Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 14-12-2020 1:25pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CTV Nguyễn Vĩnh Xuân Phương

Vô sinh là một vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, ảnh hưởng đến 15% các cặp đôi ở độ tuổi sinh sản. Các yếu tố từ nam giới, bao gồm chất lượng tinh dịch giảm, là nguyên nhân gây vô sinh trong khoảng 25% trường hợp. Chế độ ăn, thành phần bữa ăn và chất dinh dưỡng đã từng được nghiên cứu là các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chức năng tinh trùng và/hoặc khả năng sinh sản.

Các tổng quan hệ thống trước đây chỉ bao gồm một vài thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, chất lượng thấp, không nhất quán, được thực hiện trên một cỡ mẫu nhỏ và khảo sát ảnh hưởng lên vô sinh nam của một số chất dinh dưỡng đặc biệt và các chất dinh dưỡng bổ sung. Tuy nhiên, vẫn chưa có tổng quan hệ thống trên các nghiên cứu quan sát được thực hiện.

Một tổng quan hệ thống toàn diện đã được thực hiện trên các bài báo được xuất bản từ những năm đầu tiên xuất hiện chỉ số trích dẫn online đến tháng 11/2016, theo hướng dẫn của Preferred Reporting Items dành cho Tổng quan Hệ thống và Phân tích gộp. Salas-Huetos và cộng sự đã tìm kiếm các nghiên cứu cắt ngang, bệnh chứng, tiến cứu và hồi cứu có định nghĩa vô sinh nam rõ ràng (bất thường tinh trùng, tổn thương DNA tinh trùng, giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc vô sinh nguyên phát). Các kết cục chính là chất lượng tinh dịch hoặc khả năng thụ thai. Với các dữ liệu tìm được, các nhà nghiên cứu đánh giá và cho điểm chất lượng các nghiên cứu được chọn, đồng thời loại trừ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, nghiên cứu trên động vật, các bài báo tổng quan và các nghiên cứu kém chất lượng.
  
Kết quả: Trong tổng số 1944 bài báo được xác định, 35 bài được chọn cho phân tích chất lượng. Nhìn chung, kết quả cho thấy những bữa ăn đủ chất giàu chất dinh dưỡng như axit béo omega-3, một số chất chống oxi hóa (vitamin E, vitamin C, β-carotene, selenium, kẽm, cryptoxanthin và lycopene), các vitamin khác (vitamin D và folate) và ít axit béo bão hòa và axit chuyển hóa mỡ thì có liên quan nghịch với các thông số chất lượng tinh dịch thấp. Cá, sò và hải sản, gia cầm, ngũ cốc, rau và trái cây, sữa ít chất béo đều có liên quan tích cực đến nhiều thông số chất lượng tinh trùng. Tuy nhiên, bữa ăn giàu thịt chế biến, thức ăn từ đậu nành, khoai tây, sản phẩm nhiều mỡ và toàn mỡ, phô mai, cà phê, rượu, đồ uống chứa đường tạo ngọt và kẹo có liên quan bất lợi với chất lượng tinh dịch trong vài nghiên cứu. Về khả năng thụ thai, việc sử dụng một lượng lớn rượu, caffeine, thịt đỏ và thịt chế biến có ảnh hưởng tiêu cực lên cơ hội có thai hoặc khả năng sinh sản của người bạn tình.

Thường xuyên ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng có thể cải thiện chất lượng tinh dịch và khả năng thụ thai. Vì nghiên cứu quan sát có thể cho thấy những mối liên quan nhưng không phải là mối liên hệ nhân quả, kết quả của tổng quan hiện tại cần được xác định lại với các nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu và đặc biệt là với các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có thiết kế tốt.

Nguồn: Salas-Huetos, A., Bulló, M., & Salas-Salvadó, J. (2017). Dietary patterns, foods and nutrients in male fertility parameters and fecundability: a systematic review of observational studies. Human reproduction update23(4), 371–389. https://doi.org/10.1093/humupd/dmx006.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK