Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 01-07-2020 11:32am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFAS
 
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí đe dọa đến tính mạng. Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mãn tính. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số. Viêm gan B có thể lây truyền qua các đường như lây qua đường máu và và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus, đường tình dục, đường mẹ sang con.


 
Trong điều trị hiếm muộn, chọc hút qua vỏ buồng trứng để thu nhận noãn có thể gây ra một số tổn thương lên mạch máu, gia tăng nguy cơ nhiễm bẩn noãn; kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn bỏ qua quá trình chọn lọc tự nhiên và sự tương tác giữa tinh trùng và noãn; và các kỹ thuật khác trong thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) làm dấy lên một số quan ngại là có thể lây truyền virus từ mẹ sang con. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của những cặp vợ chồng mắc bệnh viêm gan B.
 
Một nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc nhằm xác định việc điều trị hiếm muộn có làm lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con so với có thai tự nhiên hay không. Đây là nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu, thu nhận dữ liệu từ 305 trẻ trong đó có 176 trẻ từ thụ tinh trong ống nghiệm và 129 trẻ từ thai tự nhiên. 
 
Kết quả: Có 7,5% trẻ (23/305) xét nghiệm dương tính với HBsAg lúc chào đời. Tỉ lệ trẻ dương tính với HBsAg không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa trẻ sinh từ TTTON (6,3% [11/176]) và trẻ sinh từ thai tự nhiên (9,3% [12/129]). Tất cả những trẻ dương tính với HBsAg lúc sinh ra được theo dõi đến 9-15 tháng thì các trẻ đều có kết quả âm tính.
 
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc nhiễm HBV có ảnh hưởng xấu đến khả năng vận động và chất lượng của tinh trùng. Khi những tinh trùng này được tiêm vào noãn, có thể dẫn đến việc phôi bị phơi nhiễm HBV, tuy nhiên virus này đồng thời có thể gây ra những tác động xấu đến sự phát triển của phôi. Do đó, những phôi đã nhiễm không thể tiếp tục phát triển hoặc không thể làm tổ do đó không tạo thành bào thai.
 
Kết quả nghiên cứu này cho thấy hỗ trợ sinh sản không làm gia tăng nguy cơ lây truyền HBV từ người mẹ sang con khi so sánh với có những trường hợp trẻ sinh ra từ thai tự nhiên.
 
Nguồn: Nie R, Wang M, Liao T, Qian K, Zhu G & Jin L (2019). Assisted conception does not increase the risk for mother-to-child transmission of hepatitis B virus, compared with natural conception: a prospective cohort study. Fertility and Sterility111(2), 348-356.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Béo phì và sức khỏe sinh sản - Ngày đăng: 23-06-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK