Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 29-08-2022 2:43pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu chung
Từ khi ca sinh sống đầu tiên được ghi nhận bằng quá trình chuyển phôi trữ lạnh vào năm 1983 và sự ra đời của phương pháp thủy tinh hóa sau đó, việc sử dụng phương pháp chuyển phôi trữ lạnh (FET) hiện nay đã được gia tăng đáng kể. Sự phát triển và cải tiến gần đây của các kỹ thuật trữ lạnh đã làm cho tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống từ các chu kỳ FET và chu kỳ chuyển phôi tươi (ET) là tương đương nhau. Hơn thế nữa, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được trữ lạnh phôi còn làm giảm được nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng muộn và tỷ lệ đa thai ở phụ nữ.
 
Tuy nhiên cho đến này, các câu hỏi liên quan đến tác động của chu kỳ chuyển phôi trữ đối với kết quả sản khoa và chu sinh vẫn còn nhiều tranh luận. Trong một số nghiên cứu, FET được báo cáo có khả năng giảm được tỷ lệ trẻ nhẹ cân và sinh non, nhưng lại làm tăng tỷ lệ rối loạn tăng huyết áp khi mang thai ở mẹ so với ET. Bên cạnh đó, ở nghiên cứu so sánh kết quả chu sinh từ những trường hợp mang đơn thai từ phôi nang thủy tinh hóa so với mang đơn thai từ phôi nang tươi cũng cho thấy mặc dù tỷ lệ sinh non của hai nhóm là tương tự, cân nặng bé khi sinh, tỷ lệ rối loạn tăng huyết áp và mổ lấy thai ở nhóm FET cao hơn nhóm ET. Ngoài ra, điểm Apgar (điểm đánh giá sức khỏe trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh) ở các chu kỳ FET cũng thấp hơn so với nhóm thực hiện ET. Các cơ chế có thể dẫn đến sự khác nhau ở kết quả sản khoa và chu sinh giữa FET và ET bao gồm sự khác biệt về quy trình trữ lạnh và rã đông phôi, phác đồ kích thích buồng trứng, chuẩn bị nội mạc tử cung giữa hai nhóm. Những điều này đã dẫn đến sự hình thành môi trường nội mạc tử cung khác nhau và làm quá trình chuyển phôi, đặc biệt là quá trình hình thành nhau thai bị thay đổi. Do đó, việc đánh giá kỹ lưỡng mô bệnh học của nhau thai có thể làm sáng tỏ nguyên nhân cơ bản của các kết quả sản khoa khác nhau ở các chu kỳ ET và FET. Tỷ lệ bất thường về giải phẫu và mạch máu ở nhau thai cao hơn ở các thai kỳ từ FETs đã được báo cáo trong nghiên cứu của Sacha và cộng sự vào năm 2020. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ đánh giá bệnh lý nhau thai của những thai kỳ có nguy cơ cao, điều này theo nhóm tác giả sẽ dẫn đến những sai lệch đáng kể đối với sự hiểu biết toàn diện về ảnh hưởng của trữ lạnh phôi đối với mô bệnh học của nhau thai.Vì vậy mà nghiên cứu này đã được thực hiện với mục đích đánh giá ảnh hưởng của việc trữ lạnh phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa đối với mô bệnh học của nhau thai và kết quả chu sinh ở nhóm trẻ sinh đơn ở cả nhóm có nguy cơ thấp và cao.
 
Phương pháp
Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đánh giá dữ liệu của tất cả các ca có trẻ sinh sống từ một bệnh viện thực hiện IVF với noãn tự thân trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2017. Nhau thai từ tất cả các bệnh nhân đều được gửi đi đánh giá bệnh lý. Kết quả nhau thai, sản khoa và chu sinh của thai kỳ chuyển phôi trữ bằng phương pháp thủy tinh hóa sử dụng hormone thay thế được so sánh với kết quả sau khi chuyển phôi tươi. Nghiên cứu đã loại trừ các trường hợp có phát hiện bất thường ở tử cung qua siêu âm (polyp nội mạc tử cung, u xơ dưới niêm mạc, u tuyến, tử cung có vách ngăn), phẫu thuật tử cung trước đó, chu kỳ nhận noãn, chu kỳ nuôi trưởng thành noãn trong ống nghiệm, chu kỳ sàng lọc và chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, các chu kỳ FET tự nhiên và đa thai. Cuối cùng, một phân tích đa biến được thực hiện để điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu được xác định có khả năng liên quan đến sự phát triển của các bất thường mô bệnh học nhau thai.
 
Kết quả chính
Tổng số 1364 ca sinh sống từ điều trị IVF đã được ghi nhận trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2017. Sau khi áp dụng các tiêu chí thu nhận và loại trừ, 1014 ca sinh sống được đưa vào phân tích cuối cùng. Trong đó bao gồm 660 ca sinh sống từ chuyển phôi tươi, 354 ca mang thai sau khi chuyển phôi trữ.
 
Sau khi điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu, các chu kỳ FET được phát hiện có liên quan đáng kể với tình trạng viêm màng ối với phản ứng viêm ở mẹ (tỷ lệ chênh lệch (OR) 2,0, 95% KTC 1,2–3,3) và ở thai nhi (OR 2,6, 95% KTC 1,2–5,7), bất thường mạch máu dẫn đến giảm tưới máu thai nhi (OR 3,9, 95% KTC 1,4–9,2), chèn ép dây rốn (OR 2,3, 95% KTC 1,2–5,3), viêm nhung mao không rõ nguyên nhân (OR 2,1, 95% KTC 1,1 4,2), huyết khối khoảng liên gai nhau (OR 2,1, 95% KTC 1,3–3,7), huyết khối dưới màng đệm (OR 3,4, 95% KTC 1,6–7,0) và  tiến triển chuyển dạ không thành công (OR 2,5; 95% KTC 1,5–4,2).
 
Kết luận
Theo nhóm tác giả, đây là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên đánh giá các đặc điểm của nhau thai trong thai kỳ từ FET và ET bằng cách sử dụng các tiêu chí từ Hội thảo Nhau thai Amsterdam để đánh giá mô bệnh học nhau thai toàn diện. Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng các chu kỳ chuyển phôi trữ có tác động đến các đặc điểm giải phẫu của nhau thai, tình trạng viêm nhiễm, giảm tưới máu và tăng tỷ lệ rối loạn chức năng chuyển dạ. Tuy nhiên, các ca sinh sống từ phôi trữ lạnh có trong nghiên cứu cũng bao gồm các chu kỳ điều trị với những lần chuyển phôi thất bại trước đó, vì vậy nhóm tác giả cho rằng có thể còn tồn tại các yếu tố khác ảnh hưởng đến quá trình làm tổ và mô bệnh học nhau thai. Phát hiện của nghiên cứu trên có thể có ý nghĩa đối với quyết định lâm sàng để thực hiện chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi trữ lạnh trong tương lai, qua đó đóng góp vào sự hiểu biết về tương lai chu sinh của phôi tươi và phôi thủy tinh hóa.
 
Nguồn: Volodarsky-Perel, A., Ton Nu, T. N., Orvieto, và cs. The impact of embryo vitrification on placental histopathology features and perinatal outcome in singleton live births. Human Reproduction. 2022.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK