Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 05-04-2018 7:32am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Những thập kỷ gần đây, tuổi sinh sản trung bình của phụ nữ ngày càng gia tăng. Khả năng có thai tự nhiên và có thai sau hỗ trợ sinh sản đều giảm theo tuổi. Nhiều phụ nữ phải áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) xin noãn để tăng cơ hội thành công. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy TTTON xin noãn có nguy cơ biến chứng thai kỳ cao hơn so với thai tự nhiên lẫn thai TTTON không xin noãn.

Để khảo sát biến chứng thai kỳ trên nhóm bệnh nhân hiếm muộn xin noãn, các nhà nghiên cứu người Ấn độ và Anh đã cùng hợp tác để phân tích dữ liệu từ Human Fertilization and Embryology Authority. Phân tích được thực hiện trên 5929 ca sinh sống sau xin noãn và 127.856 ca sinh sống sau TTTON với noãn tự thân. Tất cả các chu kỳ đều là chuyển phôi tươi, kết cục chu sinh gồm sinh non và thai nhẹ cân được phân tích ở các thai kỳ đơn thai và đa thai. Có 100.092 ca sinh một trẻ và 33.693 ca sinh từ 2 trẻ trở lên.
 

Trong nhóm đơn thai, nguy cơ kết cục xấu chu sinh sau xin noãn tăng cao hơn so với nhóm không xin noãn: OR hiệu chỉnh của sinh non là 1,56 (KTC 99,5% 1,34 – 1,8) và của trẻ nhẹ cân là 1,43 (KTC 99,5% 1,24 – 1,66), đều cao hơn có ý nghĩa thống kê. Trong nhóm đa thai, chỉ có nguy cơ sinh non là cao hơn có ý nghĩa ở nhóm xin noãn so với nhóm không xin noãn (aOR 1,21, KTC 99,5% 1,02 – 1,43). Các nguy cơ trên vẫn không thay đổi khi phân tích trên nhóm xin noãn dưới 40 tuổi.

Khi so sánh kết cục thai kỳ dựa trên tuổi của người cho noãn, nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt về kết cục sinh non hoặc trẻ nhẹ cân giữa các nhóm tuổi của người cho noãn (£ 20 tuổi, 21-25 tuổi, 26-30 tuổi và 31-35 tuổi). Như vậy, tuổi của người cho noãn không phải là yếu tố ảnh hưởng đến kết cục thai kỳ của người nhận.

Điểm mạnh của nghiên cứu này là cỡ mẫu lớn được thu thập từ nhiều trung tâm khác nhau, nhóm dân số đồng bộ là chuyển phôi tươi, xác định được xin noãn là một yếu tố nguy cơ độc lập của kết cục thai kỳ với khoảng tin cậy cao. Điểm hạn chế của nghiên cứu là thiết kế hồi cứu và do bản chất ẩn danh bệnh nhân, nên không thể thu thập thêm các thông tin về các yếu tố có khả năng gây nhiễu khác như hút thuốc lá, BMI, mối liên hệ giữa người cho và nhận noãn, chủng tộc và các bệnh lý kết hợp khác trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, để khắc phục nhược điểm này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng khoảng tin cậy 99,5% so với khoảng tin cậy thường dùng là 95%.

Dữ liệu nghiên cứu này cho thấy xin noãn làm tăng nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân so với nhóm không xin noãn, ngay cả khi người nhận noãn còn trẻ tuổi (dưới 40 tuổi). Vẫn cần thêm nghiên cứu với thiết kế chặt chẽ, loại trừ các yếu tố gây nhiễu để khẳng định thêm các phát hiện trên. Mặc dù vậy, những thai phụ nằm trong diện này nên được tư vấn đầy đủ và theo dõi sát thai kỳ nhằm hạn chế biến chứng cho trẻ sinh non và nhẹ cân.

BS Nguyễn Khánh Linh – Nhóm nghiên cứu sinh non - BV Mỹ Đức
Nguồn: High-risk of preterm birth and low birth weight after oocyte donation IVF: analysis of 133,785 live births. Reproductive BioMedicine Online 2017.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK