Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 02-04-2021 9:08am
Viết bởi: Khoa Pham
CN NHS Lê Thị Loan- IVFMD Bệnh viện Mỹ Đức

Hiện nay, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản tại Việt Nam vào khoảng 7,7% (Anh và cs, 2010). Thụ tinh trong ống nghiệm (TTON) là phương pháp hỗ trợ sinh sản được các cặp vợ chồng lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, sau những lần điều trị không thành công, các cặp vợ chồng không chỉ chịu gánh nặng về mặt thời gian, chi phí điều trị mà còn bị áp lực về tinh thần như lo lắng, chán nản và trầm trọng hơn là trầm cảm.

Châm cứu là liệu pháp dựa trên nguyên tắc kinh tuyến và huyệt đạo của Y Học Trung Quốc. Theo học thuyết của Y Học Trung Quốc, bệnh sinh ra là do sự mất cân bằng của khí và huyết trong cơ thể. Do đó, bệnh có thể giảm bằng cách kích thích các huyệt đạo trên cơ thể để tạo nên sự cân bằng khí và huyết. Wahyuningsih Djaali và cs (2019) đã trình bày các cơ chế liên quan đến vai trò của châm cứu lên điều trị TTON. Các giả thuyết được đưa ra bao gồm: tăng lưu lượng máu đến tử cung, cải thiện chất lượng noãn, chất lượng phôi, tăng độ dày nội mạc tử cung giúp tăng tỷ lệ làm tổ. Ngoài ra, còn có tác dụng giảm đau, giảm lo lắng. Bên cạnh đó, châm cứu không dùng thuốc và không có tác dụng phụ. Vì vậy, ngày càng nhiều cặp vợ chồng tìm đến liệu pháp này trong quá trình thực hiện TTON với mong muốn tăng tỷ lệ thành công.

Những năm gầy đây, có nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả lâm sàng của châm cứu trên TTON, tuy còn nhiều tranh cãi do giá trị bằng chứng thấp cũng như có các vấn đề liên quan đến việc báo cáo kết quả và phương pháp nghiên cứu.
Một phân tích tổng hợp được thực hiện bởi El-Toukhy và cs (2008) cho thấy, châm cứu khi chuyển phôi trữ không có sự khác biệt về tỷ lệ thai lâm sàng so với châm cứu “giả”. Nghiên cứu khác của Qian và cs (2017) được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả lâm sàng của các phương pháp châm cứu khác nhau trong nhóm bệnh nhân châu Á và nhóm chứng cho thấy châm cứu điện có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ thai lâm sàng, thai diễn tiến, thai sinh sống. Xie và cs (2018) tiến hành nghiên cứu tổng quan và phân tích gộp bao gồm 27 nghiên cứu (15 nghiên cứu có báo cáo cả tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống, 12 nghiên cứu chỉ báo cáo tỷ lệ thai lâm sàng) với 6116 bệnh nhân. Mục tiêu là đánh giá hiệu quả của châm cứu trên các cặp vợ chồng thực hiện TTON đồng thời phân tích dưới nhóm và hồi quy cũng được sử dụng để đánh giá xem sự khác biệt của bệnh nhân, thiết kế nghiên cứu, phương pháp can thiệp và các yếu tố gây nhiễu có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của châm cứu trên TTON. Kết cục nghiên cứu bao gồm tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống. Kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng ở nhóm châm cứu cao hơn so với nhóm chứng (RR 1,21, khoảng tin cậy 95%: 1,07–1,38), trong khi tỷ lệ trẻ sinh sống thì không có sự khác biệt. Tiến hành phân tích hồi quy dưới nhóm cho thấy châm cứu có lợi ích rõ rệt so với nhóm thực hiện TTON nhiều chu kỳ thất bại (tỷ lệ thai diễn tiến: RR 1.60, khoảng tin cậy 95%: 1.28–2.00; tỷ lệ trẻ sinh sống: RR 1.42, khoảng tin cậy 95%:1.05–1.92) và tương tự với nhóm thực hiện châm cứu nhiều lần (tỷ lệ thai diễn tiến: RR = 1.60, khoảng tin cậy 95%: 1.32-1.92). Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu thiết kế chặt chẽ hơn, có quy mô lớn hơn và phương pháp nghiên cứu tốt hơn để đánh giá chính xác hiệu quả lâm sàng của châm cứu trên bệnh nhân điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.

Tài liệu tham khảo
  1. Anh, B. H., Tien, N. V., & Toan, N. V. (2010). Infertility prevalence and riskfactors in Vietnam. Journal fur Reproduktionsmedizin und Endokrinologie, 7(4), 284.
  2. Wahyuningsih Djaali, Kemas Abdurrohim, and Dwi Rachma Helianthi (2019), Management of Acupuncture as Adjuvant Therapy for In Vitro Fertilization Published online 2019 Dec 13.
  3. Wang X, Lin H, Chen M, Wang J, Jin Y (2018). Effect of acupuncture on in vitro fertilization: An updated systematic review and data mining protocol. Medicine (Baltimore).2018 Jun;97(24): e10998
  4. Xie ZY, Peng ZH, Yao B, Chen L, Mu YY, Cheng J, Li Q, Luo X, Yang PY, Xia YB. The effects of acupuncture on pregnancy outcomes of in vitro fertilization: a systematic review and meta-analysis. BMC Complement Altern Med. 2019 Jun 14;19(1):131.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK