Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 29-08-2022 2:45pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Duy Khang – IVF Vạn Hạnh
 
Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic sperm injection - ICSI) đã trở thành một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng phổ biến, được áp dụng cho các trường hợp tinh trùng số lượng ít, tinh trùng di động kém và tinh trùng dị dạng. Mặc dù tỷ lệ thụ tinh trung bình khoảng 70%, thất bại thụ tinh hoàn toàn (total fertilization failure – TFF) xảy ra từ 1-5% trong tổng số các chu kỳ ICSI. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TFF sau ICSI do thiếu hụt quá trình hoạt hóa noãn, có thể liên quan đến nhân tố noãn hoặc tinh trùng. Các nghiên cứu cho thấy, hoạt hóa noãn nhân tạo (artificial oocyte activation - AOA) có thể hữu ích cho các cặp vợ chồng vô sinh do yếu tố tinh trùng.
 
AOA là một bước quan trọng, tiền đề cho quá trình thụ tinh và phát triển phôi. Quá trình này bao gồm các dao động calci, làm gia tăng nồng độ calci nội bào trong noãn. Điều này cần thiết cho một loạt các thay đổi trong nhân và tế bào chất trước khi hình thành tiền nhân. AOA được sử dụng để cải thiện một cách có hiệu quả kết cục lâm sàng của các cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ thụ tinh thấp, phôi phát triển kém và cũng cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị IVF.
 
AOA đã được sử dụng thành công trong các trường hợp tinh trùng đầu tròn hoặc tinh trùng dị dạng nghiêm trọng. Các kích thích hóa học, điện, cơ học hoặc nhiệt thường được sử dụng trong thực hành lâm sàng nhưng phương pháp kích thích hóa học là lựa chọn chính để thực hiện AOA. A23187 và ionomycin là các chất hóa học được lựa chọn phổ biến cho AOA trong lâm sàng. Một phân tích tổng hợp đã chỉ ra rằng, AOA có thể cải thiện tỷ lệ mang thai. Tuy nhiên, những nghiên cứu này không tính đến các yếu tố gây nhiễu.
 
Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của AOA lên kết quả mang thai của các cặp vợ chồng vô sinh thực hiện chuyển phôi nang và kết quả mang thai được so sánh giữa những bệnh nhân thực hiện ICSI thông thường và ICSI-AOA.
 
Thiết kế nghiên cứu: Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên các cặp vợ chồng thực hiện ICSI (n=308) hoặc ICSI-AOA (n=82) từ 01/2014 - 03/2020. Bệnh nhân được thực hiện ICSI-AOA theo các tiêu chí: tinh trùng dị dạng nặng, thất bại thụ tinh (tỷ lệ thụ tinh <20%), phát triển phôi bất thường (toàn bộ phôi ngưng phát triển), tỷ lệ tạo phôi ngày 5 thấp (≤15%). Tiêu chí loại: bệnh nhân thực hiện chu kỳ ICSI đầu tiên, bệnh nhân đang điều trị theo phác đồ khác (trừ phác đồ đối vận và đồng vận).
 
Ba mươi phút sau tiêm ICSI, noãn được chuyển vào đĩa AOA với A23187 trong 15 phút. Các bệnh nhân được chuyển phôi tươi hoặc phôi trữ ngày 5. Kết quả mang thai sau lần chuyển phôi đầu tiên được sử dụng làm tiêu chí cho nghiên cứu này.
 
Kết quả:
Trong nhóm ICSI-AOA, nhiều bệnh nhân nữ vô sinh nguyên phát hơn. Không có sự khác biệt về độ tuổi, số noãn thu nhận được, BMI, thời gian vô sinh, số noãn trưởng thành, phác đồ, số lượng và chất lượng phôi nang được chuyển, chuyển phôi tươi hoặc trữ lạnh.
 
Trong nhóm ICSI-AOA, tỷ lệ thụ tinh (1,09 (0,91–1,23), P = 0,37), tỷ lệ phôi chất lượng cao  (1,05 (0,87–1,27), P = 0,61), hình thành phôi nang (1,19 (0,99–1,44), P = 0,06) tăng nhẹ. Tỷ lệ mang thai cao hơn đáng kể ở nhóm ICSI-AOA so với nhóm ICSI thông thường (71,95% so với 57,47%, P=0,02).
 
 Sau khi điều chỉnh theo tuổi bệnh nhân nữ, BMI, phác đồ, số lượng noãn trưởng thành, số lượng và chất lượng phôi chuyển, chuyển phôi tươi hoặc trữ, nguyên nhân vô sinh, AOA có liên quan đến việc tăng khả năng mang thai lâm sàng so với thực hiện ICSI thường quy (OR=1,89 CI: 1,09 – 3,27; P = 0,03).
 
Bàn luận:
Đây là nghiên cứu đầu tiên mô tả kết qua mang thai sau AOA ở bệnh nhân thực hiện chuyển phôi nang. Nghiên cứu xem xét các yếu tố gây nhiễm tiềm ẩn của độ tuổi người phụ nữ, phác đồ, số lượng noãn trưởng thành, số lượng và chất lượng phôi nang, chuyển phôi trữ hoặc tươi. Nhóm tác giả nhận thấy rằng, so với nhóm ICSI thường quy, nhóm AOA có cơ hội mang thai lâm sàng cao hơn (OR, 1,89; KTC 95%, 1,09 - 3,27, p = 0,03).
 
Một số nghiên cứu đã được công bố về mối liên quan giữa kết quả lâm sàng và AOA nhưng kết quả trái ngược nhau. Các nghiên cứu trước đây với cỡ mẫu từ 21 đến 194, cho rằng AOA không ảnh hưởng đến tỷ lệ mang thai lâm sàng. Ngược lại, một số nghiên cứu với cỡ mẫu từ 122 đến 343 đã chỉ ra rằng, AOA có thể hữu ích đối với các cặp vợ chồng bị thiếu hụt sự hoạt hóa noãn liên quan đến tinh trùng. Nghiên cứu này đã chuyển một loại phôi duy nhất và nhận thấy AOA có cơ hội mang thai lâm sàng cao hơn so với nhóm ICSI thông thường.
 
Nghiên cứu loại trừ tất cả những bệnh nhân thuộc chu kỳ đầu tiên và chỉ nhận những bệnh nhân có nhiều chu kỳ làm đối chứng. Đó là vì nguyên tắc điều trị của AOA trong thực hành lâm sàng, bệnh nhân trong nhóm AOA đều là nhiều chu kỳ.
 
Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi chất lượng cao và tỷ lệ hình thành phôi nang tăng nhẹ sau khi thực hiện AOA so với nhóm thực hiện ICSI thông thường. Qua đó cho thấy, AOA không ảnh hưởng đến khả năng phát triển của phôi từ noãn bào thành phôi nang nhưng có thể làm tăng xác suất mang thai của mọi phôi nang.
 
Hạn chế của nghiên cứu là một nghiên cứu hồi cứu từ một trung tâm duy nhất, không thể điều tra các yếu tố gây nhiễu khác, bao gồm trạng thái cảm xúc, bổ sung dinh dưỡng và tình trạng nội mạc tử cung.  Thứ hai, vì bệnh nhân hoặc noãn không được phân chia ngẫu nhiên, bệnh nhân được chia thành các nhóm dựa trên thực hành lâm sàng, do đó có thể dẫn đến sai lệch. Thứ ba, các phôi được chuyển là phôi nang. Do đó, kết quả có thể không phù hợp với những người được chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia. Thứ tư, tất cả các bệnh nhân đều có nhiều chu kỳ, do đó, kết luận của nghiên cứu  có thể không áp dụng cho những bệnh nhân ở chu kỳ đầu tiên.
 
Kết luận: Nghiên cứu này cho thấy AOA có thể tăng tỷ lệ mang thai lâm sàng, giúp tư vấn cho bệnh nhân về rủi ro khi thực hiện AOA.
 
Nguồn: Yan, X., Liu, X., Chen, W. và cộng sự (2021). Reproductive Outcomes of Artificial Oocyte Activation after ICSI Undergoing Blastocyst Transfer: A 6-year Retrospective Cohort Study

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK