Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 23-06-2020 3:49pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
                                                                    Lê Thị Tuyết Ngân, Võ Văn Cường - IVFMD FAMILY

Giới thiệu

Tỉ lệ béo phì đang tăng dần trên thế giới, tại Hoa Kì gần 2/3 nữ giới và 3/4 nam giới bị thừa cân và béo phì. Tần suất hiện mắc của thừa cân và béo phì ở Úc lần lượt là 30% và 22%. Trong khi đó tại Việt Nam, tỉ lệ thừa cân hiện tại là 7,7%. Trong quần thể chung, chỉ số BMI (body mass index) tương quan thuận với phần trăm mỡ trong cơ thể, mặc dù sự liên quan này có thể thay đổi tùy thuộc vào giới tính, tuổi và chủng tộc. Một số quốc gia châu Á có tỉ lệ mỡ cơ thể nhiều hơn chủng tộc người da trắng, vậy nên có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và đái tháo đường mặc dù BMI trong khoảng từ 23-25 kg/m2. Bên cạnh đó, béo phì cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ, và cả những biến chứng liên quan thai kì và thế hệ sau.

Chẩn đoán thừa cân béo phì

Phân loại chẩn đoán thừa cân béo phì theo Tổ chức y tế thế giới 2004:

Phân loại BMI (kg/m2)
Nhẹ cân < 18,5
Bình thường 18,5-24,9
Thừa cân 25-29,9
Béo phì độ I 30-34,9
Béo phì độ II 35-39,9
Béo phì độ III ≥ 40
 
Rối loạn chu kì kinh nguyệt

Phụ nữ thừa cân tăng nguy cơ rối loạn kinh nguyệt, và khả năng có thai thấp hơn (66,5%) so với phụ nữ có cân nặng bình thường (81,4%) sau 1 năm không dùng biện pháp tránh thai. 

Rối loạn phóng noãn

Phụ nữ với chỉ số BMI > 27 kg/m2 tăng nguy cơ vô sinh do không phóng noãn lên 3,1 lần so với phụ nữ có chỉ số BMI từ 20-24,9 kg/m2. Sự phân bố mỡ cũng ảnh hưởng quan trọng đến sự phóng noãn, phụ nữ với vòng eo lớn hơn và mỡ bụng nhiều hơn thì tỉ lệ không phóng noãn cao hơn so với phụ nữ có cùng chỉ số BMI. Và do đó, ở những trường hợp béo phì có rối loạn phóng noãn, tỉ lệ mang thai được cải thiện sau khi giảm cân.

Ảnh hưởng đến kết quả điều trị hiếm muộn

Liều lượng thuốc dùng trong hỗ trợ sinh sản thường phải cao hơn ở phụ nữ thừa cân và béo phì. Trong trường hợp gây phóng noãn, béo phì gây giảm tỉ lệ phóng noãn cả khi dùng thuốc uống và thuốc tiêm. Khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, béo phì gây giảm đáp ứng với thuốc, gia tăng thời gian kích thích buồng trứng, lượng thuốc dùng, nguy cơ hủy chu kì, giảm số lượng nang trứng chọc hút được. Một tổng quan hệ thống cho thấy phụ nữ với BMI > 25 kg/m2 khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn 10% so với phụ có cân nặng bình thường. Bên cạnh đó, một nghiên cứu đoàn hệ chỉ ra rằng cứ tăng một đơn vị BMI, sẽ làm giảm tỉ lệ trẻ sinh sống khi thực hiện IVF xuống 2%.

Biến đổi chức năng của nội mạc tử cung

Béo phì làm biến đổi sự tiếp nhận của nội mạc tử cung trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Một nghiên cứu cho thấy những trường hợp mang thai hộ với BMI > 35 kg/m2 có tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn so với người mang thai hộ có BMI < 35 kg/m2 (25% so với 49%). Phụ nữ béo phì cũng có sự biểu hiện gen ở nội mạc tử cung khác so với phụ nữ có cân nặng bình thường, sự khác biệt này thường thấy ở nhóm phụ nữ vô sinh.

Sẩy thai

Béo phì là yếu tố nguy cơ gây tăng tỉ lệ sẩy thai, một nghiên cứu hồi cứu trên 2660 cặp vợ chồng thực hiện IVF cho thấy phụ nữ béo phì có tỉ lệ sẩy thai cao gấp 1,69 lần, và tỉ lệ trẻ sinh sống chỉ bằng 0,75 lần phụ nữ có cân nặng bình thường.

Môi trường mẹ-thai

Mẹ béo phì khi mang thai liên quan đến nhiều biến chứng như đái tháo đường thai kì, tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non, thai lưu, mổ lấy thai, sinh hỗ trợ, sinh khó do vai, tử vong sơ sinh, ngạt sơ sinh. Bên cạnh đó, mẹ béo phì tăng nguy cơ trẻ mắc một số dị tật như khuyết tật ống thần kinh, di tật tim, sứt môi, hở hàm ếch, hẹp hậu môn trực tràng, não úng thủy, bất thường chi. Những bất thường trên của thai nhi liên quan đến rối loạn chuyển hóa của mẹ, và cũng làm gia tăng tỉ lệ béo phì ở thế hệ sau.

Ảnh hưởng của béo phì lên sức khỏe sinh sản nam giới

Béo phì ở nam giới làm giảm chất lượng tinh trùng, gây rối loạn chức năng cương, và những vấn đề sức khỏe khác như ngưng thở khi ngủ, tăng nhiệt độ vùng bìu. Trong một số nghiên cứu, tỉ lệ thiểu tinh và nhược tinh nhiều hơn ở nam giới bị béo phì. Bên cạnh đó, ở những cặp vợ chồng hiếm muộn, nam giới có gia tăng mỡ vùng bụng liên quan với giảm số lượng, mật độ và độ di động của tinh trùng. Insulin ở nam giới béo phì ức chế sự hoạt động của protein SHGB, do đó gia tăng nồng độ sinh khả dụng của androgen để sản xuất estrogen với sự hiện diện của enzyme aromatase mô mỡ, do đó làm giảm tiết gonadotropin. Vì vậy, nam giới béo phì có nồng độ testosterone toàn phần và sinh khả dụng giảm so với nam giới có cân nặng bình thường. Bên cạnh đó, vùng bìu của nam giới béo phì tiếp xúc với mô xung quanh nhiều hơn nam giới không bị béo phì, vì vậy, nhiệt độ vùng bìu cao hơn ở nhóm nam béo phì, và có thể gây hại đến tinh trùng.
 
Kết luận

Thừa cân và béo phì không chỉ liên quan đến một số bệnh lý chuyển hóa mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ. Những biểu hiện như rối loạn kinh nguyệt, rối loạn phóng noãn, sẩy thai, làm biến đổi nội mạc tử cung cũng như ảnh hưởng không tốt đến kết quả điều trị hỗ trợ sinh sản làm cho phụ nữ thừa cân béo phì gặp nhiều khó khăn để mang thai và khi mang thai. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ bố mẹ mà còn ảnh hưởng đến thế hệ sau ở những trường hợp có mẹ bị béo phì khi mang thai. Bên cạnh đó, thừa cân và béo phì ở nam giới cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thông qua ảnh hưởng xấu đến nhiều chỉ số của tinh dịch đồ.

Lược dịch theo “Obesity and reproduction: a committee opinion. Fertility and Sterility, vol 104 no.5, 2015”.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK