Chứng cứ y học mới nhất và đáng tin cậy nhất vừa được công bố cho thấy kết quả nuôi cấy phôi nang (còn gọi là túi phôi) trái ngược với mong đợi của nhiều người từ trước đến nay. Tổng kết này cho thấy nuôi cấy phôi nang thật sự không làm tăng tỉ lệ thai lâm sàng. Ngoài ra, nuôi cấy phôi ngày 5 làm tăng nguy cơ không có phôi để cấy vào buồng tử cung, giảm khả năng có phôi dư đông lạnh so với chuyển phôi sớm. Kết luận chung của báo cáo tổng kết hệ thống này cho thấy phác đồ chuyển phôi sớm (ngày 2 hoặc ngày 3) mang lại tỉ lệ có thai dồn sau TTTON (cộng chung chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ lạnh) lên gấp 1,6 lần so với chuyển phôi trễ ngày 5.
Phác đồ phổ biến nhất hiện nay của thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) trên thế giới là chuyển phôi sớm vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau chọc hút noãn. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, xu hướng nuôi cấy phôi dài ngày đến giai đoạn phôi nang (còn gọi là túi phôi) ngày càng phát triển trên thế giới. Ở Việt nam, nuối cấy phôi nang đã được thực hiện từ năm 1999 và bắt đầu phát triển trong khoảng 5 năm gần đây. Các chuyên gia cho rằng chuyển phôi trễ vào ngày 5 sinh lý hơn, giúp chọn lựa phôi được tốt hơn, nhờ đó tỉ lệ có thai TTTON cao hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, các dữ liệu báo cáo trên thế giới cho kết quả không rõ ràng và gây nhiều tranh luận.
Báo cáo tổng hợp số liệu các nghiên cứu đáng tin cậy trên toàn thế giới công bố gần đây của Glujovsky và cộng sự trên thư viện Cochrane năm 2012 đã cho giúp các nhà khoa học nhìn nhận rõ hơn hiệu quả của phác đồ nuôi cấy phôi kéo dài. Báo cáo này tổng hợp số liệu của 23 nghiên cứu với hơn 3.000 bệnh nhân để đánh giá hiệu quả của nuôi cấy phôi nang so với phôi ngày 2 hoặc ngày 3. Đây là báo cáo lớn nhất từ trước đến nay. Thư viện Cochrane được xem là chứng cứ y học đáng tin cậy nhất hiện nay trên thế giới.
Kết luận của các tác giả cho thấy tỉ lệ có thai lâm sàng giữa một lần chuyển phôi sớm và chuyển phôi ngày 5 là tương đương. Chuyển phôi nang có thể giúp tỉ lệ có thai sinh sống tăng nhẹ. Tuy nhiên, chuyển phôi nang đi kèm với nhiều bất lợi hơn, bao gồm:
- Nhiều nguy cơ không có phôi để chuyển hơn do các phôi bị ngưng nửa chừng, tăng khoảng 3 lần nguy cơ so với chuyển phôi sớm.
- Chỉ còn 1/3 cơ hội còn phôi dư để trữ lạnh so với chuyển phôi sớm.
- Tỉ lệ có thai cộng dồn, tính chung cả chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh chỉ bằng khoảng 2/3 so với chuyển phôi sớm.
- Tăng chi phí do phải nuôi cấy phôi kéo dài (hóa chất môi trường nuôi cấy, tủ cấy, nhân công…).
Công bố mới này sẽ giúp các trung tâm TTTON tư vấn chính xác cho người bệnh và giúp các cặp vợ chồng hiểu rõ và chọn lựa tốt hơn về các phác đồ điều trị.
BS. Hồ Mạnh Tường
CGRH, Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM
Nguồn tham khảo: GlujovskyD, BlakeD, Farquhar C, Bardach A. Cleavage stage versus blastocyst stage embryo transfer in assisted reproductive technology. Cochrane Database of Systematic Reviews 2012, Issue 7. Art. No.: CD002118. DOI: 10.1002/14651858.CD002118.pub4.
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...