Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 09-12-2020 4:25pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Võ Minh Tuấn - IVFMD Tân Bình
 
Theo Jungwirth và cộng sự (2012) tình trạng vô sinh ước tính ảnh hưởng đến khoảng 15% các cặp vợ chồng trên toàn cầu. Về phương diện lâm sàng, vô sinh do yếu tố nam được xác định dựa trên kết quả tinh dịch đồ theo chuẩn WHO (2010). Một phân tích gộp gần đây cho thấy nồng độ và tổng số tinh trùng ở nam giới tại các nước phát triển đã giảm 50% trong 40 năm qua. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về khả năng sinh sản của nam giới giảm dần theo thời gian (Levine và cộng sự, 2017). Do đó, việc xác định các dấu ấn sinh học (Biomarkers) chính xác có thể dự đoán khả năng sinh sản nam giới và giúp nâng cao khả năng chẩn đoán lâm sàng.
 
Các nghiên cứu về đặc điểm của DNA ty thể (mitochondrial DNA – mtDNA) ở tinh trùng cho đến nay đã cung cấp thông tin nhằm đánh giá các mối liên quan giữa số bản sao mtDNA (mtDNAcn) và các mtDNA bị xóa bỏ (mtDNAdel) ở các cặp vợ chồng vô sinh. Ty thể tham gia vào một loạt các phản ứng chức năng, chủ yếu là sản xuất ATP thông qua phản ứng phosphoryl hóa và chuỗi truyền điện tử (ETC). Điều quan trọng là mtDNA rất dễ bị sai hỏng và rối loạn chức năng do cơ chế sửa chữa không có hiệu quả cao (Phillips và cộng sự, 2014). MtDNAcn và mtDNAdel đã được sử dụng như dấu ấn sinh học nhằm đánh giá chức năng ty thể trong ung thư, tế bào thần kinh và trong quá trình lão hóa (Coskun và cộng sự, 2010). Ty thể tạo thành các vòng xoắn chặt chẽ ở phần cổ tinh trùng trong quá trình sinh tinh góp phần vào khả năng di động của tinh trùng. Wu và cộng sự (2019) cho rằng tinh trùng có mtDNAcn và mtDNA del cao có liên quan đến tỷ lệ thụ tinh thấp và những biomarkers này cung cấp khả năng chính xác cao về sự thụ tinh có liên quan đến tuổi và các thông số tinh dịch đồ. mtDNAcn và mtDNAdel tăng cao cho thấy chất lượng tinh trùng giảm do ảnh hưởng của stress oxy hóa, quá trình apoptosis hoặc quá trình sinh tinh bất thường. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào kiểm tra mối liên hệ của các biomarkers này và tỷ lệ thụ thai cũng như thời gian mang thai của các cặp vợ chồng mong con. Vì vậy, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu để kiểm tra mối liên quan giữa mtDNAcn và mtDNAdel với thời gian mang thai, cũng như khẳng định vai trò của nó như một biomarkers trên các cặp vợ chồng mong con trong dân số chung từ 16 bang tại Hoa Kỳ trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009.
 
mtDNAcn và mtDNAdel của tinh trùng từ 384 mẫu tinh dịch được đánh giá thông qua phương pháp PCR định lượng (q-PCR) dựa trên đầu dò triplex. Xác suất mang thai lâm sàng trong vòng 1 năm phân tích tương quan với mtDNA. Các mô hình tuyến tính được sử dụng để đánh giá mối liên quan giữa thời gian mang thai và mtDNA.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy tinh trùng có mtDNAcn cao cho khả năng thụ thai thấp hơn trong vòng 12 tháng và thời gian có thai lâu hơn. Trong mô hình này, nhóm bệnh nhân ở Q4 có xác suất thụ thai là 63,5% so với 82,3% ở nhóm Q1 (P = 0,002). Các kết quả tương tự về mtDNAcn cũng được quan sát trong phân tích mô hình sự kiện. Ngược lại, tinh trùng có mtDNadel cao không liên quan đến khả năng sinh sản. 
 
Như vậy, mtDNAcn của tinh trùng có liên quan chặt chẽ đến việc giảm khả năng sinh sản ở các cặp vợ chồng đang cố gắng có thai tự nhiên. Ngược lại mtDNAdel lại không có vai trò dự đoán khả năng sinh sản. Như vậy nghiên cứu này vẫn đang giới hạn trong quần thể lâm sàng của các cặp vợ chồng mong con. Mặc dù kích thước mẫu nhỏ nhưng nghiên cứu đã cung cấp thông tin mới về dấu ấn sinh học của mtDNA như là một yếu tố tiên đoán về khả năng sinh sản. Kết quả nghiên cứu cũng gợi ý rằng mtDNAcn của tinh trùng có thể là biomarker cho việc đánh giá chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản ở nam giới. Cần thêm nhiều nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn để làm rõ liệu mtDNAcn có thể trở thành một biomarker mới trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản hay không.
 
Tài liệu tham khảo: Allyson J Rosati, Brian W Whitcomb, Nicole Brandon, Germaine M Buck Louis, Sunni L Mumford, Enrique F Schisterman, J Richard Pilsner, Sperm mitochondrial DNA biomarkers and couple fecundity, Human Reproduction, Volume 35, Issue 11, November 2020, Pages 2619–2625, https://doi.org/10.1093/humrep/deaa191
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK