Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 12-11-2018 2:03am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Lương Trần Hoàng Linh - Nguyễn Thị Liên Thi

Trong các chu kỳ chọc hút noãn, một số trường hợp có ghi nhận hiện tượng số noãn sau chọc hút ít hơn so với số nang trên siêu âm hoặc không có noãn, mặc dù trước đó đã có xác nhận sự phát triển của nang noãn trong quá trình kích thích buồng trứng thông qua siêu âm và các xét nghiệm nội tiết cũng như việc kiểm soát kỹ thuật trong quá trình chọc hút. Hiện tượng này được gọi là hội chứng nang trống (EFS - Empty follicle syndrome). Nhiều nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng về hội chứng này, tuy nhiên, sự tồn tại của hiện tượng này vẫn là một câu hỏi lớn. 



Một bài tổng quan dựa trên 45 tài liệu tham khảo đã đưa ra một số nhận định về định nghĩa, phân loại, nguyên nhân, các dấu hiệu tiên lượng sớm và phương pháp điều trị đối với hội chứng nang trống.
EFS có hai dạng: EFS giả (false) và EFS "thật" (Genuine). EFS giả là hiện tượng khi liều trigger không được tiêm hoặc không được sử dụng đúng cách. EFS thật có sự kết hợp của việc kiểm soát liều trigger. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng EFS. Với EFS giả, nguyên nhân có thể do cách bảo quản thuốc, thời điểm và liều lượng tiêm mũi trigger, đặc biệt thường xảy ra đối với bệnh nhân tự quản lý thuốc tiêm. Một nguyên nhân khác, có thể do thời gian chọc hút quá sớm (<34 tiếng) hoặc quá trễ (>38 tiếng). Ngoài ra, nguyên nhân có thể do yếu tố kỹ thuật của thiết bị và kỹ năng của người chọc hút (chọc hút chưa hoàn toàn, có bong bóng hoặc bất thường trong thiết bị chọc hút...). Với EFS thật, nguyên nhân có thể là do tuổi của người bệnh (tỉ lệ EFS đến 57% với bệnh nhân trên 40 tuổi), khả năng buồng trứng đáp ứng kém, AMH thấp. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chứng minh EFS có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể, đặc biệt là những gen mã hóa cho thụ thể LH/hCG.

Một số ý kiến cho rằng có thể tuổi bệnh nhân cùng với khả năng buồng trứng đáp ứng kém, hoặc thời gian vô sinh dài có nguy cơ cao dẫn đến EFS. Tuy nhiên, những yếu tố đó không thật sự giúp ích trong việc tiên lượng hiện tượng này. Nhiều bệnh nhân có EFS trong chu kì đầu vẫn mang thai và có trẻ sinh sống trong những chu kì tiếp theo. Bên cạnh đó, việc xác định nồng độ hCG trong máu có thể dự đoán EFS đối với hiện tượng EFS giả. 

Cách khắc phục hiện tượng EFS giả dễ thực hiện hơn so với EFS thật. Bệnh nhân cần được giải thích rõ về cách sử dụng thuốc, lưu ý những nguy cơ khi bệnh nhân không sử dụng đúng cách; kiểm tra nồng độ hCG trước chọc hút để xác định, nếu không đủ có thể tiêm lại sau 24h với mũi đầu tiên. Với EFS thật, sử dụng Agonist trigger có thể mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hội chứng này vẫn có thể xảy ra sau Agonist trigger. Một số ý kiến cho rằng có thể kết hợp Agonist trigger và hCG, nhưng phương pháp này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Những chứng cứ về sự tồn tại của EFS, nguyên nhân và cách khắc phục vẫn cần được nghiên cứu nhiều hơn. Mục tiêu hạn chế hội chứng nang trống có thể giúp hoàn thiện hơn nữa cho kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. 

Nguồn: Empty follicle syndrome revisited: definition, incidence, aetiology, early diagnosis and treatment.
Link : https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/28596003

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK