Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 08-08-2016 2:30pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM
 
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí “Pediatrics” gợi ý rằng những phụ nữ được tiêm chủng cúm trong thai kỳ có thể làm giảm rõ rệt nguy cơ cho con họ mắc siêu vi cúm trong 6 tháng đầu tiên của cuộc đời.

Các nhà nghiên cứu cho rằng độ bao phủ tiêm chủng cúm cho thai phụ vẫn còn rất thấp.
 
Dựa theo các kết quả của mình, các tác giả của nghiên cứu viện dẫn việc tiêm chủng cúm trong thai kỳ như là một “ưu tiên sức khoẻ cộng đồng”. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), tất cả mọi người trên Hoa Kỳ từ 6 tháng tuổi trở lên nên được tiêm chủng chống lại siêu vi cúm mỗi năm. Việc tiêm chủng cúm đặc biệt quan trọng cho trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và thai phụ. Những nhóm này có nguy cơ cao nhất mắc phải các biến chứng liên quan đến cúm.

Hiện tại, một nghiên cứu mới càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc tiêm chủng cúm cho những người sắp làm mẹ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ của các bà mẹ được nhận tiêm chủng cúm trong thai kỳ ít có khả năng mắc cúm hơn trong vòng 6 tháng đầu tiên của cuộc đời. “Những đứa trẻ không thể được tiêm chủng cúm trong vòng 6 tháng đầu đời, do đó chúng phải dựa trên những nguồn khác để phòng tránh cúm trong khoảng thời gian đó” – tác giả chính của nghiên cứu, Julie H. Shakib, trợ lý giáo sư Nhi khoa tại Trường Y – Đại học Utah, Hoa Kỳ, lưu ý. “Có những lợi ích rõ rệt cho con họ khi thai phụ được tiêm chủng cúm”.

Để tiến hành nghiên cứu, Shakib và các đồng nghiệp phân tích những hồ sơ sức khoẻ của hơn 245.000 thai phụ và con họ - với số lượng tổng cộng hơn 249.000 trẻ nhũ nhi, bao gồm những trẻ sinh đôi và sinh ba, và ngay cả những cuộc sinh nở với số con nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu kiểm tra hồ sơ sức khoẻ qua 9 mùa cúm từ tháng 12/2005 đến tháng 3/2014. Chỉ khoảng 10% trong số các phụ nữ báo cáo rằng họ được tiêm chủng cúm trong thai kỳ, trong khi đó 90% số phụ nữ còn lại không được tiêm chủng.

Qua 9 mùa cúm, 658 trẻ nhũ nhi từ 6 tháng tuổi trở xuống được xác định mắc cúm bởi phòng thí nghiệm. Trong số này, 638 (97%) trường hợp mắc cúm xảy ra ở những trẻ nhũ nhi có mẹ không được tiêm chủng cúm trong thai kỳ. Kết quả cũng cho thấy có tổng cộng 151 trẻ nhũ nhi được xác định mắc cúm phải nhập viện, và 148 trẻ trong số những trẻ này được sinh ra từ các bà mẹ không được tiêm chủng cúm trong thai kỳ. Theo phân tích từ nghiên cứu, việc tiêm chủng cúm trong thai kỳ làm giảm nguy cơ mắc cúm tới 70% và giảm nguy cơ nhập viện liên quan tới cúm đến 80% cho những trẻ nhũ nhi từ 6 tháng tuổi trở xuống.

Khi phân tích mối liên quan với siêu vi hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV) – tác nhân thường gặp gây nhiễm trùng hô hấp phổ biến vào các tháng mùa đông – các tác giả nhận thấy việc tiêm chủng cúm trong thai kỳ không có ảnh hưởng lên tỉ lệ mắc phải RSV ở những trẻ nhũ nhi tham gia nghiên cứu. Kết quả này gợi ý rằng nguy cơ mắc cúm giảm đi ở những trẻ nhũ nhi có mẹ được tiêm chủng cúm trong thai kỳ là một kết quả của chỉ mình vaccine.

TS. Carrie L. Byington, Giáo sư Nhi khoa tại Trường Y – Đại học Utah, lưu ý rằng tỉ lệ tiêm chủng cúm giữa những người sắp làm mẹ gia tăng trong giai đoạn dịch cúm gia cầm (H1N1) năm 2009-2010. Tuy nhiên, TS. cho rằng tỉ lệ này vẫn còn rất thấp, cho thấy đây là một “vấn đề sức khoẻ cộng đồng”. “Chỉ khoảng 50% thai phụ báo cáo được tiêm chủng trong mùa cúm mới nhất” – TS. Byington phát biểu. “Nhưng chúng ta cần tăng con số này lên mức gần 100%”. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng cả thai phụ và con họ đều ở nguy cơ cao mắc các biến chứng liên quan tới cúm, từ đó càng làm nổi bật lên tầm quan trọng của việc tiêm chủng cúm. “Thai phụ là một nhóm nguy cơ cao trong mùa cúm và các đợt bùng phát cúm, do đó nên được tiêm chủng cúm. Nếu những người chăm sóc sức khoẻ của họ không đề nghị họ tiêm chủng cúm, tôi khuyến khích tất cả thai phụ nên yêu cầu những người chăm sóc sức khoẻ cho họ tiêm chủng cúm” – đồng tác giả của nghiên cứu, TS. Michael W. Varnet, Trường Y – Đại học Utah phát biểu. Shakib và nhóm nghiên cứu hy vọng rằng các phát hiện của họ sẽ khuyến khích nhiều phụ nữ hơn tiêm chủng cúm.

(Nguồn: medicalnewstoday 5/2016)
Từ khóa: tiêm chủng cúm
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK