Chữ TÂM trong lòng người nữ đồng nghiệp
Như một sự dẫn dắt của định mệnh diễn ra sau cuộc tập kích ngày 22.6.1970 của bộ binh Mỹ vào Đức Phổ Quảng Ngãi cướp đi sinh mạng người Bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm, những dòng nhật ký của chị đã trở về nhà như một huyền thoại sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ. Nhờ vậy mà hôm nay chúng ta được đọc những dòng tâm tình sâu lắng, đầy nước mắt của chị. Những ghi chép của chị về những ca phẫu thuật ổ bụng, đoạn chi, những ca thương vong, những tình huống cấp cứu, những giờ giảng dậy chuyên môn, những ngẹn ngào trước nỗi đau, những xót thương trước mất mát hy sinh quá lớn của đồng đội, đồng bào trong chiến tranh, những tâm sự đau buồn thầm kín của người con gái xa gia đình ngưòi thân.. nhiều nhiều nữa được chị viết ra chân thực và sống động giúp cho ta hình dung phần nào công việc và hoàn cảnh chị gánh vác, chịu đựng, đầy gian lao nguy hiểm biết chừng nào, và, chị đã vượt lên hoàn cảnh nghiệt ngã ấy trong niềm tin yêu của bao người.
Tràn đầy trong hai cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm là tình yêu thương chị dành cho mọi người, cho đất nước, cho miền Nam khói lửa, cho miền Bắc gian khó, cho người thân, cho mẹ cha, cho bạn bè đồng nghiệp, cho thương bệnh binh, cho anh em đồng đội..; một tình yêu thương chân thành da diết hiếm có.
Chính tình yêu ấy đã giúp chị vượt qua nỗi buồn đau còn u uất trong lòng, vượt qua những ngày tháng khốc liệt dữ dội, khó khăn ghê gớm, chồng chất, ở một vùng đất khói lửa chết chóc diễn ra hàng ngày, để làm tròn, làm hết chức phận, làm đến tận cùng của sự hy sinh mà hai chữ “tận tụy” không đủ lột tả được. Chị còn trải lòng mình với các em nhỏ, với mọi người qua những vần thơ đơn sơ đầy xúc động: “Chị về Phổ Hiệp quê em / Biển xanh sóng biếc, cát mềm dưới chân / Mặn mà biết mấy tình dân / Lời ai nói đó, ân cần thiết tha..”. Chị như hóa thân vào Bài học lớp đồng ấu năm xưa về tình yêu thương con người:
“...Lòng tôi yêu chẳng xiết đâu,
Ấy tôi đi học chỉ cầu thế thôi”.
Những đồng đội cũ còn sống đến hôm nay có thể không nhớ hết các sự kiện mà bụi thời gian đã che phủ, nhưng không thể nào quên được tình yêu thương chị để lại trong lòng bao người. Là người thầy thuốc đấu tranh với thương tật giành lấy sự sống hiểm nghèo trong thời bình đã là khó nhọc, huống hồ giữa một vùng đất kẹp giữa hai trận tuyến ác liệt nhất của chiến tranh, ngày ngày đạn bom cày xới, nơi mà như chị viết “cái chết đến còn dễ hơn cả bữa ăn”, chị đã sống, làm việc không kể ngày tháng, từ sáng sớm cho đến tối khuya, thùy mị, dịu dàng, dễ xúc động mà gan góc đến lạ lùng như thế suốt mấy năm ròng, từ lúc rời giảng đường Đại học Y khoa Hà nội tình nguyện vào Đức Phổ Quảng Ngãi cho đến lúc hy sinh, tạo nên một số phận quá đỗi đặc biệt: thu phục được cả sự kính trọng của những ngưòi lính khác biệt cả về dòng máu, đối nghịch cả về chiến tuyến.
Cuốn Nhật ký với những dòng chữ viết vội trong bão lửa chiến tranh ấy đã làm nên nhiều điều diệu kỳ, nó như dòng nước mát giữa cơn khát, như lời an ủi cho những nỗi buồn, như lời động viên khích lệ trước những khó khăn ngang trái, như lời nhắc nhở chia sẻ giữa đồng nghiệp, và như một lời thề nghĩa vụ với nghề nghiệp được quí trọng... Là những dòng chữ tâm tình chỉ viết cho riêng chị mà lại có thể tiếp thêm sức lực cho ta.
Cuộc đời ngắn ngủi, vẻ vang, thấm đẫm yêu thương, rực sáng như một giải sao băng của nữ Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm là tấm gương sáng, rất sáng về lẽ sống, về lòng yêu nước, về tình yêu con người, về “bầu bí thương nhau”, về đạo đức nghề nghiệp, về lòng tự trọng cho tất cả chúng ta, đặc biệt cho các thầy thuốc trẻ hôm nay và mai sau nữa.
Chữ Tâm trong trái tim chị đã thật sự tỏa sáng, mãi mãi…
PGS. Nguyễn Ngọc Thoa
(Đại học Y Dược Tp.HCM)
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...