Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 13-04-2019 4:59pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS Lê Khắc Tiến – BV Mỹ Đức Phú Nhuận

Sau khi sinh bao lâu thì nên tiếp tục chuyển phôi trữ trở lại, nếu chuyển phôi sớm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ tiếp theo? Đây là câu hỏi mà nhiều người thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cũng như các chuyên gia hỗ trợ sinh sản rất thường gặp khi tư vấn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Để trả lời cho câu hỏi trên, tác giả Quinn và cộng sự đã tiến hành một phân tích hồi cứu trên 19.200 trường hợp đơn thai sinh sau chu kỳ chuyển phôi trữ, với số liệu thu thập được từ Hệ thống báo cáo kết cục lâm sàng của Hiệp hội hỗ trợ sinh sản Hoa Kỳ, từ năm 2004 đến năm 2013.



Trong nghiên cứu của mình, tác giả đã lấy số liệu từ 74.456 chu kỳ chuyển phôi trữ tại Hoa Kỳ, chiếm gần 91% số liệu về thụ tinh trong ống nghiệm tại Hoa Kỳ (SART). Kết cục chính là khoảng thời gian giữa 2 lần mang thai (Interpregnancy interval – IPI), được định nghĩa là khoảng thời gian từ sau khi sinh lần đầu tiên đến khi bắt đầu chu kỳ chuyển phôi trữ có kết quả thai sinh sống. IPI được chia thành các khoảng: < 6 tháng, 6 đến < 12 tháng, 12 đến < 18 tháng, 18 đến < 24 tháng và ≥ 12 tháng. Kết cục phụ là cân nặng thai nhi sau chu kỳ chuyển phôi trữ đầu tiên, được định nghĩa là nhẹ cân khi < 2.500 g và rất nhẹ cân khi < 1.500 g. Cân nặng thai nhi sau chu kỳ chuyển phôi được hiệu chỉnh theo các yếu tố tuổi, chỉ số khối cơ thể (BMI) và tiền căn sinh non.

Kết quả cho thấy IPI < 12 tháng chiếm khoảng 19% trong tổng số các chu kỳ. Tỷ số odds hiệu chỉnh (aOR) về sinh non (<37 tuần) tăng lên trong nhóm IPI < 6 tháng (aOR = 2,05, KTC 95% 1,48 – 2,84), 6 đến < 12 tháng (aOR 1,26, KTC 95% 1,06 – 1,49) và 18 đến < 24 tháng (aOR 1,23, KTC 95% 1,06 – 1,43) so với nhóm 12 đến < 18 tháng. Thêm vào đó, IPI < 6 tháng có liên quan đến tăng nguy cơ sinh nhẹ cân (aOR 3,06, KTC 95% 2,07 – 4,52) và rất nhẹ cân (aOR 5,65, KTC 95% 2,96 – 10,84) khi so sánh với nhóm IPI từ 12 đến < 18 tháng.

Với kết quả trên, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận nếu bắt đầu chu kỳ chuyển phôi trữ trong vòng 12 tháng kể từ sau lần sinh gần nhất, odds của sinh non sẽ gia tăng, ngay cả khi thai kỳ tiếp theo là đơn thai. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một số điểm yếu như số liệu được sử dụng là của nhiều trung tâm khác nhau, với nhiều phác đồ chuyển phôi trữ cũng như trữ phôi khác nhau, hơn nữa, các thông số được lưu trữ trong SART, đặc biệt là các thông số về ngày sinh, cân nặng lúc sinh đa phần do sản phụ tự báo cáo. Hơn nữa, thông số liên quan đến phương pháp sinh ở thai kỳ lần trước cũng chưa được đưa vào. Những điểm yếu này có thể ảnh hưởng đến kết quả của nghiên cứu. Mặc dù vậy, với cỡ mẫu lớn, những thông số cũng như kết luận trong nghiên cứu này cũng sẽ là công cụ tư vấn đắc lực cho các chuyên gia hỗ trợ sinh sản cũng như thông tin tham khảo để các cặp vợ chồng hiếm muộn lựa chọn thời điểm chuyển phôi phù hợp sau lần sinh đầu tiên.

Từ khóa: chuyển phôi trữ, đơn thai, sinh non, sinh nhẹ cân.
Nguồn: Quinn, M. M., Rosen, M. P., Allen, I. E., Huddleston, H. G., Cedars, M. I., & Fujimoto, V. Y. (2019). Interpregnancy interval and singleton pregnancy outcomes after frozen embryo transfer. Fertility and Sterility. doi:10.1016/j.fertnstert.2019.02.018
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK