Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 02-05-2025 9:24am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thanh Chi - IVFMD Tân Bình
 
Các chiến lược đông lạnh phôi toàn bộ và chuyển đơn phôi (SET) đang được áp dụng rộng rãi hiện nay để giảm thiểu các rủi ro từ hội chứng quá kích buồng trứng và đa thai. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng thực hành đông lạnh phôi, đặc biệt là thuỷ tinh hoá/rã đông kép (DVT), tức đông lạnh và rã đông lặp lại cho các trường hợp thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT) ở phôi đã đông lạnh chưa sinh thiết hoặc sinh thiết lặp lại cho phôi đã được sinh thiết và đông lạnh trước đó. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tác động của DVT. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy DVT có mối tương quan với tỷ lệ phôi sống thấp hơn, khả năng làm tổ giảm và tỷ lệ con sinh sống (LBR) giảm, thì những nghiên cứu khác lại báo cáo không có sự khác biệt đáng kể nào về kết quả ở trẻ sơ sinh. Do đó, nghiên cứu đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp này nhằm giải quyết những mâu thuẫn liên quan và cung cấp thông tin rõ hơn về tác động của DVT đối với kết quả lâm sàng và trẻ sơ sinh.
 
Nghiên cứu tuân thủ theo Sổ tay Cochrane về Tổng quan có hệ thống và hướng dẫn PRISMA, đảm bảo phương pháp luận mạnh mẽ và minh bạch. Nghiên cứu so sánh các phôi trải qua quá trình thủy tinh hóa/rã đông một lần (SVT) với các phôi trải qua DVT. Tiêu chí đủ điều kiện bao gồm các thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu quan sát và nghiên cứu bán thực nghiệm so sánh DVT với SVT. Các trường hợp loại trừ bao gồm các báo cáo ca bệnh, nghiên cứu trên động vật và các nghiên cứu sử dụng phương pháp đông lạnh chậm thay vì thủy tinh hóa. Trích xuất dữ liệu tập trung vào các chi tiết về phương pháp luận, thao tác trên phôi (sinh thiết, nuôi cấy kéo dài, giao thức thủy tinh hóa), kết quả lâm sàng như tỷ lệ sinh sống, tỷ lệ sẩy thai và các biện pháp sức khỏe trẻ sơ sinh. So sánh thống kê giữa các nhóm DVT và SVT bằng tỷ lệ chênh lệch (MHOR) và khoảng tin cậy (CI). Các phân tích tổng hợp được thực hiện bằng cách sử dụng các mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên để tính đến tính không đồng nhất giữa các nghiên cứu. Kết quả chính bao gồm tỷ lệ sống sót sau đông lạnh, tỷ lệ mang thai lâm sàng, tỷ lệ sẩy thai và tỷ lệ sinh con sống (LBR). Các kết quả thứ cấp tập trung vào các đặc điểm ở trẻ sơ sinh để đánh giá liệu những thay đổi do DVT gây ra có tồn tại sau sinh hay không.
 
Kết quả phân tích tổng hợp 35 nghiên cứu với tổng cộng 46.749 chu kỳ chuyển phôi (ET). Cụ thể, nhóm SVT chiếm 41.805 chu kỳ trong khi 4944 chu kỳ thuộc về nhóm DVT. Những phát hiện chính bao gồm:
  • Tỷ lệ sống sót sau đông lạnh (CSR): DVT làm giảm đáng kể tỷ lệ sống sót sau đông lạnh, đặc biệt là ở phôi được sinh thiết, cho thấy tỷ lệ sống sót trung bình giảm từ 89% ở SVT xuống còn 65% ở DVT. Phôi không được sinh thiết cho thấy mức giảm ít đáng kể hơn, duy trì tỷ lệ sống sót trên 80% (MHOR: 0.4; CI: 0.3 - 0.8; P<0.01).
  • Tỷ lệ thai sinh hóa (BPR): DVT có liên quan đến việc giảm đáng kể tỷ lệ thai sinh hóa (MHOR: 0,7; CI: 0,6–0,8; P < 0,01), cho thấy khả năng sống sót của thai kỳ sớm giảm.
  • Tỷ lệ thai lâm sàng (LPR): Tỷ lệ thai lâm sàng giảm đáng kể (MHOR: 0,7; CI: 0,5–0,8; P < 0,01), cho thấy tỷ lệ thành công làm tổ thấp hơn sau DVT.
  • Tỷ lệ sẩy thai (MR): Cả phôi được sinh thiết và không được sinh thiết đều cho thấy sự gia tăng đáng kể MR sau DVT, với phôi được sinh thiết cho thấy tỷ lệ sẩy thai là 28%, so với 16% ở SVT, trong khi phôi không được sinh thiết cho thấy mức tăng nhỏ hơn nhưng vẫn đáng kể từ 12% lên 18% (MHOR: 1,4; CI: 1,2–1,7; P < 0,01).
  • Tỷ lệ sinh sống (LBR): DVT dẫn đến LBR thấp hơn trong nhiều nghiên cứu, với phôi được sinh thiết cho thấy mức giảm từ 42% ở SVT xuống 29% ở DVT và phôi không được sinh thiết giảm từ 45% xuống 35% (MHOR: 0,6; CI: 0,5–0,7; P < 0,01).
  • Bất chấp những sự suy giảm này, các kết quả ở trẻ sơ sinh như cân nặng khi sinh (BW), tỷ lệ sinh non (PTB) và tuổi thai (GA) không cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa nhóm DVT và nhóm SVT, cho thấy phôi sống sót vẫn duy trì sự tăng trưởng và phát triển bình thường.
 
Bài đánh giá xác định một số cơ chế sinh học góp phần gây ra những tác động có hại của DVT. Những cơ chế này bao gồm tăng apoptosis, căng thẳng lưới nội chất (ER), rối loạn chức năng ty thể và tổn hại đến tính toàn vẹn của DNA, đặc biệt là ở phôi trải qua quá trình thủy tinh hóa và sinh thiết nhiều lần. Tổn thương liên quan đến bảo quản đông lạnh có liên quan đến căng thẳng oxy hóa, có thể dẫn đến những biến đổi biểu sinh bất thường ảnh hưởng đến khả năng sống của phôi. Ngoài ra, chức năng tế bào nuôi dưỡng bị suy yếu và sự gián đoạn của bộ xương tế bào có thể cản trở thêm sự thành công của quá trình làm tổ.
 
Thêm vào đó, nuôi cấy kéo dài (EC) giữa các chu kỳ thủy tinh hóa xuất hiện như một yếu tố giảm nhẹ tiềm năng, hỗ trợ phục hồi phôi và cải thiện kết quả. Các nghiên cứu cho thấy EC cho phép phôi phục hồi chức năng ty thể, giảm căng thẳng oxy hóa và lấy lại khả năng phát triển trước khi trải qua chu kỳ thủy tinh hóa tiếp theo. Tuy nhiên, quy mô mẫu nhỏ của các nghiên cứu EC và các giao thức không nhất quán giữa các trung tâm nghiên cứu khác nhau đòi hỏi phải có cách giải thích thận trọng.
 
Tóm lại, đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp này đã chứng minh rằng DVT tác động tiêu cực đến nhiều kết quả phôi thai khác nhau. Điều này bao gồm giảm tỷ lệ sống sót sau đông lạnh, thai sinh hóa, thai lâm sàng, sinh con, cùng với sự gia tăng sẩy thai. Những tác động này có vẻ nhất quán bất kể tình trạng sinh thiết hay chiến lược ET. Mặc dù vậy DVT không ảnh hưởng đáng kể đến các kết quả chính của trẻ sơ sinh như cân nặng khi sinh (BW), tỷ lệ sinh non (PTB) hoặc tuổi thai (GA) khi sinh. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu trình bày những kết quả này còn hạn chế và tỷ lệ mắc LBW và PTB thấp trong tổng thể các chu kỳ ET được đưa vào, những phát hiện này không mang tính kết luận. Ngoài ra, không có nghiên cứu nào đánh giá tác động sức khỏe lâu dài đối với trẻ sinh ra từ phôi thủy tinh hóa kép. Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các nghiên cứu được đưa vào bài đánh giá này được đánh giá là có nguy cơ sai lệch cao hoặc rất cao do các yếu tố như biến nhiễu, lựa chọn người tham gia, can thiệp sau phơi nhiễm, xử lý dữ liệu bị thiếu và thiết kế hồi cứu. Với những hạn chế này, cần tiếp cận kết quả một cách thận trọng. Có nhu cầu cấp thiết về các phương pháp nghiên cứu chặt chẽ hơn để đưa ra kết quả đáng tin cậy và hợp lệ.
 
Nguồn: Maleki-Hajiagha, A., Shafie, A., Rezayi, S. et al. Embryonic and neonatal outcomes following double vitrification/thawing: a systematic review and meta-analysis. BMC Pregnancy Childbirth 25, 206 (2025). https://doi.org/10.1186/s12884-025-07311-x
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Chủ nhật ngày 20 . 07 . 2025, Caravelle Hotel Saigon (Số 19 - 23 Công ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, thứ bảy 19 . 7 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK