Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 01-12-2024 4:16pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Thị Kim Ngân - IVFMD Tân Bình
 
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong việc hỗ trợ sinh sản. Cùng với sự phát triển của IVF, kỹ thuật bảo quản đông lạnh phôi cũng không ngừng hoàn thiện. Ban đầu, phương pháp đông lạnh chậm được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, sau đó, với sự ra đời của kỹ thuật thủy tinh hóa, việc bảo quản phôi trở nên hiệu quả hơn.

Với chính sách hai con được áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc từ năm 2016, nhu cầu trữ đông phôi ngày càng tăng. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là: Liệu việc bảo quản phôi bằng thủy tinh hóa trong thời gian dài có ảnh hưởng đến khả năng sống sót và phát triển của phôi hay không?
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy kết quả không thống nhất. Kết quả thực nghiệm trên chuột cho thấy tỷ lệ sống của phôi trong điều kiện đông lạnh, sự thụ tinh và phát triển phôi giảm khi thời gian bảo quản đông lạnh kéo dài, nhưng kết quả thực nghiệm trên phôi bò hoặc lợn lại không tìm thấy mối liên hệ này. Điều này có thể do sự khác biệt về sinh lý giữa các loài.

Các nghiên cứu lâm sàng trên người cũng đưa ra những kết quả trái ngược nhau. Một số nghiên cứu cho thấy thời gian bảo quản không ảnh hưởng đến khả năng mang thai, trong khi các nghiên cứu khác lại cho rằng việc bảo quản quá lâu có thể làm giảm khả năng này. Đặc biệt, đối với những phôi được bảo quản trên 5 năm, các bằng chứng vẫn còn hạn chế và chưa đủ thuyết phục. Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng băn khoăn về độ an toàn của việc bảo quản phôi trong thời gian dài.
Tác giả Shaoquan Zhan và cộng sự (2024) đã tiến hành nghiên cứu này nhằm làm rõ vấn đề trên bằng cách phân tích dữ liệu của những phôi được bảo quản trên 5 năm. Qua đó, nghiên cứu đánh giá tác động của thời gian bảo quản thủy tinh hóa đối với kết quả mang thai và xác định thời gian bảo quản phôi thủy tinh hóa an toàn.

Nghiên cứu được thực hiện hồi cứu kết quả từ 01/01/2016 đến 31/12/2022 với 36.665 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh. Bệnh nhân được chia thành ba nhóm theo thời gian lưu trữ phôi: Nhóm 1: thời gian lưu trữ từ 0–2 năm (31.565 chu kỳ); Nhóm 2: từ 2–5 năm (4.458 chu kỳ); và Nhóm 3: >5 năm (642 chu kỳ). Các kết quả chính được đánh giá là tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ trẻ sinh sống. Các kết quả phụ bao gồm tỷ lệ thai sinh hóa, đa thai, thai ngoài tử cung, sẩy thai, cũng như các kết quả về trẻ sơ sinh. Phân tích dưới dạng biến nhị phân và phân tích hồi quy logistic đa biến được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của kết quả.
 
Kết quả chính thu được như sau:
  • Tỷ lệ làm tổ (IR) ở ba nhóm thời gian bảo quản phôi (0-2 năm, 2-5 năm và >5 năm) lần lượt là 37,37%, 39,03% và 35,78% (p = 0,017), và tỷ lệ trẻ sinh sống (LBR) tương ứng là 37,29%, 39,09% và 34,91% (p = 0,028).
  • Sau khi loại trừ các yếu tố gây nhiễu, việc bảo quản phôi thủy tinh hóa trong thời gian dài (2-5 năm hoặc >5 năm) không ảnh hưởng đến tỷ lệ thai sinh hóa, đa thai, thai ngoài tử cung và sẩy thai (p > 0,05).
  • Tuy nhiên, đông lạnh phôi hơn 5 năm làm giảm tỷ lệ làm tổ (tỷ lệ tương đối điều chỉnh (aOR) = 0,82; 95% KTC (0,69–0,97); p = 0,020) và tỷ lệ trẻ sinh sống (aOR = 0,76; 95% KTC (0,64–0,91); p = 0,002).
  • Phân tích phân tầng cũng cho thấy bảo quản phôi nang trên 5 năm làm giảm tỷ lệ làm tổ (aOR = 0,78; 95% KTC (0,62–0,98); p = 0,033) và tỷ lệ trẻ sinh sống (aOR = 0,68; 95% KTC (0,53–0,87); p = 0,002). Tuy nhiên, không thấy tác động này trên phôi phân chia (p > 0,05).
  • Kết quả chuyển phôi nang chất lượng tốt ở nhóm bảo quản >5 năm bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi thời gian bảo quản phôi nang chất lượng kém không liên quan đến kết quả thai kỳ.
  • Thời gian bảo quản phôi không ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh non, cân nặng khi sinh hay tỷ lệ giới tính của trẻ sơ sinh.
  • Tuy nhiên, thời gian bảo quản càng lâu thì tỷ lệ trẻ nhỏ hơn tuổi thai (SGA) càng giảm (5,60%, 4,10% và 1,18%) và tỷ lệ trẻ lớn hơn tuổi thai (LGA) càng tăng (5,22%, 6,75% và 9,47%) (p < 0,05). Sự gia tăng LGA và giảm SGA có liên quan đáng kể với thời gian bảo quản.
Tóm lại, thời gian bảo quản thủy tinh hóa không ảnh hưởng đến tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ trẻ sinh sống của phôi giai đoạn phân chia, tuy nhiên, bảo quản thủy tinh hóa phôi nang chất lượng tốt >5 năm có liên quan đến tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ trẻ sinh sống thấp hơn.
 
Nguồn: Zhan, S., Lin, C., Lin, Q., Gan, J., Wang, C., Luo, Y., ... & Liu, H. Vitrification preservation of good-quality blastocysts for more than 5 years reduces implantation and live birth rates. Human Reproduction, 2024, 39(9), 1960-1968.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK