Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 15-01-2015 9:10pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Nam khoa

ThS. BS. Hồ Mạnh Tường
CGRH, Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM




Giới thiệu

Tinh dịch đồ (TDĐ) là xét nghiệm ban đầu để đánh giá khả năng sinh sản nam giới trong bilan khảo sát một cặp vợ chồng hiếm muộn. Từ những thập niên 70, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bắt đầu quan tâm đến việc cần chẩn hóa xét nghiệm này. Tuy nhiên, chỉ từ năm 1987, WHO mới bắt đầu thu thập số liệu nhiều nơi trên thế giới để xây dựng ngưỡng tham khảo của tinh dịch đồ (phiên bản III). Năm 1999, WHO ra phiên bản guideline lần IV. Các phiên bản này đều có vấn đề về mặt phương pháp là chưa chẩn hóa về cách đánh giá tinh dịch đồ, số liệu từ một số chuyên gia ở một số vùng trên thế giới.
Chỉ đến guideline phiên bản V, năm 2010, WHO mới chẩn hóa được cách đánh giá và số liệu lấy từ các nghiên cứu khảo sát đa trung tâm từ nhiều nước trên thế giới. Để xây dựng ngưỡng tham khảo của TDĐ, tổng cộng 1.953 nam giới đã có con với thời gian mong con dưới 12 tháng từ nhiều trung tâm của 8 nước trên 3 châu lục khác nhau được khảo sát tinh dịch đồ theo một tiêu chẩn chung. Giá trị ngưỡng của từng chỉ số trong của TDĐ được xác định theo bách phân vị thứ 5 của dân số khảo sát. Việc chọn ngưỡng tham khảo này có nghĩa là trong gần 2.000 trường hợp nam giới có khả năng sinh sản bình thường, có khoảng 95% trường hợp có các chỉ số tinh dịch đồ lớn hơn hoặc bằng ngưỡng tham khảo. Do đó, ngưỡng tham khảo này không thể nói lên khả năng sinh sản thật sự của nam giới. Khoảng 5% trường hợp nam giới có khả năng sinh sản bình thường có các chỉ số TDĐ thấp hơn ngưỡng tham khảo.

Các vấn đề của tinh dịch đồ

Tinh dịch đồ cho ta biết một khái niệm về số lượng và chất lượng tinh trùng của nam giới dựa trên một số đặc điểm khảo sát. Các chỉ số này chỉ là chỉ số ước tính, không phải số chính xác. TDĐ có sai số do phương pháp ước tính và sai số của người đánh giá. Tinh dịch đồ có thể thay đổi theo thời gian với một biên độ khá lớn. Các chỉ số TDĐ có thể thay đổi theo thời gian kiêng xuất tinh trước đó.

Một số vấn đề cần biết khi đọc kết quả tinh dịch đồ

-          Các chỉ số TDĐ dưới ngưỡng tham khảo, nam giới vẫn có thể có khả năng sinh sản bình thường.
-          Rất nhiều trường hợp TDĐ trên ngưỡng tham khảo, các khảo sát trên người vợ bình thường, mà hai vợ chồng vẫn không có con được.
-          Khả năng có con của nam giới với một phụ nữ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sinh sản của phụ nữ đó.
Hiện nay, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng khá phổ biến cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhiều nghiên cứu đều cho thấy việc các chỉ số TDĐ có đạt ngưỡng tham khảo hay không ít ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Vấn đề các nhà chuyên môn đặt ra hiện nay là tìm thêm những yếu tố khác chính xác hơn hay có thể bổ sung vào giá trị chẩn đoán khả năng sinh sản, tiên lượng khả năng điều trị và giúp định hướng điều trị.

Các phương pháp đánh giá chất lượng tinh trùng khác

Một số yếu tố chuyên biệt đã được nghiên cứu để bổ sung cho các giá trị TDĐ để tiên lượng, chẩn đoán và định hướng điều trị:
-          Kháng thể kháng tinh trùng.
-          Đánh giá chất lượng di động tinh trùng (CASA).
-          Đánh giá vi mất đoạn nhiễm sắc thể Y.
-          Khả năng gắn kết với hyaluronic acid của tinh trùng.
-          Đánh giá bất thường số lượng nhiễm sắc thể tinh trùng.
-          Hình dạng tinh trùng phóng đại dưới kính hiển vi (nhiều nghìn lần).
-          Hàm lượng gốc oxy hóa tự do (ROS).
-          Phân mảnh hay mức độ tổn thương DNA tinh trùng (DNA fragmentation).
Trong số các yếu tố trên, việc đo ROS và định lượng các hình thức phân mảnh / không toàn vẹn DNA của tinh trùng là hướng nghiên cứu quan trọng trên thế giới trong khoảng 10 năm gần đây.
Hiện nay, các kỹ thuật đo ROS và định lượng phân mảnh DNA tinh trùng đều đã thực hiện được ở Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản (CGRH) thuộc Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM – là đơn vị đi đầu trong việc phát triển các kỹ thuật, xây dựng qui trình, chuyển giao công nghệ và đưa vào ứng dụng các kỹ thuật này ở nước ta. Việt Nam hiện nay là nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á trong việc nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật này vào lâm sàng.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK