Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 08-08-2016 2:28pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM
 
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí “JAMA Pediatrics” chứng minh một mối quan hệ giữa việc tiêu thụ các loại thức uống sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo trong thai kỳ và một sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của những trẻ nhũ nhi. Mặc dù các kết quả của nghiên cứu không thể chứng minh cho mối quan hệ nhân – quả, nhóm nguyên cứu vẫn khá chắc chắn về sự cấp thiết tiến hành thêm các nghiên cứu trong tương lai.

Nghiên cứu mới điều tra về những hậu quả của các chất tạo ngọt nhân tạo lên thai nhi.
 
Hiện nay, các nước phương Tây đang ở giữa một cơn khủng hoảng béo phì, bao gồm cả trẻ em. Béo phì đã tăng gấp đôi ở trẻ em và tăng gấp bốn ở trẻ vị thành niên trong 3 thập niên gần đây. Lượng đường được bổ sung vào các loại thức ăn và nước uống có một vai trò quan trọng trong dịch béo phì này. Do đó, việc thay thế các loại thức uống có đường với các lựa chọn chất tạo ngọt nhân tạo dường như là một lời dự đoán an toàn hơn. Xét cho cùng, lượng calo mà các các chất này thêm vào các loại thức uống là không đáng kể hoặc không tồn tại. Vào năm 2012, gần như ¼ thanh niên Hoa Kỳ tiêu thụ các loại thức uống có chứa các chất tạo ngọt không dinh dưỡng (Non-Nutritive Sweeteners – NNSs) mỗi ngày. Những chất thay thế này là những thành phần tương đối mới và do đó, các hậu quả của chúng chưa được ghi nhận rõ. Chỉ có một bằng chứng tương đối nhỏ gợi ý rằng NNSs có thể làm gia tăng nguy cơ bệnh lý chuyển hoá và béo phì ở thanh niên. Cũng đồng thời một chứng cứ từ các mô hình động vật gợi ý rằng việc tiêu thụ NNSs trong thai kỳ có thể gây ra béo phì và các vấn đề chuyển hoá ở trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, việc tiêu thụ NNSs trong thai kỳ và những hậu quả cho trẻ đang phát triển chưa từng được nghiên cứu trước đây trên con người.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Manibota, Winnipeg, Canada, đứng đầu bởi TS. Meghan B. Azad, tiến hành nghiên cứu vai trò của NNSs trên thai nhi một cách chi tiết hơn. Bằng việc sử dụng một bảng câu hỏi, các điều tra viên kiểm tra 3.033 bà mẹ và trẻ nhũ nhi. Họ tìm kiếm các mối quan hệ giữa việc tiêu thụ các thức uống được tạo ngọt nhân tạo trong thai kỳ và chỉ số khối cơ thể (BMI) trong tương lai của trẻ.

Việc xác định xem liệu cân nặng của một đứa trẻ là “bình thường” hay không gặp nhiều thách thức hơn so với người lớn. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu sử dụng BMI z-score. Thang điểm này so sánh cân nặng của một đứa trẻ với một số lượng lớn các trẻ khác, đồng thời đưa tuổi và giới tính vào việc tính toán, cũng như cả mô hình tăng trưởng của trẻ. Lấy ví dụ, một BMI z-score là 2,5 có nghĩa là đứa trẻ có độ lệch chuẩn cao hơn giá trị trung bình 2,5 lần.

Trong nghiên cứu mới này, tuổi trung bình của các bà mẹ là 32,4 tuổi; BMI z-score trung bình là 0,19 khi trẻ 12 tháng tuổi và 5,1% số trẻ là thừa cân. Trong số các bà mẹ, 29,5% uống các loại thức uống được tạo ngọt nhân tạo trong thai kỳ, và 5,1% uống các loại thức uống này mỗi ngày. Nghiên cứu cho thấy, so với những phụ nữ uống các loại thức uống không được tạo ngọt nhân tạo, việc tiêu thụ các loại thức uống này mỗi ngày làm tăng chỉ số BMI z-score thêm 0,2; và nguy cơ cho một trẻ nhũ nhi trở nên thừa cân khi trẻ được 1 tuổi tăng gấp đôi. Các kết quả này vẫn rõ ràng khi các yếu tố có liên quan khác được tính tới, bao gồm BMI của mẹ, chất lượng của chế độ ăn và tổng năng lượng nhập vào.

“Theo hiểu biết của chúng tôi, các kết quả của chúng tôi cung cấp chứng cứ đầu tiên trên con người cho thấy việc tiêu thụ chất tạo ngọt nhân tạo trong thai kỳ có thể gia tăng nguy cơ thừa cân cho trẻ khi trẻ còn nhỏ. Do dịch béo phì ở trẻ nhỏ hiện nay và việc tiêu thụ các chất tạo ngọt nhân tạo ngày càng nhiều, cần có các nghiên cứu trong tương lai nhằm lặp lại các phát hiện của chúng tôi trong các nghiên cứu đoàn hệ khác, đánh giá từng loại NNS riêng biệt và các kết cục lâu dài hơn, đồng thời nghiên cứu các cơ chế sinh học bên dưới” – TS. Meghan B. Azad phát biểu.

Mặc dù nghiên cứu này không thể chứng minh cho mối quan hệ nhân – quả, và vẫn còn các vấn đề tồn tại với thông tin về chế độ ăn tự báo cáo, các kết quả này vẫn cho thấy cần có các nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là khi được tiến hành trên mối quan hệ với các nghiên cứu trên động vật và người lớn đã có từ trước.

Do dữ kiện của nghiên cứu còn tương đối ít và mới chỉ ở bước đầu, các con đường chính xác dẫn từ việc tiêu thụ NNS tới các vấn đề chuyển hoá vẫn chưa được hiểu rõ. Một biên tập viên cộng tác với tạp chí nghiên cứu “JAMA Pediatrics” kể ra vắn tắt một số cơ chế khả dĩ. Một số giả thuyết rằng khi các thụ thể ở miệng và ruột tiếp xúc với NNSs, chúng kích thích cảm giác thèm ăn, và sau đó dẫn tới tăng cân. Một số tin rằng các chất tạo ngọt nhân tạo ảnh hưởng tới các loại và số lượng vi khuẩn trong ruột và gây ra các biến đổi về chuyển hoá. Mặc dù vậy các giả thuyết này không thể giải thích dễ dàng cho các biến đổi tiềm ẩn trên chuyển hoá của bào thai.

Dù cho bất cứ cơ chế nào xảy ra, lĩnh vực này của khoa học dinh dưỡng đòi hỏi nhiều nghiên cứu hơn nữa. Hiện tại đã có hàng ngàn sản phẩm thức ăn và nước uống có chứa NNSs, và chỉ riêng cho nguyên nhân này thôi, nghiên cứu về các tác hại của chúng lên sức khoẻ là hết sức quan trọng.

(Nguồn: medicalnewstoday 5/2016)
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK