Theo hướng dẫn thực hành mới của Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (The American College of Obstetricians and Gynecologists), số lần tầm soát ung thư cổ tử cung ở đa phần các phụ nữ không nên quá một lần trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm. Ngoài việc kéo dài khoảng cách giữa các lần làm Pap, nên thực hiện xét nghiệm phối hợp gồm Pap và xét nghiệm HPV, nhưng chỉ nên giới hạn cho những phụ nữ từ 30 tuổi và chỉ nên làm một lần mỗi 5 năm.
Những hướng dẫn thực hành mới này cũng đồng thuận với những khuyến cáo được phát hành đầu năm 2012 bởi Hiệp hội ung thư Hoa kỳ (American Cancer Society), Hiệp hội soi cổ tử cung và giải phẫu bệnh cổ tử cung Hoa Kỳ (the American Society for Colposcopy and Cervical Pathology) cũng như các nhóm y khoa khác.
“Những thay đổi trong khuyến cáo mới này vô cùng quan trọng với cả thầy thuốc và bệnh nhân.” BS David Chelmow, tác giả chính của khuyến cáo này phát biểu. “Cần tốn nhiều thời gian và nỗ lực để thay đổi nhận thức của mọi người rằng việc làm Pap hàng năm không còn là tiêu chuẩn trong tầm soát ung thư cổ tử cung nữa. Tuy nhiên việc khám phụ khoa và vú mỗi năm vẫn vô cùng quan trọng.”
Test tầm soát Pap đã góp phần làm giảm hơn 50% tỉ lệ ung thư cổ tử cung ở Hoa Kỳ trong vòng 30 năm qua. Hầu hết những trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện ở Hoa Kỳ là những phụ nữ không được tầm soát hay có tầm soát nhưng không đầy đủ. Ung thư cổ tử cung gây ra bởi những type HPV sinh ung thư, một loại nhiễm trùng lây qua đường tình dục thường gặp. Đa phần những phụ nữ với hệ miễn dịch bình thường có thể loại bỏ hiệu quả HPV, trong khi một phần nhỏ phụ nữ nhiễm HPV kéo dài sẽ xuất hiện những bất thường ở cổ tử cung có nguy cơ dẫn đến ung thư.
Thay đổi lớn nhất trong những hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung là ở đối tượng phụ nữ tuổi từ 30 đến 65. Những phụ nữ trong độ tuổi này nếu có kết quả tầm soát âm tính thì chiến lược tầm soát tốt nhất là xét nghiệm phối hợp Pap (truyền thống hay phương pháp dùng dung dịch) với xét nghiệm HPV mỗi 5 năm. Với những nơi không có điều kiện làm xét nghiệm HPV, xét nghiệm Pap đơn độc mỗi 3 năm cũng có thể được chấp nhận cho phụ nữ độ tuổi này.
“Nhiễm HPV rất thường gặp nhưng đa phần lớn thường thoáng qua và không tiến triển thành ung thư cổ tử cung” BS Chelmow phát biểu. Theo Hội, phần lớn những tế bào tiền ung thực sự cần nhiều năm để tiến triển thành tế bào ung thư xâm lấn. “Những bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy việc tầm soát không thường xuyên vẫn đảm bảo phát hiện được ung thư. Việc sử dụng xét nghiệm phối hợp tầm soát mỗi 5 năm sẽ giúp hạn chế tỉ lệ ung thư cực kỳ thấp đồng thời tránh được những nguy cơ tiềm ẩn của việc can thiệp không cần thiết.”
Hội tiếp tục khuyến cáo những phụ nữ trẻ hơn 21 tuổi, dù đã có hay chưa quan hệ tình dục không cần thiết phải tầm soát ung thư cổ tử cung hay xét nghiệm HPV. Dù tỉ lệ mới mắc HPV của nhóm thanh niên đang hoạt động tình dục tương đối cao nhưng tỉ lệ ung thư cổ tử cung vô cùng hiếm ở độ tuổi này. Với những phụ nữ trẻ, hệ miễn dịch của họ có thể hoàn toàn loại bỏ HPV trong khoảng thời gian trung bình là 8 tháng, và phần lớn các bất thường ở cổ tử cung xuất hiện do nhiễm HPV thường tự khỏi mà không cần điều trị gì.
Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi cần tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi 3 năm thay vì mỗi 2 năm bằng Pap truyền thống hay Pap dùng dung dịch. Với nhóm phụ nữ này không cần tầm soát bằng test phối hợp.
Bác sĩ Chelmow cho biết: “Hướng dẫn thực hành mới nhấn mạnh rằng xét nghiệm tìm những type HPV nguy cơ thấp là không cần thiết. Khi tiến hành xét nghiệm phối hợp, chúng ta chỉ nên tìm type HPV nguy cơ cao sinh ung thư mà thôi.”
Tầm soát ung thư cổ tử cung không cần tiếp tục ở phụ nữ sau 65 tuổi nếu họ không có tiền sử tăng sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN2 hay 3), ung thư biểu mô tuyến tại chỗ hay ung thư cổ tử cung, cũng như có ba lần làm Pap liên tục âm tính hay hai kết quả xét nghiệm kết hợp âm tính trong 10 năm trở lại, trong đó lần xét nghiệm gần nhất cách không quá 5 năm.
Phụ nữ bất kỳ độ tuổi nào nếu đã cắt bỏ tử cung kèm cả cổ tử cung (cắt tử cung toàn phần) và không có tiền sử CIN 2 hay 3 thì không cần tiếp tục làm xét nghiệm tầm soát nữa.
Đặc biệt, những phụ nữ đã được chích ngừa HPV cũng nên tuân thủ lịch tầm soát như người chưa chích ngừa.
Hội cũng khuyến cáo những phụ nữ có tiền căn ung thư cổ tử cung hay HIV dương tính, suy giảm miễn dịch, hoặc phơi nhiễm với diethylstilbestrol (DES) trong bụng mẹ không nên tuân theo lịch của hướng dẫn này mà cần tầm soát thường xuyên hơn.
Người dịch: BS Lê Đại Dương
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...