Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 09-09-2008 2:48am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Khác

chieucao

 

Sự phát triển của cơ thể trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành là một quá trình phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố về di truyền, nội tiết, cũng như những yếu tố khác như dinh dưỡng, chế độ ăn, luyện tập và nghỉ ngơi…


Trong đó, GH là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của cơ thể trẻ và là nội tiết tố đóng vai trò quyết định về chiều cao của một người khi trưởng thành.

Chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH sẽ gây ra chậm phát triển cơ thể , vóc dáng lùn và chậm dậy thì. Bệnh lý này đã được ghi nhận từ thế kỷ thứ 19. Phải đến khi người ta tổnghợp được GH bằng công nghệ tái tổ hợp, việc điều trị bệnh lý này mới được mở rộng. Trước đó, người ta đã điều trị GHD ở trẻ em bằng GH trích từ tử thi người. Tuy nhiên, biến chứng khá nguy hiểm là bệnh Creutzfeldt-Jacob (JCD) là nguyên nhân khiến FDA chính thức cấm sử dụng GH trích từ tuyến yên vào điều trị. Hiện nay GH tái tổ hợp (rhGH) là điều trị chuẩn cho GHD.

GH sử dụng cho trẻ em thiếu bị bệnh thiếu GH (GHD) sẽ giúp bệnh nhân tăng phát triển chiều cao. Trong năm điều trị đầu tiên, trẻ sẽ tăng chiều cao gấp 2-3 lần tốc độ trước đó. Sau khi bắt kịp chiều cao với các trẻ khác, trẻ sẽ tiếp tục phát triển bình thường khi được duy trì GH.

Ở Việt nam, trong những năm gần đây việc chuẩn hóa chẩn đoán và điều trị GHD bằng GH đã bắt đầu phát triển. Bệnh viện Trường Đại học Y Dược TPHCM đã triển khai chẩn đoán và điều trị trẻ chậm tăng trưởng chiều cao từ năm 2004. Tại Hà nội, Bệnh viện Nhi trung ương cũng đã bắt đầu sử dụng rhGH vào điều trị GHD từ năm 2006.

Kinh nghiệm ở Bệnh viện ĐHYD TPHCM cho thấy đa số các trẻ được đưa đến khám chậm tăng trưởng chiều cao sau khi đã điều trị một thời gian khá dài tại các Khoa Dinh dưỡng nhưng không hiệu quả. Việc đánh giá trẻ em chậm tăng trưởng chiều cao dựa theo cách phân loại suy dinh dưỡng là không phù hợp và không giúp cho việc chẩn đoán sớm. Hơn nữa, các trẻ GHD đều có những đặc điểm có thể nhận biết qua việc khám lâm sàng cẩn thận giúp cho việc chẩn đoán phân biệt với những trường hợp suy dinh dưỡng thông thường. Các trẻ em nam thường được phụ huynh quan tâm hơn các trẻ em nữ. Các trẻ em nữ chỉ được đưa đến khám vào độ tuổi tiền dậy thì, khi không thấy phát triển các đặc điểm giới tính phụ hoặc/và vô kinh nguyên phát. Việc tầm soát GHD cần được quan tâm nhiều hơn nữa ở các Khoa Dinh dưỡng, đặc biệt là ở các bệnh viện nhi. (Trần Quang Khánh, 2007).

Để chẩn đoán xác định GHD, một số các nghiệm pháp kích thích tiết GH được đề nghị bao gồm nghiệm pháp hạ đường huyết bằng insuline, nghiệm pháp kích thích bằng arginine, ornithine, clonidine, levodopa và glucagon nhưng tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán GHD chính là nghiệm pháp kép GHRH-Arginine [3,7]. Ở điều kiện thực tế Việt nam, hai nghiệm pháp động là hạ đường huyết bằng insuline và arginine làm nghiệm pháp kép được dùng để chẩn đoán xác định GHD. (T.Q. Khánh, 2007)

Vừa qua, 09 trường hợp GHD được chẩn đoán, điều trị bằng rhGH và theo dõi sau 24 tháng tại Bệnh viện ĐHYD TPHCM đã được báo cáo. Chiều cao của trẻ được điều trị đã tăng lên rõ rệt. Chiều cao tăng tốt nhất vào tháng thứ 09 đến tháng thứ 12 kể từ khi bắt đầu điều trị. Sau 24 tháng điều trị, chiều cao trẻ tăng trung bình 20,4cm. Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng trung bình 10,6 cm và trong năm thứ hai, chiều cao trung bình tăng 10,1 cm. (T.Q. Khánh, 2007).

Một báo cáo khác tại Bệnh viện Nhi trung ương trên 4 trường hợp GHD từ 8 đến 15 tuổi cũng cho kết quả tốt (N.T. Hoàn và C.T.B.Ngọc, 2007). Sau 12 tháng điều trị với rhGH, các trường hợp trên tăng chiều cao từ 10-15cm. Trong 2 trường hợp theo dõi đến 21 tháng điều trị, 1 trường hợp tổng cộng chiều cao tăng 14,5cm và 1 trường hợp tăng 23,5cm.

Cả 2 nghiên cứu trên đều chưa ghi nhận một tác dụng không mong muốn đáng kể nào ở các trẻ sử dụng rhGH từ 1-2 năm điều trị.

Kết quả ban đầu của các nghiên cứu sử dụng rhGH trong điều trị trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH tại Việt nam cho kết quả tốt. Chiều cao tăng trung bình đạt trên 10cm/năm trong 2 năm điều trị. Cần chú ý phát hiện và chẩn đoán sớm các trẻ bị thiếu GH để điều trị sớm. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy điều trị sớm sẽ giúp trẻ đáp ứng với điều trị tốt hơn.

Tài liệu tham khảo

Trần Quang Khánh (2007). Điều trị hormone tăng trưởng tại Bệnh viện Đại học Y Dược.

Nguyễn Thị Hoàn và Cấn Thị Ngọc Bích (2007). Một số nhận xét về 4 trường hợp điều trị hormone tăng trưởng ở trẻ bị lùn yên.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
THỞ RÍT Ở TRẺ EM - Ngày đăng: 22-12-2008
HELICOBACTER PYLORI - Ngày đăng: 15-04-2009
VIÊM PHỔI DO VIRÚT CÚM - Ngày đăng: 03-04-2009
VIÊM DẠ DÀY DO HELICOBACTER PYLORI - Ngày đăng: 16-05-2009
Bệnh lý IMPETIGO - Ngày đăng: 27-09-2009
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK