Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 18-05-2020 9:13am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận.

Từ tuổi 35, khả năng sinh sản của nữ giới bắt đầu suy giảm do giảm dự trữ buồng trứng, tăng nguy cơ sẩy thai vì tăng tỉ lệ noãn và phôi lệch bội. Kích thích buồng trứng trong IVF giúp tăng số lượng noãn thu nhận từ đó giúp tăng cơ hội có phôi nguyên bội cho bệnh nhân. Tuy nhiên, kích thích và thu nhận một số lượng noãn quá lớn có thể làm tăng các nguy cơ như quá kích buồng trứng, xoắn buồng trứng… Một số nghiên cứu cho thấy đáp ứng buồng trứng cao, sử dụng gonadotropin ngoại sinh cũng như nồng độ Estradiol cao tác động xấu đến phôi, gia tăng nguy cơ lệch bội. Vì vậy M. Irani và cộng sự thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của kích thích buồng trứng lên tỉ lệ phôi nguyên bội cũng như tỉ lệ trẻ sinh sống sau chuyển phôi nguyên bội từ đó tìm ra phác đồ kích thích buồng trứng tốt nhất cho bệnh nhân.

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên 2230 chu kì IVF/PGT-A từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2017. Phụ nữ tham gia nghiên cứu được chia thành 5 nhóm theo độ tuổi: (1) < 35 tuổi, (2) 35-37 tuổi, (3) 38-40 tuổi, (4) 41-42 tuổi, (5) > 42 tuổi và so sánh các đặc điểm kích thích buồng trứng như thời gian kích thích, tổng liều gonadotropin, số noãn thu nhận được, lượng E2 và kích thước nang noãn lớn nhất vào ngày tiêm mũi rụng trứng giữa các nhóm tuổi này. Phôi nguyên bội được chuyển cho bệnh nhân và sau đó đánh giá tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ sinh sống.

Tổng cộng có 12298 phôi nang được phân tích. Số lượng phôi được sinh thiết, tỉ lệ phôi nguyên bội, số lượng phôi nguyên bội cao nhất ở nhóm bệnh nhân dưới 35 tuổi và giảm dần theo sự gia tăng tuổi tác. Tỉ lệ chu kì không có phôi nguyên bội thấp nhất ở nhóm bệnh nhân < 35 tuổi (5,2%) và cao nhất ở nhóm bệnh nhân >42 tuổi (74%, p < 0,001). Tỉ lệ phôi nguyên bội không có sự khác biệt khi so sánh tổng liều gonadotropin sử dụng, thời gian kích thích, số lượng noãn thu được và nồng độ E2 trong từng nhóm tuổi và giữa các nhóm tuổi. Tỉ lệ sinh sống theo liều gonadotropin dao động trong khoảng 45,4% - 67,3% (p = 0,1); 49% - 59,1% (p = 0,2) và 50%- 69,7% (p = 0,7) tương ứng ở nhóm 1, 3, 5. Không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ sống giữa các nhóm với số lượng noãn thu được, nồng độ E2, thời gian kích thích và kích thước nang lớn nhất vào ngày khởi phát trưởng thành noãn.

Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy tổng liều gonadotropin, thời gian kích thích buồng trứng, kích thước nang lớn nhất vào ngày khởi phát trưởng thành noãn, nồng độ E2, số lượng noãn thu được dường như không ảnh hưởng đến tỉ lệ cũng như khả năng sống của phôi nguyên bội trong các nhóm tuổi.

Nguồn: No effect of ovarian stimulation and oocyte yield on euploidy and live birth rates: an analysis of 12 298 trophectoderm biopsies. Human Reproduction 2020. 10.1093/humrep/deaa028.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK