Một trong những nghiên cứu lớn nhất tìm hiểu về tác động của phá thai lên lần sinh đầu tiên thấy rằng phụ nữ có từ 3 lần phá thai trở lên có nguy cơ bị một số kết cục sinh bất lợi cao hơn, như sinh non và nhẹ cân.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí y học sinh sản hàng đầu Châu Âu Human Reproduction ngày 29/8, phát hiện thấy rằng trong số 300.858 người mẹ Phần Lan, 31.083 (10,3%) đã có một lần phá thai từ năm 1996 đến 2008, 4.417 (1,5%) có hai lần, và 942 (0,3%) có từ ba lần phá thai trở lên trước lần sinh đầu tiên (loại trừ sinh đôi và sinh ba). Những người có từ ba lần phá thai trở lên có nguy cơ sinh con rất nhẹ cân (dưới 1500g), nhẹ cân (dưới 2500g), hoặc sinh non (trước 37 tuần), hoặc sinh cực non (dưới 28 tuần) tuy thấp nhưng cao hơn một cách đáng kể so với những phụ nữ không phá thai. Nguy cơ sinh cực non tăng nhẹ ở những phụ nữ có hai lần phá thai.
Tiến sĩ Reija Klementi, giáo sư và nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Viện Sức khỏe và Phúc lợi Quốc gia ở Helsinki, Phần Lan, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng phá thai trước lần sinh đầu tiên, nhất là từ ba lần trở lên, liên quan với tăng nguy cơ trong lần sinh đầu tiên. Tuy nhiên, nguy cơ tăng lên rất thấp, đặc biệt sau một hay thậm chí hai lần phá thai, và phụ nữ không cần được cảnh báo về những kết quả này.”
Hầu hết những trường hợp phá thai (88%) là phá thai ngoại khoa và gần như tất cả (91%) được thực hiện trước 12 tuần. Các nhà nghiên cứu hiệu chỉnh kết quả tìm được với nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng kết quả sinh nở như nền tảng xã hội, tình trạng hôn nhân, tuổi, hút thuốc lá, những thai kỳ ngoài tử cung trước đó và sẩy thai. Đa thai (sinh đôi và sinh ba) được loại khỏi nghiên cứu.
Nguy cơ sinh cực non dường như tăng nhẹ ở mỗi lần phá thai, nhưng chỉ có nguy cơ ở những phụ nữ phá thai từ hai lần trở lên mới có ý nghĩa thống kê.
Tiến sĩ Klementi nói: “Một cách rõ ràng hơn, cứ 1000 phụ nữ thì có ba người không phá thai có con sinh trước 28 tuần. Con số này tăng lên 4 phụ nữ nếu phá thai một lần, 6 phụ nữ nếu phá thai hai lần, và 11 phụ nữ nếu phá thai từ ba lần trở lên.”
Với những phụ nữ có ba lần phá thai trở lên, yếu tố nguy cơ tăng một cách đáng kể, tăng một phần ba (35%) có con sinh non (trước 37 tuần), tăng gấp đôi (225%) nguy cơ sinh rất nhẹ cân, và nguy cơ tăng 2/5 (43%) sinh con nhẹ cân.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ trẻ tử vong trong thời gian sinh nở tăng nhẹ. Tuy nhiên, số lượng này rất thấp (1498 trẻ hay 5/1000 trẻ) và do đó cần được lưu ý khi điều trị. Bên cạnh đó, các tác giả nói rằng có lẽ họ không thể hiệu chỉnh hết tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả này và tử vong chu sinh rất nhạy cảm với những yếu tố xã hội như nghèo đói.
Tiến sĩ Klementi cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu lớn đầu tiên xem xét một cách rộng rãi các kết quả chu sinh và kiểm soát, ít nhầt một phần, những yếu tố gây nhiễu quan trọng nhất như hút thuốc lá và vị trí kinh tế xã hội. Tuy nhiên, cần phải nói rằng dù chúng tôi đã hiệu chỉnh những yếu tố này, và cả thai ngoài tử cung và sẩy thai, có thể vẫn có vài yếu tố gây nhiễu như tầng lớp xã hội mà chúng tôi không thể kiểm soát. Yếu tố này có thể liên quan đến cách sống của họ, thói quen, và sức khỏe tình dục và sinh sản.
“Hơn nữa, đây là một nghiên cứu quan sát và, mặc dù nghiên cứu có cỡ mẫu lớn và được kiểm soát tốt, nó chỉ cho thấy mối liên hệ giữa phá thai với vài kết cục bất lợi – nó không thể chứng minh phá thai là nguyên nhân.
“Phần Lan là một trong những nước có tỉ lệ phá thai thấp nhất Châu Âu (8,7 trên 1000 phụ nữ lứa tuổi 15-49), nhưng dù vậy, một số lớn phá thai vẫn xảy ra hàng năm. Bên cạnh đó, Phần Lan có chất lượng phá thai và chăm sóc phụ nữ rất tốt, và xét về những mặt khác, nhất là ở các nước kém phát triển hơn, tình huống này có thể khác. Vì những lý do này, nguy cơ sinh nở bất lợi tăng rất ít nhưng cũng có thể có những hệ quả rất lớn với sức khỏe, như sinh non và nhẹ cân có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của mẹ và con.
“Chúng tôi đề nghị khả năng tăng nguy cơ cho những thai kỳ sau cần được đưa vào giáo dục giới tính, đặc biệt khi có những lý do khác để tránh phá thai. Các nhân viên y tế cũng nên nói đến những nguy cơ tiềm tàng khi lặp lại phá thai.”
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2012/08/120829195117.htm
Người dịch: Đặng Bích Thảo
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...