Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 29-08-2022 2:41pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu chung
Trong thập kỷ qua, viêm nội mạc tử cung mãn tính (chronic endometritis – CE) và các tác động liên quan của căn bệnh này đến khả năng sinh sản ngày càng được chú ý. Đây là tình trạng viêm nhiễm trong buồng tử cung gây ra do nhiễm vi khuẩn hoặc do sự mất cân bằng giữa hệ vi sinh vật và hệ thống miễn dịch ở nội mạc tử cung. CE được chẩn đoán bởi sự hiện diện của các tương bào có trong vùng đệm của nội mạc tử cung. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, viêm phần phụ, suy giảm khả năng sinh sản và các biến chứng sức khỏe khác. Phụ nữ mắc CE tăng 60% nguy cơ vô sinh trong tương lai so với phụ nữ trong nhóm không mắc CE. Hơn nữa, CE được phát hiện ở 14% –67,6% bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần và 8,9% –56,0% phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng tiêu cực của CE đến khả năng sinh sản của người mắc bệnh. Mặc dù hiện nay đã có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh để chữa CE, tác động của CE và quá trình điều trị bệnh đối với kết quả sinh sản vẫn còn là một mối quan tâm lớn.
 
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng kết quả mang thai ở phụ nữ hồi phục sau CE cao hơn đáng kể so với những phụ nữ đang mắc CE, nhưng các phân tích này có cỡ mẫu nhỏ và hạn chế ở nhóm phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp hoặc thất bại làm tổ nhiều lần. Một nghiên cứu hồi cứu của Xiong và cộng sự trên 640 phụ nữ trải qua chu kỳ chuyển phôi trữ cho thấy điều trị bằng kháng sinh là một cách hiệu quả để cải thiện kết quả sinh sản của những phụ nữ mắc CE nặng. Tuy nhiên, tác giả của nghiên cứu trên lại lấy những phụ nữ mắc CE nhẹ làm nhóm đối chứng, điều này gây khó khăn cho việc giải thích hiệu quả điều trị. Một nghiên cứu khác gần đây đã gợi ý rằng mặc dù điều trị thành công, bệnh nhân từng mắc CE tiếp tục có kết quả mang thai thấp. Tỷ lệ có thai ở nhóm không mắc CE, mắc CE và đã chữa khỏi CE lần lượt là 77,8%, 22,2% và 51,7%. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu tiền cứu nào với cỡ mẫu đủ lớn đánh giá ảnh hưởng của việc điều trị CE trước khi bắt đầu điều trị IVF/ICSI đối với kết quả sinh sản của phụ nữ vô sinh nói chung. Vì vậy, nghiên cứu này đã được thực hiện nhằm mục đích làm rõ tác động của việc được chữa khỏi CE nhờ vào điều trị kháng sinh đối với nguy cơ sẩy thai tự nhiên sau khi chuyển phôi trữ trong điều trị IVF/ICSI. Nhóm tác giả cũng đưa ra giả thuyết rằng sự phục hồi sau CE sẽ có liên quan đến nguy cơ sảy thai tự nhiên cao ở những phụ nữ đang thực hiện hỗ trợ sinh sản.
 
Phương pháp
Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu, bao gồm những bệnh nhân vô sinh đã được thực hiện nội soi tử cung định kỳ trải qua kích thích buồng trứng cho IVF/ICSI từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020. Tất cả các bệnh nhân đều được nội soi tử cung 1-3 tháng trước khi bắt đầu kích thích buồng trứng, những phụ nữ mắc CE được xác nhận bằng nội soi buồng tử cung và sinh thiết nội mạc tử cung. Kết quả hỗ trợ sinh sản của những phụ nữ từng mắc CE đã được điều trị bằng liệu pháp kháng sinh trước đó được so sánh với phụ nữ không mắc CE.
 
Kết quả chính của nghiên cứu là tỷ lệ sảy thai tự nhiên sau lần chuyển phôi đầu tiên (phôi tươi hoặc trữ lạnh). Ngoài ra, nghiên cứu này còn đánh giá tỷ lệ sinh sống, tỷ lệ thai lâm sàng, các thông số liên quan đến đáp ứng của buồng trứng và các thông số về phôi thai của hai nhóm phụ nữ. Các phân tích độ nhạy được phân tầng theo chu kỳ chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi trữ lạnh để đánh giá xem liệu các tác động tiềm ẩn có còn nhất quán giữa hai nhóm bệnh nhân này hay không.
 
Kết quả chính
  • Tổng cộng có 7.218 chu kỳ chuyển phôi trữ được thực hiện, trong đó 330 bệnh nhân thuộc nhóm từng mắc CE và 6.888 bệnh nhân ở nhóm không mắc CE.
  • Nhóm phụ nữ từng mắc CE và được chữa khỏi nhờ kháng sinh có tỷ lệ sảy thai tự nhiên cao hơn so với những phụ nữ không mắc CE (11,8% so với 9,2%; OR thô 1,32 [0,94, 1,86]) và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê sau khi điều chỉnh các biến gây nhiễu (OR điều chỉnh 1,49 [1,01, 2,19]).
  • Tỷ lệ trẻ sinh sống là 43,9% ở nhóm được chữa khỏi CE và 50,5% ở nhóm không mắc CE (OR thô, 0,77 [0,62, 0,96]; OR điều chỉnh, 0,73 [0,59, 0,92]).
  • Tỷ lệ có thai lâm sàng không khác biệt có ý nghĩa giữa 2 nhóm (56,1% so với 60,0%; OR thô 0,85 [0,68, 1,06]; OR điều chỉnh 0,83 [0,66, 1,03]).
  • Các phân tích độ nhạy được phân tầng theo chu kỳ chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh cho kết quả tương tự.
 
Kết luận
Viêm nội mạc tử cung mãn tính được trị khỏi bằng liệu pháp kháng sinh được cho là làm tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên và giảm tỷ lệ trẻ sinh sống ở những phụ nữ trải qua quá trình điều trị IVF/ICSI sau đó. Đáp ứng với kích thích buồng trứng và tỷ lệ có thai lâm sàng không bị ảnh hưởng sau khi điều trị CE thành công. Điểm mạnh đầu tiên của nghiên cứu trên là dữ liệu dựa trên số lượng mẫu lớn. Bên cạnh đó, do tất cả các trường hợp mắc CE đều đã được điều trị tại cùng một phòng khám, quần thể nghiên cứu cũng đồng nhất về các chẩn đoán CE và phác đồ kháng sinh. Ngoài ra, nghiên cứu này còn loại bỏ được những yếu tố gây nhiễu kết quả như mức độ nhiễm trùng hoặc thời gian dùng thuốc. Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng có một số thiếu sót bao gồm sự khác biệt về kích thước mẫu giữa hai nhóm và việc không thực hiện xét nghiệm di truyền trên các trường hợp sảy thai tự nhiên. Ngoài ra, nghiên cứu của nhóm tác giả cũng chưa làm rõ được liệu tỷ lệ sảy thai tăng cao là do sự xâm lấn của vi sinh vật từ trước hay do tác động của thuốc kháng sinh. Cuối cùng, việc điều trị lâu dài bằng kháng sinh có thể có tác động bất lợi đến kết quả thụ tinh ống nghiệm. Với những hạn chế của các tài liệu hiện có và mối quan tâm về tính an toàn của việc sử dụng kháng sinh, kết quả từ các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng là cần thiết để làm rõ vấn đề này.
 
Nguồn: Duan, H., Li, X., Hao, Y., Shi, J., & Cai, H. Risk of spontaneous abortion after antibiotic therapy for chronic endometritis before in vitro fertilization and intracytoplasmic sperm injection stimulation. 2022. Fertility and Sterility.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK