ liên quan đến sự xuất hiện của tam thai DCTA, để giảm sự lo lắng và các rủi ro liên quan đến việc điều trị tiếp theo của bệnh nhân.
 
Nguồn: Liu, S., Xu, Q., Wang, Y., Song, B., & Wei, Z. (2023). Pregnancy incidence and associated risk factors of dichorionic triamniotic triplet under assisted reproduction: A large sample of clinical data analysis. Frontiers in endocrinology, 14, 1049239.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK