Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 28-04-2020 5:21pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Võ Minh Tuấn - IVFMD Tân Bình
 
Hiện nay, tiêu chuẩn để lựa chọn tinh trùng cho ICSI dựa vào hình thái của tinh trùng. Tinh trùng có hình dạng bình thường được cho là có liên quan với độ nguyên vẹn của DNA tinh trùng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh nhận định này. Một số báo cáo cho rằng đối với những người bị vô sinh, mặc dù tinh trùng có hình dạng bình thường nhưng vẫn có chỉ số phân mảnh DNA cao (Avendano và cs, 2010, 2011). Ngoài ra, chỉ số DNA phân mảnh tinh trùng của những người đàn ông vô sinh có chỉ số tinh dịch đồ bình thường là 30% và 20% – 40% đối với chỉ số tinh dịch đồ bất thường. Tinh trùng có DNA phân mảnh vẫn có thể thụ tinh với noãn, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi trước và sau khi chuyển phôi. Vì vậy, những phương pháp giúp chọn lọc tinh trùng có tính toàn vẹn DNA cao đang được quan tâm. Một số nghiên cứu cho rằng việc kết hợp các kĩ thuật lọc rửa tinh trùng như swim-up, thang nồng độ (DGC) với kĩ thuật chọn lọc tinh trùng dựa trên đặc điểm sinh học phân tử của tinh trùng giúp chọn lọc được tinh trùng có DNA nguyên vẹn cao hơn so với thông thường. Kĩ thuật Zeta potential là kĩ thuật chọn lọc tinh trùng dựa trên điện thế màng của tinh trùng, những tinh trùng có điện thế màng cao là những tinh trùng trưởng thành và có tỉ lệ phân mảnh DNA thấp hơn. Mục đích của nghiên cứu này là so sánh khả năng cải thiện tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ thai lâm sàng khi chuẩn bị tinh trùng bằng kĩ thuật DGC/Zeta và kĩ thuật DGC thông thường.

Phương pháp: Tác giả tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên từ năm 2015 đến năm 2017 trên 205 cặp vợ chồng được chia ngẫu nhiên làm hai nhóm: nhóm sử dụng kĩ thuật DGC/Zeta (nhóm 1, n =103) và nhóm sử dụng kĩ thuật DGC (nhóm 2, n=102). Kết quả điều trị sẽ được theo dõi và tiến hành so sánh giữa hai nhóm.

Kết quả: Mặc dù không có sự khác biệt về tỉ lệ thụ tinh giữa 2 nhóm (64,75% ± 1,67 so với 58,88% ± 1,83, P=0,67), nhóm 1 cho thấy đã cải thiện được một số kết quả sau:
  • Chất lượng phôi ngày 3 của nhóm 1 cao hơn so với nhóm 2 (41,89% ± 2,01 so với 30,65% ± 3,51, P=0,04), ngoài ra chất lượng phôi nang cũng cho kết quả tốt hơn so với nhóm 2 (33,69% ± 1,22 so với 23,86% ± 1,51, P=0,049)
  • Tỉ lệ thai sinh hóa và thai lâm sàng của nhóm 1 lần lượt là 42,47% và 35,03%, trong khi đó tỉ lệ này ở nhóm 2 lần lượt là 21,10% và 20,43%.
Đây là nghiên cứu độc lập thứ hai cho thấy việc kết hợp kĩ thuật thang nồng độ với Zeta potential (DGC/Zeta) có thể thu được tinh trùng trưởng thành với DNA nguyên vẹn và loại bỏ tinh trùng có DNA phân mảnh cao, từ đó giúp cải thiện chất lượng phôi, tỉ lệ thai lâm sàng so với kĩ thuật DGC thông thường.

Nguồn: Karimi, N., Nasr-Esfahani, M. H., Tavalaee, M., Shahverdi, A., & Choobineh, H. (2020). DGC/Zeta as A New Strategy to Improve Clinical Outcome in Male Factor Infertility Patients following Intracytoplasmic Sperm Injection: A Randomized, Single-Blind, Clinical Trial. Cell Journal22(1), 55-59.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK