Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 18-09-2018 3:14pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế


Hiện nay các trung tâm IVF thường thực hiện chuyển đơn phôi được lựa chọn (eSET) để hạn chế đa thai và các nguy cơ của nó cho bệnh nhân. Phôi được chọn chuyển chủ yếu dựa vào đánh giá hình thái phôi vào một thời điểm nhất định ở giai đoạn phôi phân chia hoặc phôi nang. Tuy nhiên, vẫn chưa có một chuẩn phân loại thống nhất giữa các trung tâm và việc đánh giá phôi còn phụ thuộc vào cảm quan của chuyên viên phôi học. Trong những năm gần đây, chuyển phôi nang thường được thực hiện nhiều hơn vì giảm được số lượng phôi chuyển cho bệnh nhân tuy nhiên nuôi cấy phôi dài ngày có thể tăng nguy cơ các bệnh liên quan đến thượng di truyền, sinh đôi cùng trứng, sinh non, trẻ nhẹ cân… và trong một số trường hợp bệnh nhân không đủ phôi để nuôi cấy đến phôi nang hoặc phôi không thể phát triển sang giai đoạn phôi nang. Do đó, cần có một yếu tố dự đoán đáng tin cậy về khả năng hình thành phôi nang của phôi ngày 3. Hệ thống time-lapse ra đời cho phép dự đoán được khả năng phát triển thành phôi nang chất lượng tốt dựa trên các thông số động học của phôi, từ đó có thể lựa chọn được những phôi có tiềm năng cao nhất để chuyển.

Một số nghiên cứu cho thấy, sự hô hấp là thông số hữu ích để đánh giá chất lượng của phôi vì nó cung cấp thông tin về hoạt động trao đổi chất. Hiện nay, hệ thống SECM được sử dụng để đánh giá hoạt động hô hấp của từng phôi riêng biệt một cách đơn giản và chính xác nhất, nó cung cấp tỉ lệ tiêu thụ oxy- một thông số thể hiện chính xác hoạt động của ti thể. Một số công bố trước đây đã chỉ ra rằng, giữa những phôi có cùng mức xếp loại về hình thái có sự tiêu thụ oxy khác biệt đáng kể. Việc kết hợp giữa đánh giá hình thái phôi và đo lường hoạt động hô hấp của phôi có thể cung cấp thông tin chính xác hơn về chất lượng của phôi từ đó giúp lựa chọn được phôi có tiềm năng tốt nhất để chuyển. Bằng việc ứng dụng các thông số động học phát triển theo dõi bằng hệ thống time- lapse và theo dõi tỉ lệ tiêu thụ oxy của phôi, Kaori Goto và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá xem liệu rằng các yếu tố trên có khả năng dự đoán được phôi ngày 3 có khả năng phát triển thành phôi nang chất lượng tốt hay không.

Nghiên cứu tiến cứu trên 942 hợp tử của 403 bệnh nhân thực hiện IVF/ICSI từ 7/2006 đến 6/2014 tại Nhật Bản, trong số đó có 282 hợp tử được đánh giá bằng hình ảnh time-lapse và 121 hợp tử được đánh giá bằng cách kết hợp hình ảnh time-lapse và sự tiêu thụ oxy của phôi. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
  • Phôi có tỉ lệ tiêu thụ oxy nằm trong khoảng 0.41 × 1014/mol s−1 đến 0.61 × 1014/mol s−1 có tỉ lệ hình thành phôi nang chất lượng tốt cao nhất; 22,1% so với 14,3% ở nhóm phôi có tỉ lệ tiêu thụ oxy nằm ngoài vùng trên.
  • Phôi có t2< 24 giờ và (t3-t2) nằm trong khoảng 9h đến 13h cho tỉ lệ hình thành phôi nang chất lượng tốt cao hơn những phôi nằm ngoài khoảng này.
  • Phôi ngày 3 có tỉ lệ tiêu thụ oxy kết hợp với thông số động học nằm trong khoảng trên cho tỉ lệ hình thành phôi nang chất lượng tốt lên đến 35,3%.
Như vậy nghiên cứu này cung cấp thêm một công cụ lựa chọn phôi có tiềm năng phát triển thành phôi nang chất lượng tốt để thực hiện chuyển đơn phôi là kết hợp giữa đánh giá lượng oxy tiêu thụ của phôi và thông số động học t2, t3-t2 của phôi, tăng cơ hội điều trị IVF thành công cho những cặp vợ chồng có ít phôi ngày 3.

Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận
Nguồn: Prediction of the in vitro developmental competence of early- cleavage-stage human embryos with time-lapse imaging and oxygen consumption rate measurement. Reproductive Medicine and Biology. 10.1002/rmb2.12104.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK