Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 23-11-2018 9:52am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Xu hướng xã hội hiện đại ngày nay đang dần hướng phụ nữ tập trung vào phát triển sự nghiệp nên sẽ thường sinh con trễ, ở tuổi 30, thậm chí là 40 tuổi. Tuy nhiên, trong điều trị hiếm muộn, đối với những phụ nữ lớn tuổi này, thì tỷ lệ trẻ sinh sống trong chu kỳ IVF thường thấp: 7% đối với 41 tuổi, 2% đối với 42 tuổi, 7% đối với 43 tuổi và 0% khi 44 tuổi (theo Ron, 2000). Một trong những lý do chính dẫn đến hiệu quả kém trong kết quả của IVF/ICSI ở những người phụ nữ lớn tuổi là sự suy giảm chung về chất lượng cũng như số lượng noãn thu được. Các nghiên cứu trước đây về noãn cho thấy tỷ lệ lệch bội tăng theo độ tuổi và đi theo cấp số nhân từ 10% ở phụ nữ <35 tuổi, đến 30, 40 tuổi và hơn nữa. Ngoài ra, đối với những bà mẹ mang thai tuổi cao thì có nguy cơ bị biến chứng sản khoa như sinh non, thai lưu, tiểu đường thai kỳ, rối loạn gen, trẻ sinh ra nhẹ cân. Chính vì vậy, việc chọn lựa một phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm phù hợp sẽ làm tăng cơ hội thành công hơn.

ICSI được xem là phương pháp đầy hứa hẹn do tỷ lệ thụ tinh cao, việc sử dụng ICSI trong quá trình điều trị tăng lên ở Mỹ từ 34% (năm 1996) lên đến 76% (năm 2012), ICSI còn là phương pháp được thực hiện 100% chu kì ở một số quốc gia. Hiện nay, ICSI được ưu tiên lựa chọn và xem là một cách tiếp cận tối ưu để đảm bảo tỷ lệ thụ tinh cao, chuyển phôi thuận lợi cho những bệnh nhân lớn tuổi, với số lượng noãn thu được ít và vô sinh không do nam. Tuy nhiên, bằng chứng cho việc này còn hạn chế. Do đó, nghiên cứu này đưa ra sự so sánh giữa 2 phương pháp IVF cổ điển và ICSI ở những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, số lượng noãn thu được sau chọc hút ít và vô sinh không do nam.

Đối tượng nghiên cứu như sau: (1) nữ 40-43 tuổi, (2) điều trị lần 1, (3) kích thích buồng trứng ngắn ngày, (4) số noãn chọc hút được không nhiều hơn 5, (5) tinh trùng bình thường theo tiêu chuẩn của WHO.
Kết quả:
- Về các đặc điểm nền ở bệnh nhân thì không có sự khác nhau giữa 2 nhóm IVF và ICSI, ngoại trừ tỷ lệ nguyên nhân vô sinh nguyên phát ở nhóm IVF thấp hơn (11.99% vs. 31.82%, P < 0.001).
- Về kết quả phôi học: Theo như dự đoán, tỷ lệ thụ tinh bình thường của nhóm IVF thấp hơn khi so với nhóm ICSI (61.56% vs. 76.00%, P < 0.001); và số phôi chuyển trung bình, tỷ lệ phôi chuyển ngày 3, ngày 5 thì tương đương ở 2 nhóm.
- Về kết quả lâm sàng: Tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống ở nhóm IVF cao hơn nhóm ICSI (21.59% so với 13.25%, P > 0.05; 12.16% so với 6.02%, P > 0.05) và tỷ lệ sẩy thai cũng thấp hơn ở nhóm IVF (43.68% so với 54.55%, P > 0.05), mặc dù khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, tỷ lệ làm tổ ở nhóm IVF cao hơn rõ rệt so với nhóm ICSI (15.11% so với 7.75%, P < 0.05). Sau khi phân tích hồi quy điều chỉnh theo độ tuổi, vô sinh nguyên phát, số lượng noãn thu được, và độ dày nội mạc tử cung thì tỷ lệ sinh sống cộng dồn trong nhóm IVF cao hơn về mặt thống kê so với nhóm ICSI (14.59% so với 5.56%, P < 0.05).

Tóm lại, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy IVF cho tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ sinh sống cộng dồn cao hơn so với nhóm ICSI đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có số lượng noãn thu được ít và vô sinh không do yếu tố nam. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại cũng có một số hạn chế. Đầu tiên là cỡ mẫu tương đối nhỏ ở nhóm ICSI, thứ hai là không có sự đồng bộ trong việc lựa chọn phương pháp nào của các bác sĩ lâm sàng khi thực hiện nghiên cứu. Một số bác sĩ lâm sàng có khuynh hướng ưu tiên sử dụng ICSI để đảm bảo việc thụ tinh tối đa cho bệnh nhân này. Cuối cùng, đây vẫn là nghiên cứu hồi cứu nên cần có những nghiên cứu tiến cứu để có thể đưa ra những bằng chứng tốt hơn về ưu điểm của IVF hoặc ICSI đối với trường hợp bệnh nhân này. 

Đặng Thị Huyền Trang - Chuyên viên phôi học - IVFMD Tân Bình
Nguồn: Conventional in vitro fertilization (IVF) or intracytoplasmic sperm injection (ICSI): which is preferred for advanced age patients with five or fewer oocytes retrieved? NCBI 10.1007/s00404-018-4696-6.
 
 
 

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Tăng cân trong thai kỳ và sinh non - Ngày đăng: 13-11-2018
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK