Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 23-03-2020 3:06pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Nguyễn Hữu Duy – IVF Vạn Hạnh
 
Tính độc của các vật tư tiêu hao dùng trong IVF đã được xác nhận trong các báo cáo, và các nghiên cứu gần đây cho thấy chất lượng của các sản phẩm này không ổn định. Nghiên cứu của Nijs và cộng sự (2009) cho thấy có khoảng 8% các vật tư tiêu hao dùng trong nuôi cấy phôi có tính độc đối với phôi. Hiện tại có 2 xét nghiệm chính được dùng trong IVF nhằm đánh giá tính độc đối với phôi của các trang thiết bị, môi trường và vật tư tiêu hao trong IVF. Xét nghiệm thứ nhất (xét nghiệm chính) là xét nghiệm đánh giá phôi chuột (mouse embryo assay – MEA). Xét nghiệm này bao gồm việc nuôi cấy các phôi chuột từ một hoặc 2 tế bào đến giai đoạn phôi nang trong môi trường mà trước đó đã tiếp xúc với vật tư tiêu hao muốn kiểm tra. Tỉ lệ phôi phát triển lên phôi nang được sử dụng làm chỉ số đánh giá độ độc nếu có của sản phẩm. Xét nghiệm thứ hai là đánh giá tỉ lệ sống sót tinh trùng người (human sperm survival assay – HSSA). Xét nghiệm này đo lường sự sống sót (hoặc khả năng vận động) của tinh trùng người sau khi tiếp xúc với vật tư tiêu hao, so sánh nó với những tinh trùng không tiếp xúc trong một khoảng thời gian cụ thể. Kết quả được biểu thị bằng chỉ số di động của tinh trùng (sperm motility index - SMI) được tính bằng tỷ lệ di động của tinh trùng mẫu được xét nghiệm chia cho độ di động của mẫu tinh trùng đối chứng.

Hiện tại trên thế giới chỉ mới có các hướng dẫn về kiểm tra độc tính sản phẩm IVF chứ chưa có quy định bắt buộc kiểm tra độc tính các vật tư tiêu hao đối với các nhà sản xuất trong lĩnh vực IVF. Do đó, không có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được xác định rõ ràng cho các thiết bị IVF nhằm đảm bảo sự an toàn của giao tử, phôi và các em bé sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm. Vì vậy, Delaroche và cộng sự (2019) đã tiến hành nghiên cứu nhằm khám phá phương pháp được sử dụng ở các xét nghiệm MEA và HSSA trong các chương trình kiểm soát chất lượng của các nhà sản xuất vật tư tiêu hao IVF.

Thông qua một cuộc khảo sát dựa trên bảng câu hỏi, các nhà sản xuất chính các vật tư tiêu hao dùng trong IVF đã được liên hệ trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2018 để so sánh phương pháp luận sử dụng cho MEA và HSSA. Thông qua bảng câu hỏi, các nhà sản xuất vật tư tiêu hao trong IVF được hỏi chi tiết về phương pháp thực hiện MEA và HSSA để kiểm tra độc tính của các vật tư tiêu hao họ sản xuất. Các nhà nghiên cứu tập trung vào các vật tư tiêu hao được sử dụng trong các quy trình IVF: dụng cụ chuyển phôi và IUI, cọng rạ trữ phôi, pipet, đĩa nuôi cấy và kim chọc hút noãn. Tất cả các thông số cụ thể như chủng chuột, số lượng phôi được sử dụng, điều kiện nuôi cấy (môi trường, nhiệt độ, không khí), cách lấy mẫu, hợp đồng phụ với các nhà sản xuất khác và các ngưỡng đánh giá được ghi nhận và so sánh giữa các công ty.

Có 11 công ty trong tổng số 21 công ty được liên hệ gửi lại câu trả lời cho bảng câu hỏi khảo sát. Kết quả cho thấy có sự khác biệt đáng kể cũng như sự không đồng nhất trong các phương pháp thực hiện và ngưỡng đánh giá được sử dụng trong MEA và HSSA để kiểm tra độc tính của các vật tư tiêu hao IVF giữa các nhà sản xuất. Đặc biệt, có một số tham số đánh giá khác nhau giữa các nhà sản xuất có thể ảnh hưởng đến độ nhạy của các xét nghiệm.

Như vậy, thông qua kết quả của nghiên cứu, chúng ta có thể thấy được mức độ không đồng nhất cao của các xét nghiệm độc tính phôi được thực hiện bởi các nhà sản xuất khi xác nhận tính an toàn đối với các vật tư tiêu hao của họ. Do đó, cần có các chuyên gia kêu gọi và yêu cầu tiêu chuẩn hóa và mức độ minh bạch cao hơn trong tương lai liên quan đến thử nghiệm độc tính phôi từ các công ty cung ứng; hơn nữa, các công ty nên được khuyến khích cung cấp cho người dùng thông tin rõ ràng và chính xác về kết quả kiểm tra của họ và cách kiểm tra được thực hiện. Trong tương lai gần, cần có các khuyến nghị nhằm cải thiện độ nhạy và độ tái lập của các xét nghiệm độc tính phôi theo thời gian.

Nguồn: L Delaroche, P Oger, E Genauzeau, P Meicler, F Lamazou, C Dupont, P Humaidan, Embryotoxicity testing of IVF disposables: how do manufacturers test?, Human Reproduction, Volume 35, Issue 2, February 2020, Pages 283–292, https://doi.org/10.1093/humrep/dez277.


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK