Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 08-05-2020 8:47am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Trong hỗ trợ sinh sản, chuyển phôi được xem là bước cuối cùng có ảnh hưởng quan trọng đến kết cục điều trị chính của bệnh nhân. Do đó, hàng loạt các nghiên cứu nhằm cải thiện hiệu quả của chuyển phôi ra đời. Trong đó, việc tìm hiểu về môi trường chuyển phôi được bổ sung protein nồng độ cao đã được Blake và cộng sự (2002) đề cập từ nhiều năm trước. Hiện nay, người ta phần lớn bổ sung huyết thanh người và các chất thương mại khác có cấu trúc tương tự protein như fibrin, axit hyaluronic (HA) vào môi trường chuyển phôi (Simon và cs, 2003). Các chất này có vai trò duy trì áp suất thẩm thấu, ổn định màng tế bào, pH, nồng độ chất độc hại (Meintjes và cs, 2009). Tuy nhiên, việc bổ sung protein, điển hình như albumin huyết thanh trong môi trường chuyển phôi đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về nồng độ tối ưu. Vì vậy, Huang và cộng sự (2015) thực hiện một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên (RCT) với mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của nồng độ protein trong môi trường chuyển phôi đến tỷ lệ làm tổ và kết quả lâm sàng ở các chu kì IVF/ ICSI.



Nghiên cứu tiến hành trên 750 chu kì thụ tinh ống nghiệm từ giữa năm 2012 đến 6/2013. Bệnh nhân được xét vào nghiên cứu khi thỏa các điều kiện: nồng độ FSH 3–12 IU/l; chu kì điều trị ≤ 3; đồng ý chuyển phôi ngày 3; không có bất thường tử cung, đáp ứng buồng trứng tốt, nội tiết bình thường, không mắc các hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), lạc nội mạc tử cung, không có tiền sử thất bại thụ tinh. Sau đó, bệnh nhân được kích thích buồng trứng, thu noãn, IVF/ICSI, đánh giá phôi ngày 3 theo cùng một phác đồ. Trong đó, bệnh nhân được phân bố ngẫu nhiên vào 3 nhóm A, B, C với nồng độ huyết thanh tổng hợp (SSS, Irvine Scientific, CA, USA) thay đổi trong môi trường chuyển phôi lần lượt là 10%, 20%, 50%.

Kết quả thu được như sau:
  • Đặc điểm nền của bệnh nhân giữa các nhóm không có sự khác biệt về mặt thống kê (P>0.05), bao gồm: tuổi trung bình, thời gian vô sinh, số chu kỳ điều trị IVF / ICSI, nồng độ hormone cơ bản, độ dày nội mạc tử cung, tổng liều Gonadotrophin.
  • Tỷ lệ noãn trưởng thành thu nhận, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi tốt ngày 3, số phôi được chuyển đều không có sự khác biệt giữa 3 nhóm nghiên cứu (P>0.05).
  • Tỷ lệ thai lâm sàng (A, B, C lần lượt là 44.61%, 48.79%, 45,49%, P>0.05), tỷ lệ đa thai (A, B, C lần lượt là 24.18%, 28.71%, 25.0%, P>0.05), tỷ lệ làm tổ (A, B, C lần lượt là 28.21%, 30.68%, 29.86%, P>0.05) tương đương ở 3 nhóm. Ngoài ra, tỷ lệ thai ngoài tử cung (A, B, C lần lượt là 2.20%, 1.98%, 2.91%, P>0.05), tỷ lệ trẻ sinh sống (A, B, C lần lượt là 41.67%, 43.96%, 41.70%, P>0.05) cũng tương tự không có sự khác biệt về mặt thống kê.
Từ nghiên cứu cho thấy, nồng độ SSS trong môi trường chuyển phôi không ảnh hưởng đến kết quả thai lâm sàng, tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ trẻ sinh sống. Nhìn chung, việc bổ sung SSS trong môi trường chuyển phôi không làm ảnh hưởng đến kết cục điều trị của bệnh nhân.

Nguồn: Huang, Jianying & Chen, Hua & Lu, Xiaosheng & Xiaona, Wang & Xi, HaiTao & Zhu, ChunFang & Zhang, Fan & Lv, Jieqiang & Ge, Hongshan. (2015). The effect of protein supplement concentration in embryo transfer medium on clinical outcome of IVF/ICSI cycles: A prospective, randomized clinical trial. Reproductive BioMedicine Online. 32. 10.1016/j.rbmo.2015.10.004.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK