Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 14-05-2020 10:38am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương
 

Trữ đông tinh trùng là phương pháp lưu trữ tinh trùng lâu dài để bảo tồn khả năng sinh sản của nam giới. Đồng thời, nó cũng là một phương pháp thường quy trong hỗ trợ sinh sản như IUI, IVF và ICSI ở bệnh nhân oligoasthenoteratospermia (OAT), oligospermia và oligoasthenospermia hoặc trường hợp sử dụng thủ thuật thu nhận tinh trùng. Tuy nhiên, quá trình trữ đông có ảnh hưởng bất lợi đối với tinh trùng như sốc nhiệt, hình thành tinh thể đá nội bào, tăng nồng độ muối và đặc biệt là gây stress oxy hóa, dẫn đến giảm chất lượng và khả năng thụ tinh của tinh trùng. Trữ đông có thể gây stress oxy hóa do mất cân bằng giữa sản xuất ROS và tổng chất chống oxy hóa (TAC). Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung vào môi trường trữ đông tinh trùng các chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C, taurine, selenium và glutathione đã cải thiện chất lượng của tinh trùng sau khi rã đông. Myoinositol (MYO) là một chất giống vitamin, được gọi là vitamin B8, có vai trò chống oxy hóa. MYO chủ yếu được sản xuất bởi các tế bào Sertoli, tham gia vào quá trình điều hòa của sự trưởng thành, độ di động và phản ứng acrosome của tinh trùng. Ngoài ra, MYO hoạt hóa phospholipase C, dẫn đến sản xuất InsP3 và mở các kênh canxi. Do đó, MYO gây ra sự gia tăng nồng độ canxi tế bào và do đó làm tăng Ca2+ của ty thể giúp kích thích cơ chế oxy hóa và sản xuất ATP, cải thiện chức năng ty thể của tinh trùng, ngăn ngừa apoptosis. Bên cạnh đó, OAT là một trường hợp phổ biến trong vô sinh nam. Sự dao động số lượng tinh trùng ở bệnh nhân OAT dẫn đến khó khăn trong việc thu nhận tinh trùng vào ngày thu nhận noãn. Do đó, trữ đông tinh trùng có thể ngăn ngừa việc lặp đi lặp lại chu kỳ ICSI/IVF và tránh thực hiện thủ thuật thu nhận tinh trùng không cần thiết đối với bệnh nhân OAT. Mặc dù vậy, quy trình này vẫn không đảm bảo, đặc biệt là đối với các mẫu tinh dịch thuộc nhóm OAT nhạy cảm với những tổn thương gây ra bởi quá trình trữ đông. Do đó, những thay đổi về tính chất hóa lý của môi trường trữ đông để cải thiện chất lượng của mẫu OAT được trữ đông là điều cần thiết. Một nghiên cứu trước đây đã cho thấy sự cải thiện các thông số tinh trùng Normozoospermic (hình dạng, độ di động và tính toàn vẹn DNA) sau khi tiếp xúc với MYO trong quá trình trữ đông. Do đó, Mona Abdolsamadi và cộng sự tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của chất chống oxy hóa MYO khi bổ sung vào môi trường trữ đông đến chất lượng tinh trùng, sự phân mảnh DNA tinh trùng, TAC, ROS và sự peroxid hóa lipid sau quá trình trữ đông ở những bệnh nhân OAT.

Các mẫu tinh dịch thu được từ 40 bệnh nhân được chia thành hai phần, một phần trữ đông với môi trường đơn giản và một phần trữ lạnh với môi trường có bổ sung 2 mg/mL MYO. Tất cả các mẫu được rã đông và đánh giá sau một tháng. Các thông số tinh dịch được phân tích bằng hệ thống CASA, nồng độ của ROS được đo bằng phương pháp đo huỳnh quang, TAC và MDA (một sản phẩm của quá trình peroxy hóa lipid gây ra bởi stress oxy hóa) được đo bằng xét nghiệm đo màu và phân mảnh DNA tinh trùng thực hiện bằng xét nghiệm TUNEL.

Kết quả cho thấy, MYO có thể cải thiện độ di động (37,46 so với 12,91, p < 0,001) và độ di động tiến tới (21,92 so với 6,49, p < 0,001) trong nhóm được bổ sung MYO so với nhóm đối chứng. Bên cạnh đó, nồng độ TAC cao hơn trong nhóm được bổ sung MYO so với nhóm đối chứng (1,11 so với 0,91, p = 0,05). Không có sự khác biệt đáng kể về nồng độ ROS nội bào giữa 2 nhóm (p = 0,3). MDA giảm không đáng kể trong các mẫu được xử lý với MYO so với các mẫu đối chứng (p = 0,1). Bên cạnh đó, mẫu có bổ sung MYO vào môi trường trữ đông có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ phân mảnh DNA tinh trùng so với nhóm đối chứng (22,44% so với 29,67%, p = 0,01).

Nghiên cứu cho thấy bổ sung myoinositol vào môi trường trữ đông có tác dụng cải thiện độ di động của tinh trùng và nồng độ TAC. Bên cạnh đó, nó cũng ngăn chặn sự phân mảnh DNA trong quá trình rã đông. Do đó, MYO có thể là một chất bổ sung tốt cho trữ đông tinh trùng ở bệnh nhân OAT để làm giảm tác động bất lợi của quá trình trữ đông, đặc biệt là tính toàn vẹn DNA, một yếu tố quan trọng trong sự thành công của ART.

Nguồn: Mona Abdolsamadi (2019). “Does myoinositol supplement improve sperm parameters and DNA integrity in patients with oligoasthenoteratozoospermia after the freezing– thawing process?”, Cell Tissue Bank, https://doi.org/10.1007/s10561-019-09801-7.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK