Tin tức
on Wednesday 09-12-2020 4:04pm
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Võ Minh Tuấn - IVFMD Tân Bình
Kỹ thuật nuôi trưởng thành noãn non trong ống nghiệm (IVM) là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (HTSS) thân thiện với bệnh nhân và tiết kiệm chi phí. Kỹ thuật này sử dụng liều thấp gonadotropin vì vậy có thể làm giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến đáp ứng buồng trứng cao như hội chứng quá kích buồng trứng hoặc xoắn buồng trứng. Vì tỷ lệ thành công sau IVM có tương quan với số lượng nang thứ cấp nên IVM thường chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS). Mặc dù hiệu quả của IVM thấp hơn so với các phương pháp kích thích buồng trứng thông thường (Ovarian stimulation – OS), tỷ lệ trẻ sinh sống của mỗi chu kỳ cũng đã dần được cải thiện lên 40% hoặc cao hơn ở những trung tâm chuyên sâu (Ho và cộng sự, 2019). Tuy vậy, kỹ thuật IVM vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, chỉ một số trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới thực hiện kỹ thuật IVM thường quy cho một số đối tượng bệnh nhân nhất định. Các mối lo ngại hiện tại về IVM xoay quanh vấn đề hiệu quả điều trị chưa tốt bằng các phương pháp OS thông thường cũng như việc noãn từ IVM có thể tác động đến quá trình in dấu di truyền hay có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này (Harper và cộng sự, 2012). Các nghiên cứu gần đây về các chỉ số sức khỏe của trẻ sơ sinh cho thấy tỷ lệ sẩy thai của IVM dao động từ khoảng 20 – 35% (Choi và cộng sự, 2012; Lim và cộng sự, 2009). Kết quả phân tích dưới kính hiển vi huỳnh quang cho thấy noãn thu nhận từ IVM bị ảnh hưởng không tốt trên cấu trúc của thoi vô sắc và nhiễm sắc thể của noãn (Li và cộng sự, 2006). Mặc dù một số nghiên cứu báo cáo rằng tỉ lệ sẩy thai ở IVM của những trường hợp PCOS tương đương với OS nhưng chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn vì hạn chế của các nghiên cứu cỡ mẫu nhỏ. Hơn nữa, đa số các nghiên cứu hiện nay đều sử dụng phác đồ hCG-IVM, điều này có thể làm ảnh hưởng đến tỷ lệ phôi làm tổ. Mới đây, Mackens và cộng sự (2020) đã tiến hành một nghiên cứu nhằm so sánh tỷ lệ sẩy thai sớm (Early pregnancy loss – EPL) khi áp dụng kỹ thuật non-hCG IVM so với OS thông thường ở các đối tượng PCOS.
Đây là một nghiên cứu hồi cứu trên 800 bệnh nhân từ 18 đến 37 tuổi có hội chứng PCOS, bệnh nhân được chia làm hai nhóm: Nhóm IVM (n=329) được điều trị bằng phác đồ non-hCG, nhóm OS (n=471) sử dụng FSH tái tổ hợp hoặc HP-hMG trong phác đồ GnRH đồng vận hoặc đối vận. Tất cả các bệnh nhân sẽ được chuyển phôi tươi hoặc phôi trữ ngày 3 đối với nhóm IVM, ngày 3 hoặc ngày 5 đối với nhóm OS. Kết quả chính trong nghiên cứu này là tỉ lệ sẩy thai sớm, được định nghĩa là sẩy thai tự nhiên dưới 10 tuần tuổi.
Về đặc điểm nền của bệnh nhân ở hai nhóm, nhóm IVM trẻ hơn (28,6 ± 3,4 so với 29,3 ± 3,6 tuổi, P = 0,005) và có nồng độ AMH cao hơn (11,5 ± 8,1 ng/ml so với 7,2 ± 4,1 ng/ml, P < 0,001) so với nhóm OS. Ở các chu kỳ chuyển phôi tươi, tỉ lệ EPL của nhóm IVM cao hơn đáng kể so với nhóm OS (28% so với 17,6%, P = 0,003). Ở các trường hợp chuyển phôi trữ, tỉ lệ EPL ở hai nhóm tương đương nhau (30,4% so với 36,1%, P = 0,24). Trong kết quả phân tích hồi quy đa biến ở các chu kỳ chuyển phôi tươi, IVM là yếu tố độc lập duy nhất có liên quan đáng kể với tỷ lệ EPL. Mặt khác, khi áp dụng cùng mô hình điều trị cho các chu kỳ chuyển phôi trữ, mô hình IVM hoặc OS đều không có mối liên quan với tỷ lệ EPL.
Tóm lại, trường hợp mang thai từ IVM dường như có nguy cơ sẩy thai sớm cao hơn so với các kỹ thuật kích thích buồng trứng khác trong các chu kỳ chuyển phôi tươi. Sự khác biệt này không được ghi nhận trong các chu kỳ chuyển phôi trữ. Nguy cơ tăng tỷ lệ sẩy thai sớm sau khi chuyển phôi tươi ở nhóm IVM có thể là do nội mạc tử cung phát triển không đầy đủ. Vì vậy chiến lược chuyển phôi trữ ở các chu kỳ IVM có thể hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ sẩy thai sớm so với chuyển phôi tươi. Các nghiên cứu trong tương lai nhằm xác định nguyên nhân của vấn đề này là vô cùng cần thiết để cung cấp thêm thông tin cho bệnh nhân và đưa ra được chiến lược phù hợp hơn trong điều trị lâm sàng.
Nguồn: Mackens, S., Mostinckx, L., Drakopoulos, P., Segers, I., Santos-Ribeiro, S., Popovic-Todorovic, B., ... & De Vos, M. (2020). Early pregnancy loss in patients with polycystic ovary syndrome after IVM versus standard ovarian stimulation for IVF/ICSI. Human Reproduction.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Tổng quan về khả năng di động của tinh trùng - Ngày đăng: 09-12-2020
Kết cục sinh sản cao hơn khi chuyển phôi tươi so với phôi trữ ở các bệnh nhân sử dụng noãn hiến tặng - Ngày đăng: 09-12-2020
Lạc nội mạc tử cung có ảnh hưởng đến chất lượng và sự phát triển của phôi hay không? - Ngày đăng: 09-12-2020
Ảnh hưởng của số lượng phôi bào ngày 3 đến kết quả thai trong chu kì chuyển đơn phôi nang đông lạnh - Ngày đăng: 26-03-2021
Lạc nội mạc tử cung không ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh sống trong các chu kỳ chuyển phôi trữ phôi nang nguyên bội - Ngày đăng: 07-12-2020
Bảo tồn sinh sản nam giới khi bị ung thư - Ngày đăng: 07-12-2020
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản - Ngày đăng: 07-12-2020
Cần sa và khả năng sinh sản ở nam giới: một tổng quan hệ thống - Ngày đăng: 01-12-2020
Nhận thức của bệnh nhân vô sinh về ảnh hưởng của cần sa lên khả năng sinh sản - Ngày đăng: 01-12-2020
Methyl hóa DNA – marker của tiền sử tiếp xúc với khói thuốc lá trước khi sinh ở người trưởng thành - Ngày đăng: 01-12-2020
Phôi người có cơ chế tự sửa sai hay không? - Ngày đăng: 01-12-2020
Ứ mật trong gan thai kỳ - Ngày đăng: 01-12-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Năm 2020
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK