Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 05-06-2018 7:47am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM
 
Một nghiên cứu mới, công bố trên tạp chí “PLOS Medicine”, đã tổng kết lại y văn hiện tại về những lợi ích và nguy cơ lâu dài cho sức khoẻ liên quan tới phương pháp mổ lấy thai so với một cuộc sinh thường qua ngả âm đạo.
 

Các nhà nghiên cứu điều tra những lợi ích cũng như nguy cơ về lâu dài của phương pháp mổ lấy thai.
 
Sarah Stock – đến từ Trung tâm Sức khoẻ Sinh sản MRC tại Đại học Edinburgh ở Vương quốc Anh – cùng các đồng nghiệp thực hiện một tổng hợp về các nghiên cứu hiện có với hy vọng tìm ra một vài ánh sáng về những ảnh hưởng của phương pháp mổ lấy thai lên sức khoẻ của cả bà mẹ lẫn trẻ. Các phát hiện có ý nghĩa quan trọng, do ngày càng nhiều phụ nữ đang lựa chọn một cuộc phẫu thuật sinh mổ lấy thai thay vì một cuộc sinh thường qua ngả âm đạo, thậm chí lựa chọn nhiều lần, mà không có lời khuyên về mặt y khoa nào để thực hiện điều đó. Theo các tác giả, gần 25% các cuộc sinh ở Châu Âu và 41% các cuộc sinh ở Bắc Mỹ là mổ lấy thai. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng trong khi các thai phụ thường được tư vấn rõ ràng về những kết cục ngắn hạn của phương pháp mổ lấy thai, họ lại ít được tư vấn hơn về ảnh hưởng lâu dài của mổ lấy thai – không chỉ cho sức khoẻ của họ và của con họ, mà còn cho khả năng mang những thai kỳ trong tương lai của họ. Chính vì vậy, Stock cùng nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra các kết cục chính cho bà mẹ và trẻ liên quan với các cuộc phẫu thuật lấy thai. Để làm điều đó, họ tổng hợp những thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng và các nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu quy mô lớn. Tổng cộng, số lượng những người tham gia trong các nghiên cứu là gần 30 triệu người. Kết cục chính mà các nhà nghiên cứu tìm kiếm ở các bà mẹ là rối loạn chức năng sàn chậu, trong khi kết cục chính ở trẻ được nghiên cứu là hen suyễn, và kết cục chính của những thai kỳ trong tương lai là tử vong chu sinh.
 
Stock cùng các đồng nghiệp tóm tắt các phát hiện của họ như sau: “Chúng tôi tìm thấy rằng mổ lấy thai có liên quan tới việc làm giảm tiểu không tự chủ và sa cơ quan vùng chậu ở bà mẹ nhưng làm gia tăng tỉ lệ hen suyễn và béo phì ở trẻ”. Họ bổ sung thêm: “Phẫu thuật sinh mổ lấy thai có liên quan tới khả năng khó thụ thai hơn trong tương lai cũng như những nguy cơ cho thai kỳ kế tiếp như nhau tiền đạo, vỡ tử cung, và thai chết lưu”. Cụ thể hơn, nguy cơ của tiểu không tự chủ thấp hơn 44% cho những phụ nữ được mổ lấy thai, và thấp hơn 71% đối với sa cơ quan vùng chậu. Tuy nhiên, những trẻ được sinh ra từ phẫu thuật sinh mổ lấy thai gia tăng đến 21% nguy cơ tiến triển tới hen suyễn trong vòng 12 năm đầu tiên của cuộc đời, và gia tăng đến 59% nguy cơ bị béo phì cho tới 5 tuổi. Những phụ nữ đã mổ lấy thai một  lần gia tăng 17% nguy cơ sẩy thai nếu họ quyết định mang thai trở lại sau khi sinh mổ, và gia tăng 27% nguy cơ thai chết lưu. Tuy nhiên, sự gia tăng về nguy cơ của tử vong chu sinh là không rõ rệt. Mặt khác, nguy cơ của nhau tiền đạo cao hơn 74% cho những bà mẹ đã từng mổ lấy thai, và nguy cơ là cao hơn nữa đối với nhau cài răng lược hoặc vỡ tử cung.
 
Các nhà nghiên cứu nhận ra một số điểm hạn chế của bài tổng hợp của chính họ. Hầu hết những nghiên cứu được tổng hợp là nghiên cứu quan sát, điều này làm cho các kết quả có khuynh hướng bị sai lệch. Đồng thời, họ phát biểu: “Những nghiên cứu quan sát được tiến hành ở các quốc gia có thu nhập cao. Điều này có nghĩa là các kết quả nên được giải thích một cách cẩn trọng, và những phát hiện có thể không có tính đại diện cho các cơ sở chăm sóc sức khoẻ khác”. Tuy nhiên, các phát hiện là hiển nhiên quan trọng đối với những phụ nữ đang cân nhắc việc mổ lấy thai. Các tác giả kết luận: “Các phát hiện này có thể giúp gia tăng những cuộc thảo luận giữa các bác sỹ lâm sàng và bệnh nhân về phương thức sinh, đồng nghĩa rằng bệnh nhân sẽ được thông tin tốt hơn về các nguy cơ tiềm ẩn lâu dài cũng như lợi ích của phương pháp mổ lấy thai cho chính bản thân họ, con họ và bất cứ thai kỳ nào trong tương lai”. Cuối cùng, do nguồn gốc của các nghiên cứu được tổng hợp lại là nghiên cứu quan sát, cũng đồng nghĩa là không thể rút ra bất cứ mối quan hệ nhân quả nào.

(Nguồn: medicalnewstoday 1/2018)
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK