Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Monday 01-08-2022 11:30am
Viết bởi: Khoa Pham
Ths. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận
 
1.      Giới thiệu
Dịch nang (follicular fluid - FF) là vi môi trường dịch lỏng của nang noãn, được tạo ra bởi sự tràn dịch của huyết tương và sự chế tiết của tế bào vỏ, tế bào hạt cũng như từ noãn. Thành phần chính của FF là các hormone steroid, các chất chuyển hoá (metabolites), polysaccharides, protein, các gốc oxy hoá tự do (ROS) và các chất kháng oxy hoá (antioxidant). Nồng độ của các thành phần bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các con đường truyền tín hiệu cận tiết, tự tiết hay nội tiết. Những thay đổi thành phần hay nồng độ của các thành phần trong FF có ảnh hưởng đến chất lượng noãn (từ lúc trưởng thành đến khi thụ tinh), sự phát triển của phôi tiền làm tổ và kết quả thai kỳ.
 
FF chứa một loạt các chất chuyển hóa quan trọng đối với sự trưởng thành của noãn, do đó sự thay đổi về thành phần ở một mức độ nhất định của FF sẽ phản ánh khả năng phát triển của noãn và khả năng tồn tại của phôi. Hơn nữa, các protein, cytokine, yếu tố tăng trưởng tham gia vào quá trình phát triển và trưởng thành của nang noãn, thì đều có thể là những dấu ấn sinh học trong FF tiên lượng chất lượng noãn, phôi và kết cục TTTON  [1]–[3]. Vì thế, việc khảo sát nồng độ một số thành phần (như protein, cytokine, yếu tố tăng trưởng, miRNA) và sự trao đổi chất (metabomic) của FF có thể cung cấp các dấu ấn sinh học tiềm năng cho chất lượng của noãn và phôi, có thể được áp dụng như một phương pháp đánh giá bổ sung trong thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Bài viết này sẽ tóm tắt về các dấu ấn sinh học trên trong dịch nang có thể tiên lượng kết quả trong TTTON.
 
2.      Protein và Proteomic trong dịch nang
Hàm lượng các peptide, protein trong FF có thể là các dấu ấn sinh học tiên lượng noãn trưởng thành và kết cục TTTON [1], [2], [4]. Trong quá trình kích thích buồng trứng, Fas dạng hoà tan sẽ tăng việc gắn kết với thụ thể của nó (FasL) trong FF, làm ngăn chặn việc gắn kết với FasL trên bề mặt tế bào, dẫn đến ức chế apoptosis thông qua Fas ở các tế bào hạt và tế bào cumulus [3].
 
Các nghiên cứu về proteomic trong FF người, đã cho thấy FF chứa phức hợp protein, mà hầu hết là các protein liên kết tế bào chất (plasma-matched proteins). Theo Kushnir MM và cộng sự 2012, số lượng các protein tham gia vào những con đường sinh tổng hợp ở trong FF của nhóm có thai lâm sàng lớn hơn so với nhóm FF không có kết cục thai. Ambekar AS và cộng sự 2013 đã phân tích proteomic trong dịch nang người thì thấy được khoảng 480 protein. Hầu hết các protein này tham gia vào quá trình chuyển hoá chất, tái cấu trúc chất nền ngoại bào, đáp ứng miễn dịch và có liên quan đến các dấu ấn sinh học của noãn phát triển hoàn thiện (như hoạt động của superoxide dismutase trong tế bào cumulus, sự biểu hiện mRNA SERPINE2 trong các tế bào nang, sự biểu hiện mRNA pentraxin 3 trong tế bào cumulus) [3]. Fang Chen và cộng sự (2016) đã phát triển một mô hình tiên lượng kết cục thụ tinh bằng 53 peptide trong FF với giá trị AUC, độ nhạy, độ đặc hiệu tương ứng là 0,86, 81,3%, 68,8%. Phát hiện 7 peptide có tiềm năng làm dấu ấn sinh học là yếu tố tăng trưởng giống insulin gắn với protein-5, alpha-2-antiplasmin, complement component 3, inter-alpha-trypsin inhibitor heavy chain H1, albumin huyết thanh, protein diaphanous homolog 1 và plastin-3 [2].
 
3.      Cytokine và yếu tố tăng trưởng trong dịch nang
Các protein tham gia vào quá trình phát triển và trưởng thành của nang noãn, thì đều có thể là những dấu ấn sinh học trong FF tiên lượng chất lượng noãn, phôi và kết cục TTTON [1], [3], [4]. Chất lượng của noãn được cải thiện có liên quan đến gia tăng nồng độ của yếu tố kích thích quần thể tế bào hạt (granulocyte-colony stimulating factor_G-CSF); interleukin (IL)-12, IL-6, IL-8, IL-18, yếu tố tiết từ noãn (brain-derived neurotropic factor); protein tạo hình thái xương 2 (bone morphogenic protein 2 - BMP 2), cũng như giảm nồng độ của IL-1, IL-12 và yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu dạng 165 (vascular endothelial growth factor isoform 165) trong FF [3].
 
Hơn nữa, amphiregulin, protein tạo hình thái xương 15 (Bone morphogenetic protein-15_BMP-15), GDF-9, EGF, MMP-2 tương quan dương với chất lượng noãn trong FF. Nghiên cứu Yan-Ting và cộng sự (2007), tiến hành phân tích protein trong 79 mẫu FF từ 79 bệnh nhân. Mỗi noãn của từng FF sẽ được ICSI và nuôi cấy theo dõi phôi riêng lẽ. Kết quả cho thấy BMP-15 trong FF cao hơn ở những noãn thụ tinh và phôi giai đoạn phân chia khi so với noãn không thụ tinh hoặc nhóm không có phôi phân chia (p < 0,05). Nhóm phôi phân chia chất lượng tốt có tương quan đến nồng độ BMP-15 cao hơn nhóm phôi chất lượng trung bình hoặc kém (p< 0,01). Có mối tương quan thuận giữa nồng độ BMP-15 và estradiol trong cùng một FF. Như vậy, nồng độ BMP-15 trong FF có thể là dấu ấn sinh học tiên lượng chất lượng noãn và sự phát triển của phôi, cùng với nồng độ estradiol để tiên lượng khả năng thụ tinh của noãn [4].
 
Yếu tố tăng trưởng biệt hoá 9 (growth differentiation factor 9_GDF-9) nồng độ cao trong FF ở nhóm noãn trưởng thành nhân và phôi chất lượng tốt. Các yếu tố tăng trưởng nội mô (epidermal growth factor_EGF) như amphiregulin là các chất trung gian trong con đường kích thích noãn trưởng thành của LH. Nồng độ amphiregulin trong FF cao liên quan đến gia tăng số noãn chọc hút, số phôi và tỉ lệ thai sau khi điều trị TTTON. Hoạt động của metalloproteinase chất nền ngoại bào 2 (matrix metalloproteinase 2_MMP-2) gia tăng liên quan đến 100% noãn trưởng thành. Các yếu tố gây viêm tăng trong FF có ảnh hưởng xấu đến chất lượng noãn. Nồng độ yếu tố hoại tử khối u (tumor necrosis factor α_TNF-α) cao hơn ở trong FF của các noãn chất lượng xấu và thụ tinh kém. Nồng độ của các interleukin (IL-6, IL-1, IL-15): nồng độ IL-6 và IL-15 tương quan nghịch đến cơ hội có thai lâm sàng, nồng độ IL-1 cao hơn sẽ làm tăng cơ hội làm tổ của phôi. Đã có báo cáo rằng chất lượng noãn xấu ở bệnh nhân PCOS là do có mối tương quan với tăng nồng độ TNF-α và các interleukin trong FF.
 
Tóm lại, những cytokine và yếu tố tăng trưởng này có thể phát triển thành các dấu ấn sinh học trong FF để tiên lượng chất lượng noãn.
 
4.      Các chất chuyển hoá (metabolites) trong dịch nang
Dịch nang chứa các chất chuyển hoá nhằm tích luỹ và cung cấp nguyên liệu để noãn phát triển cũng như cho nang noãn tăng trưởng và biệt hoá. Các chất chuyển hoá như amino axit, lipid, nucleotide, các phân tử nhỏ và các chất được tiết từ huyết tương và hoạt động chuyển hoá của các tế bào trong nang noãn. Hoạt động chuyển hoá trong FF đã được nghiên cứu và phát hiện một số dấu ấn sinh học tiên lượng chất lượng noãn.
Lượng tiêu thụ một số amino axit như arginine, glutamate, glutamine, isoleucine, valine khác nhau ở những noãn non lúc chọc hút với noãn trưởng thành trong ống nghiệm. Nồng độ của một số amino axit (như glutamate, glycine, alanine) và carbohydrate (như glucose, lactate) khác nhau ở trong FF của noãn tạo phôi so với FF không tạo phôi [3].
Wallace và cộng sự (2012) phân tích các chất chuyển hoá trong FF, đã phát hiện một số chất chuyển hoá liên quan đến sự phát triển hoàn thiện của noãn. Cụ thể là glucose, lactate, choline, phosphocholine, proline, leucine/isoleucine, glutamine và HDL có nồng độ khác nhau trong FF của nhóm noãn phát triển thành phôi phân chia so với nhóm FF không phát triển phôi.
 
Hầu hết glucose trong FF sẽ được các tế bào cumulus đường phân (glycolysis) kỵ khí để tiêu thụ chuyển hoá thành pruvate (là cơ chất năng lượng chính cho noãn phát triển trưởng thành) và sản xuất lactate. Hơn nữa, một vài glucose sẽ đi vào con đường pentose phosphate (pentose phosphate pathway - PPP) thông qua glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PDH) để sản xuất ribose-5-phosphate (là tiền chất của nucleotide). Trong con đường này, PPP cũng điều khiển trạng thái oxi hoá của noãn nhờ vào việc sản xuất nicotinamide adenine dinucleotide phosphate (NADPH) là một cofactor để tổng hợp lipid, steroid và axit nucleic. Hơn nữa, glucose còn đi vào con đường sinh tổng hợp hexosamine (hexosamine biosynthesis pathway - HBP) nhằm cung cấp cơ chất sản xuất axit hyaluronic giúp cho sự nở rộng chất nền ngoại bào và glycosyl hoá protein liên kết – O để truyền tín hiệu tế bào và cảm biến nhiêu liệu [3]. Do đó, nồng độ glucose trong FF ảnh hưởng đến sự trưởng thành nhân và tế bào chất của noãn. Nếu nồng độ glucose trong FF thấp sẽ ảnh hưởng đến sự tổng hợp axit nucleic và sản xuất năng lượng ATP do giảm hoạt động của PPP, HBP, đường phân (ở noãn chuột); giảm trưởng thành tế bào chất, giảm khả năng tái giảm phân để hoàn thiện trưởng thành nhân, giảm tính nhầy của tế bào hạt. Ngược lại, nếu nồng độ glucose cao trong FF có tương quan đến tăng sản xuất ROS, tăng hoạt động của HBP và giảm nồng độ của glutathione (GSH, một chất kháng oxi hoá). Do đó, các bệnh lý có thể làm thay đổi cân bằng trao đổi chất chẳng hạn như béo phì, tiểu đường, có thể có tác động xấu đến môi trường nang noãn.
Hơn nữa, axit béo trong FF cũng rất quan trọng. Ở những noãn chất lượng tốt sẽ có liên quan đến nồng độ axit palmitic và tổng axit béo bão hoà thấp hơn; giảm tỉ lệ giữa n-6 axit béo không bão hoà đa : n-3 axit béo không bão hoà đa; và tăng nồng độ linolenic, stearic, axit arachodonic. Gorman và cộng sự (2013) đã phát hiện ra 9 axit béo trong 21 axit béo có nồng độ khác nhau trong FF của nhóm noãn phát triển thành phôi phân chia so với nhóm FF không phát triển phôi. Ở nhóm không có phôi phân chia có nồng độ tổng axit béo bão hoà cao hơn (P=0,03) và nồng độ tổng axit béo không bão hoà đa thấp hơn (p = 0,001). Mô hình phân loại rừng ngẫu nhiên tiên lượng khả năng tạo thành phôi phân chia bằng nồng độ axit béo trong FF có tỉ lệ sai sót là 10%, và giá trị AUC là 0,96. Như vậy, nồng độ axit béo trong FF có thể làm dấu ấn sinh học tiên lượng để lựa chọn noãn trong tương lai [5]. Bên cạnh đó, nếu nồng độ axit béo tự do cao (Free fatty acids – FFA) cao trong FF sẽ liên quan đến chất lượng hình thái của cụm noãn-tế bào cumulus xấu do ngộ độc lipid (lipotoxicity). Do FFA sẽ cảm ứng việc tích luỹ ROS, từ đó điều khiển stress mạng lưới nội chất và apoptosis.
 
Một chất chuyển hoá lipid trong dịch nang có thể là dấu ấn sinh học tiên lượng chất lượng noãn là Resolvin E1. Resolvin E1 trong dịch nang được tiết từ các tế bào cumulus và máu ngoại vi của cơ thể [6]. Resolvin E1 tên đầy đủ là 5,12,18R-trihydroxy-eicosapentaenoic acid, là chất trung gian kháng viêm và bảo vệ tế bào. Ở người, có 2 con đường sinh tổng hợp Resolvin E1 là con đường phụ thuộc vào aspirin và không phụ thuộc vào aspirin. Resolvin E1 tạo ra các hoạt tính sinh học kháng viêm và bảo vệ tế bào, mô bằng cách liên kết với thụ thể của nó là ChemR23 hiện diện trên các tế bào khác nhau, bao gồm bạch cầu đơn nhân, đại thực bào, tế bào đuôi gai, tế bào giết chết tự nhiên và tế bào nội mô. Theo nghiên cứu của Yijing Zhang và cộng sự (2020), phân tích sự chuyển hoá chất trên 80 mẫu FF và đánh giá mối tương quan giữa các thành phần chất chuyển hoá và kết cục noãn phôi. Kết quả cho thấy nồng độ Resolvin E1 trong dịch nang cao hơn đáng kể ở nhóm phôi nang chất lượng loại A (≥ 3BC và ≥ 3CB theo hệ thống phân loại của Gardner, n=36) khi so với nhóm phôi nang chất lượng loại B (< 3BC và < 3CB, n=44; p = 0,0018); trong khi nồng độ của 36 chất chuyển hoá khác tương đương giữa 2 nhóm phôi (p > 0,05). Khi phân tích đường cong ROC, thu được giá trị ngưỡng nồng độ Resolvin E1 là dưới 8,96 pg/ml sẽ tiên lượng noãn chất lượng kém với giá trị AUC là 0,75 (95%CI: 0,64 – 0,86; p < 0,00012), độ đặc hiệu là 97,2% và độ nhạy là 25%. Thụ thể ChemR23 của Resolvin E1 biểu hiện ở trên tế bào cumulus nhiều hơn ở noãn. Cơ chế tế bào học mà Resolvin E1 cải thiện chất lượng noãn là thông qua việc kích thích tế bào cumulus tồn tại tăng sinh và ức chế apoptosis; điều này còn thúc đẩy việc tế bào cumulus sản xuất Resolvin E1 dưới tác dụng phản hồi dương [6]. Như vậy, Resolvin E1 có thể là dấu ấn sinh học tiên lượng chất lượng noãn dùng để lựa chọn noãn cải thiện tỷ lệ thành công TTTON đầy hứa hẹn sau khi được nghiên cứu kiểm chứng kỹ lưỡng trong tương lai.
 
5.      MicroRNA (miRNA)
micro-RNA (miRNA) là những phân tử RNA mạch đơn không mã hoá khoảng 20-24 nucleotide, miRNA giữ vai trò điều hoà quan trọng các quá trình sinh lý của tế bào như tăng sinh, biệt hoá, di chuyển, apoptosis. Stress oxi hoá là nguyên nhân làm tăng phân mảnh DNA thông qua sự thay đổi biểu hiện các miRNA liên quan đến quá trình chết theo chương trình (apoptosis) trong các tế bào hạt. Vì thế, các miRNA này hiện diện trong FF giữ vai trò điều hòa sự biểu hiện mRNA. Đặc biệt là miR-663b, miR-766-3p, miR-132-3p, miR-16-5p tham gia điều hoà biểu hiện mã hoá ra các protein tham gia vào quá trình sinh tạo nang noãn, trưởng thành noãn, phóng noãn và thụ tinh. Ngoài ra, miR-320a trong FF người có liên quan đến chất lượng phôi người hoặc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển in vitro của phôi chuột. Một số nghiên cứu đã cho thấy miR-663b, miR-766-3p, miR-132-3p, miR-16-5p trong FF giảm biểu hiện hơn ở nhóm phôi chất lượng kém khi so với nhóm phôi chất lượng tốt.
 
Moreno và cộng sự (2015) đã ghi nhận FF của những noãn MII có 13 miRNA biểu hiện khác nhau khi so với noãn GV (2 miRNA tăng và 11 miRNA giảm biểu hiện), còn khi so sánh giữa noãn MII và noãn MI thì có 7 miRNA biểu hiện khác biệt (3 miRNA tăng và 4 miRNA giảm biểu hiện). Đồng thời, cũng nhận thấy chỉ có 1 miRNA (hsa-miR-424) biểu hiện cao hơn ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Phân tích silico cho thấy các miRNA này dường như tham gia điều hoà các thành viên trong con đường tín hiệu GnRH như các kinase và các thành viên trong con đường tín hiệu canxi và MAPK. Do đó có thể điều khiển quá trình giảm phân và trưởng thành của noãn. Trong tương lai, các nghiên cứu sử dụng mô hình động vật sẽ được thực hiện để kiểm tra tác động in vivo của các miRNA này lên sự trưởng thành noãn [7].
 
6.      Các yếu tố ảnh hưởng đến dịch nang
Một số bệnh lý gây vô sinh (lạc nội mạc tử cung, PCOS) hay tuổi của phụ nữ sẽ tác động thay đổi nồng độ thành phần các chất cũng như hoạt động chuyển hoá trao đổi chất trong FF [1].
 
- Lạc nội mạc tử cung
Singh và cộng sự (2016) đã tìm được nồng độ của một số cytokine và yếu tố tạo mạch trong huyết thanh và dịch nang có liên quan đến lạc nội mạc tử cung như nồng độ của IL-8, IL-12 và adrenomedullin (ADM) có tương quan nghịch với tỉ lệ trưởng thành của noãn và chất lượng của phôi ở nhóm bệnh nhân lạc nội mạc tử cung [1].
 
- PCOS
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome - PCOS) là một rối loạn chuyển hoá liên quan đến vô sinh ở nữ giới và có tác động xấu đến môi trường nang noãn làm ảnh hưởng đến sự phát triển hoàn thiện của noãn. PCOS liên quan với béo phì, cường androgen, kháng insulin, quá nhạy cảm với LH (luteinizing hormone) và không phóng noãn. Những phụ nữ bị PCOS phải trải qua sự thay đổi trong quá trình sinh nang noãn với những nang nhỏ bị ngừng phát triển, được thể hiện qua sự thay đổi nồng độ các hormone trong môi trường nang noãn. Đó là do sự thay đổi biểu hiện phiên mã của các gen trong tế bào cumulus như gen mã hoá thụ thể insulin, thụ thể và protein gắn với IGF, các gen liên quan tham gia điều hoà chu kỳ tế bào giảm phân, dẫn đến rối loạn hoặc trì hoãn sự trưởng thành, biệt hoá và chức năng của tế bào cumulus [1].
 
Hơn nữa, PCOS có liên quan sự chuyển hoá glucose bất thường và bất thường các chất chuyển hoá khác. Cường androgen có liên quan đến bệnh lý rối loạn chuyển hoá ở bệnh nhân PCOS: androgen có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến biến đổi chuyển hoá glucose, gia tăng sự tạo thành FFA, ức chế thanh thải insulin trong gan dẫn đến kháng insulin. Nghiên cứu chuyển hoá trong FF của bệnh nhân PCOS cho thấy nồng độ FFA bị thay đổi do tình trạng cường androgen chứ không phải do béo phì [1].
 
- Tuổi
Thành phần của FF cũng bị ảnh hưởng bởi độ tuổi. Nồng độ các miRNA có sự thay đổi trong FF phụ nữ lớn tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy trong FF của phụ nữ lớn tuổi sẽ gia tăng nồng độ superoxide dismutase (SOD), AMH, lactate, progesterone; và giảm nồng độ của catalase (CAT), glucose khi so với FF của phụ nữ trẻ tuổi. Quá trình già hoá liên quan đến stress oxi hoá, được chia thành 3 giai đoạn phân biệt: (1) gia tăng sản xuất các gốc tự do; (2) biến đổi chất kháng oxi hoá; (3) tổn thương oxi hoá các lipid, protein và axit nucleic. Giảm hoạt động của CAT có liên quan đến tăng sản xuất ROS làm tổn thương DNA, protein, lipid, dẫn đến tác động xấu đến sự phát triển của nang noãn. Bên cạnh đó, việc tăng SOD có thể hiểu được là do cần biến đổi chất kháng oxi hoá để ngăn chặn các tổn thương do ROS gây ra (giai đoạn 2). Ti thể là bào quan chính tạo ra ROS, nên những tổn thương ở bào quan này có thể dẫn đến apoptosis, điều này tác động xấu đến sự phát triển của nang noãn.
 
Ở những phụ nữ lớn tuổi, nồng độ glucose giảm và nồng độ lactate tăng trong FF có liên quan đến tăng điều hoà quá trình đường phân trong nang noãn. Tuy nhiên nếu nồng độ lactate tăng làm giảm pH trong FF, dẫn đến giảm khả năng thụ tinh của noãn.
 
Nồng độ progesterone trong FF cao hơn ở những phụ nữ lớn tuổi, điều này có thể là do rối loạn trong quá trình sinh tạo steroid và biệt hoá của các tế bào cumulus. Thú vị hơn là hầu hết progesterone trong FF của phụ nữ trẻ tuổi là do tế bào hạt sản xuất, trong khi ở phụ nữ lớn tuổi là do tế bào cumulus sản xuất. Hơn nữa, nồng độ IL-6 trong FF ở phụ nữ lớn tuổi cao hơn khi so với nhóm trẻ tuổi, và có mối tương quan nghịch giữa nồng độ IL-6 trong FF với cơ hội có thai lâm sàng sau khi điều trị TTTON. Do đó, cơ hội có thai lâm sàng thấp hơn ở những phụ nữ lớn tuổi sau khi điều trị TTTON [1].
 
Phân tích chuyển hóa của dịch nang cho thấy với sự gia tăng độ tuổi thì một số chất chuyển hóa khác nhau đang hoạt động. Trong số các chất chuyển hóa này, quá trình chuyển hóa lipid trải qua những thay đổi đáng kể ảnh hưởng đến sự phát triển của noãn do đó làm giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ lớn tuổi [8]. Nghiên cứu của Xingxing và cộng sự (2020) tiến hành so sánh thành phần nồng độ của các chất chuyển hoá lipid trong FF và kết cục điều trị ở những bệnh nhân nữ trẻ tuổi (28-34 tuổi, n=140) với lớn tuổi (35-48 tuổi, n=90). Kết quả cho thấy tỉ lệ noãn chọc hút, tỉ lệ thụ tinh 2PN, phôi giai đoạn phân chia, tỉ lệ phôi hữu dụng ở nhóm lớn tuổi thấp hơn đáng kể so với nhóm trẻ tuổi (p< 0,05), còn tỉ lệ phôi tốt thì không khác biệt. Có 14 chất chuyển hoá trong FF khác nhau về nồng độ giữa những phụ nữ có độ tuổi khác nhau, trong đó có 8 chất chuyển hoá lipid, còn lại là các chất trong các quá trình chuyển hoá vitamin, pyrimidine, aromatic nhân, axit nucleic, mineralocorticoid. Khi phân tích so sánh chuyên sâu về các chất chuyển hoá lipid thì thấy độ tuổi tăng liên quan đến điều hoà tăng nồng độ của arachidonate, LysoPC (16:1), LysoPC (20: 4) và LysoPC (20: 3); trong khi giảm nồng độ của LysoPC (18:3) và LysoPC (18:1) [8].
 
- Béo phì thừa cân
Béo phì gây ra những tác động xấu đến sự cân bằng nội môi trao đổi chất của các tế bào trong các mô khác nhau, nhưng nó ảnh hưởng như thế nào đến sự trao đổi chất của noãn thì vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Các nghiên cứu trước đây chứng minh rằng các gen của mẫu FF điều chỉnh stress oxy hóa, chuyển hóa lipid và viêm nhiễm được biểu hiện nhiều ở phụ nữ béo phì. Tuy nhiên, tác động trao đổi chất của các biến thể di truyền này không rõ ràng.
 
Jingyan Song và cộng sự (2020), đã tiến hành đánh giá các chất chuyển hóa trong 160 mẫu FF ở phụ nữ nhẹ cân (n=40), cân nặng bình thường (n=40), thừa cân (n=40) và béo phì (n=40) đang điều trị TTTON. Các mẫu FF được phân tích sử dụng sắc ký lỏng siêu hiệu suất khối phổ phân giải cao. Kết quả ghi nhận 16 chất chuyển hóa trong FF có nồng độ khác biệt giữa 4 nhóm đã được xác định. Sự gia tăng chỉ số BMI có liên quan đến sự tăng nồng độ của 5 chất chuyển hóa là ganoderiol H, LPI (18: 3), sedoheptulose 1,7-bisphosphate, austalide L và 2 - [hydroxyl (3-hydroxy-4- methoxyphenylmethylidene) amino] axit axetic; và điều hòa giảm nồng độ 5 chất chuyển hóa là 1-phenyl-1,3- elcosanedione, retinol axetat, p-Cresol sulfat, setariol và arachidonyl carnitine. Những chất chuyển hóa này được làm tổng hợp trong các con đường chuyển hóa khác nhau của quá trình chuyển hóa retinol và chuyển hóa axit béo. Sự khác biệt nồng độ của các chất chuyển hóa này liên quan đến béo phì cung cấp cơ chế bệnh sinh giải thích sự suy giảm phát triển noãn trong giai đoạn phụ nữ bị béo phì. Những kết quả này cho thấy rằng béo phì ảnh hưởng đến môi trường nang noãn trước khi mang thai, vì thế cần các can thiệp lối sống để giảm mức độ béo phì [9].
 
7.      Kết luận
Nồng độ một số thành phần (như protein, cytokine, yếu tố tăng trưởng, miRNA) và chất chuyển hoá của FF có thể cung cấp các dấu ấn sinh học tiềm năng cho chất lượng của noãn và phôi, có thể được áp dụng như một phương pháp đánh giá bổ sung trong điều trị TTTON. Một số bệnh lý gây vô sinh (lạc nội mạc tử cung, PCOS), độ tuổi của phụ nữ và béo phì sẽ tác động thay đổi nồng độ thành phần các chất cũng như hoạt động chuyển hoá trao đổi chất trong dịch nang; do đó làm ảnh hưởng chất lượng noãn, phôi và kết quả điều trị TTTON. Vì thế, bệnh nhân điều trị TTTON cần tiến hành điều trị sớm khi còn trẻ tuổi, các can thiệp lối sống để giảm mức độ béo phì.
 
Tài liệu tham khảo
[1]      M. G. Da Broi, V. S. I. Giorgi, F. Wang, D. L. Keefe, D. Albertini, and P. A. Navarro, “Influence of follicular fluid and cumulus cells on oocyte quality: Clinical implications,” J. Assist. Reprod. Genet., vol. 35, no. 5, pp. 735–751, 2018.
[2]      F. Chen, C. Spiessens, T. D. Hooghe, K. Peeraer, and S. Carpentier, “Follicular fluid biomarkers for human in vitro fertilization outcome : Proof of principle,” Proteome Sci., pp. 1–11, 2016.
[3]      D. A. Dumesic, D. R. Meldrum, M. G. Katz-Jaffe, R. L. Krisher, and W. B. Schoolcraft, “Oocyte environment: Follicular fluid and cumulus cells are critical for oocyte health,” Fertil. Steril., vol. 103, no. 2, pp. 303–316, 2015.
[4]      Y. T. Wu et al., “High bone morphogenetic protein-15 level in follicular fluid is associated with high quality oocyte and subsequent embryonic development,” Hum. Reprod., vol. 22, no. 6, pp. 1526–1531, 2007.
[5]      A. O’Gorman et al., “Metabolic profiling of human follicular fluid identifies potential biomarkers of oocyte developmental competence,” Reproduction, vol. 146, no. 4, pp. 389–395, 2013.
[6]      Y. Zhang et al., “Resolvin E1 in Follicular Fluid Acts as a Potential Biomarker and Improves Oocyte Developmental Competence by Optimizing Cumulus Cells,” Front. Endocrinol. (Lausanne)., vol. 11, no. April, pp. 1–12, 2020.
[7]      J. M. Moreno et al., “Follicular fluid and mural granulosa cells microRNA profiles vary in in vitro fertilization patients depending on their age and oocyte maturation stage,” Fertil. Steril., vol. 104, no. 4, pp. 1037-1046.e1, 2015.
[8]      X. Zhang, T. Wang, J. Song, J. Deng, and Z. Sun, “Study on follicular fluid metabolomics components at different ages based on lipid metabolism,” Reprod. Biol. Endocrinol., vol. 18, no. 1, pp. 1–8, 2020.
[9]      J. Song, S. Xiang, C. Pang, J. Guo, and Z. Sun, “Metabolomic alternations of follicular fluid of obese women undergoing in-vitro fertilization treatment,” Sci. Rep., vol. 10, no. 1, pp. 1–12, 2020.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Định nghĩa về IVM - Ngày đăng: 17-06-2022
Tổng quan về đông khô - Ngày đăng: 06-01-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật ngày 9 . 6 . 2024

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK