Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 21-06-2011 12:16pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

image_4

Một tổng quan hệ thống và phân tích gộp vừa được đăng trên Fertil Steril về phối hợp hóa trị với đồng vận GnRH để bảo tồn chức năng sinh sản ở những phụ nữ bị ung thư.

 

Ung thư luôn được cho là thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, một số loại ung thư lại thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi. Những loại ung thư thường gặp ở những thập niên thứ năm, thứ sáu của cuộc đời cũng có thể được chẩn đoán ở tuổi trẻ hơn. Việc hiểu biết rõ hơn cơ chế sinh bệnh của ung thư và những tiến bộ trong điều trị nội khoa, ngoại khoa và xạ trị đã cho phép điều trị bảo tồn tốt hơn cho bệnh nhân ung thư. Tỉ lệ sống sót ngày càng gia tăng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện với sự phá hủy mô ít hơn. Một số phụ nữ được chẩn đoán bệnh lý ác tính trước khi có con, và họ vẫn còn trong độ tuổi sinh sản sau khi kết thúc trị liệu, vì vậy họ vẫn khao khát được có con vào thời điểm này.

Các chất hóa trị không có tính chọn lọc và sẽ phá hủy bất kỳ loại tế bào nào nhạy cảm đang phân chia nhanh, đặc biệt là các tế bào mầm. Sự nhạy cảm của tế bào mầm phụ thuộc vào loại hóa chất, liều thuốc, và số chu kỳ điều trị. Chức năng của buồng trứng vào thời điểm bắt đầu điều trị cũng ảnh hưởng đến tác động của hóa trị. Buồng trứng không thể hồi phục lại những nang noãn đã bị mất trong quá trình hóa trị. Do hậu quả của hóa trị, suy buồng trứng có thể xảy ra hoặc chức năng buồng trứng có thể bị suy giảm trầm trọng, từ đó làm giảm khả năng thụ thai.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá liệu ức chế chức năng buồng trứng với GnRH agonist trước và trong quá trình hóa trị có ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng vào thời điểm ngừng điều trị ung thư hay không. GnRH agonist có thể bảo tồn hoạt động buồng trứng bằng cách giữ các nang noãn ở giai đoạn không hoạt động, giảm tưới máu buồng trứng hoặc bằng các tác động trực tiếp khác trên tuyến sinh dục. Có nhiều kết quả trái ngược nhau từ các nghiên cứu này, do đó Bedaiwy và các đồng nghiệp đã tiến hành một phân tích gộp dựa trên các thử nghiệm ngẫu nhiên đã có.

6 trong số 28 thử nghiệm phù hợp được đưa vào phân tích. Tổng cộng phân tích gộp này có 173 phụ nữ dùng GnRHa và 167 phụ nữ chứng. Những phụ nữ được kết hợp trị liệu với GnRHa có khả năng có kinh tự nhiên vào cuối đợt hóa trị cao hơn có ý nghĩa thống kê (Odds 3,46; 95% CI 1,13 – 10,57). Họ cũng có khả năng có rụng trứng tự nhiên cao hơn (Odds 5,7; 95% CI 2,29 – 14,2). Không có sự khác biệt về tỉ lệ có thai tự nhiên giữa nhóm sử dụng GnRHa và nhóm chứng. Các nhà nghiên cứu mong rằng sẽ đánh giá được các chất chỉ điểm chức năng buồng trứng khi dùng và không dùng GnRHa, nhưng dữ liệu không đủ để phân tích. Dữ liệu cũng không đủ để đánh giá tác động của GnRH antagonist đối với việc bảo tồn chức năng buồng trứng.

Ung thư có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) hoặc kết hợp nhiều phương pháp. Hóa trị và xạ trị không có tính chọn lọc và có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan bình thường khác. Một số cơ quan có thể hồi phục (như đường tiêu hóa), nhưng các cơ quan khác sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn (như cơ quan sinh sản). Vì vậy, khi ung thư được chẩn đoán ở người trẻ, vấn đề bảo tồn khả năng sinh sản nên được xem xét. Nhiều phương pháp có thể được áp dụng cho những phụ nữ này. Điều trị bằng hỗ trợ sinh sản với trữ phôi, trứng và mô buồng trứng là một phương pháp đã được khẳng định có hiệu quả. Trong trường hợp người phụ nữ không có bạn tình hoặc không chấp nhận dùng tinh trùng người cho để tạo ra phôi, trữ trứng hoặc mô buồng trứng có thể là một lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, những phương pháp này bị giới hạn số chu kỳ điều trị và vẫn không tránh được việc mất chức năng nội tiết của buồng trứng do hóa trị. Trong một số trường hợp khác, không có đủ thời gian để áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản trước khi điều trị ung thư, hoặc sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản có thể bị chống chỉ định ở những bệnh nhân ung thư.

Một phương pháp có thể thay thế là bảo tồn hoạt động của buồng trứng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách chọn hóa chất ít độc cho tuyến sinh dục hơn (nếu có thể) hoặc bằng cách ức chế hoạt động của buồng trứng trước khi bắt đầu hóa trị. Một số thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và phân tích gộp này cho thấy việc sử dụng GnRHa có thể làm giảm nguy cơ suy buồng trứng do hóa trị gây ra. Các nghiên cứu riêng lẻ có cỡ mẫu còn tương đối nhỏ và phân tích gộp này chỉ dựa trên 350 trường hợp. Vì vậy, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định lợi ích của liệu pháp này.

Bên cạnh đó, cũng cần biết rằng liệu pháp điều trị với GnRHa lâu dài có thể gây ra các tác hại xấu. Giảm estrogen có thể dẫn đến các triệu chứng vận mạch làm giảm chất lượng cuộc sống. Các tác hại trên xương của tình trạng giảm estrogen cũng cần được xem xét.

Dựa trên những thông tin hiện có, việc sử dụng GnRHa nên được thảo luận với những bệnh nhân sắp phải hóa trị. Quá trình điều trị đòi hỏi sự kết hợp liên khoa giữa bác sĩ phụ khoa, chuyên gia hỗ trợ sinh sản và bác sĩ chuyên khoa ung bướu.

Nguồn: Preserving Fertility With GnRHa in Women With Cancer - Fertil Steril. 2011;95:906-914

BS Nguyễn Khánh Linh

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Hướng dẫn phòng ngừa thiếu sắt - Ngày đăng: 26-10-2010
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK